Sự độc đáo và bí ẩn của 'Thư viện tương lai' ở Na Uy
Từ năm 2014 đến 2114, mỗi năm, một bản thảo sẽ được niêm phong trong 'Phòng Im lặng' của 'Thư viện Tương lai' ở Na Uy. Các tác phẩm có thể có độ dài bất kỳ, được viết bằng bất cứ ngôn ngữ và phong cách nào, nhưng tất cả chỉ được công bố sau 100 năm nữa. Thư viện này sẽ tạo nên một khoảng thời gian thực sự để con người nhìn lại quá khứ, thậm chí biết đâu chúng ta trở thành một nền văn minh đã mất, thì đó sẽ là món đồ khảo cổ cho những thế hệ tương lai.
Những bản thảo bị niêm phong
Vào tháng 5 hàng năm, những người yêu thích văn học từ khắp nơi trên thế giới đi bộ 40 phút qua rừng Nordmarka ở ngoại ô Thủ đô Oslo của Na Uy và dừng lại ở nơi có 1.000 cây vân sam được trồng vào năm 2014. Tại đây, họ nhóm lửa, đun nước pha cà phê và tụ tập xung quanh khi một nhà văn trao lại bản thảo mà mãi đến năm 2114 mới được đọc. Theo đó, có 100 tác giả được lựa chọn để viết bản thảo qua mỗi năm. Khi được mở niêm phong, chúng sẽ là minh chứng cho sự trôi qua của thời gian, sức chịu đựng của nhân loại và niềm hy vọng đã được các thế hệ đi trước gửi gắm. Các bản thảo được niêm phong bên trong “Phòng Im lặng” tại thư viện công cộng của thành phố Deichman Bjorvika. Căn phòng nằm ẩn mình trên tầng cao nhất của thư viện, nơi cuốn sách cổ nhất của Na Uy được giữ an toàn trước các biến cố tự nhiên.
Được thiết kế giống như các vòng thân cây, 100 lớp gồm các bản thảo theo từng năm xếp trong bức tường căn “Phòng Im lặng”. Mỗi bản thảo được bọc trong một hộp thép được gắn sâu trong một “vòng cây” và ẩn sau tấm kính phát ra ánh sáng dịu. Ngoài tên tác giả cùng với năm sáng tác, tác phẩm được bảo mật bằng chuông báo động. Khu rừng bên ngoài sẽ giúp mang lại sức sống cho những cuốn sách - những cây non ở đây sẽ cung cấp giấy cho khoảng 3.000 bản tuyển tập.
Dự án 100 năm
Ý tưởng về “Thư viện tương lai” đến với Katie Paterson - một nghệ sĩ sắp đặt người Scotland - trên một chuyến tàu khi cô vẽ những vòng cây trên khăn ăn. Paterson được biết đến với những tác phẩm nghệ thuật thách thức nhận thức và ý tưởng của chúng ta về những nguyên tắc cơ bản xung quanh như thời gian, không gian và vị trí của con người trong đó. Cô đã lập bản đồ tất cả các ngôi sao đã chết và thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp tới một tảng băng trôi đang tan chảy. Người nghệ sĩ này nguyện cống hiến sự nghiệp để khám phá mối liên hệ sâu sắc giữa con người và hành tinh mà cô ấy cảm nhận được.
Khi “Thư viện tương lai” sắp bước sang năm thứ 10, Paterson cho biết thay đổi lớn nhất trong cách nhìn nhận về dự án là sự thay đổi quan điểm về khí hậu và sinh thái. Lúc đầu, cô hay nhận được câu hỏi liệu sách có còn tồn tại sau 100 năm nữa hay không. Còn bây giờ, các câu hỏi đang chuyển sang nỗi lo tuyệt chủng và liệu còn ai để đọc sách hay không.
Paterson gặp Anne Beate Hovind (nữ Chủ tịch của Quỹ Thư viện tương lai hiện nay) lần đầu tiên vào năm 2011 trong vai trò Giám đốc nghệ thuật phụ trách vận hành các tác phẩm nghệ thuật công cộng tại Bjorvika Utvikling - công ty đứng đằng sau các kế hoạch phát triển (như dự án trẻ hóa bờ sông Oslo hiện nay). Việc đầu tiên họ cần là một khu rừng. Vào năm 2013, bà Hovind trình bày với Giám đốc lâm nghiệp của khu đô thị Oslo - nơi đã mua đất rừng xung quanh thành phố từ năm 1889 để bảo vệ chống lại việc mở rộng đô thị. “Dự án rừng 100 năm à, tại sao không?” - đó là câu trả lời khiến bà Hovind vô cùng ngạc nhiên và sung sướng.
Nơi gửi gắm hy vọng cho thế hệ sau
Khi thỏa thuận chính thức về khu rừng “Thư viện tương lai” được ký kết vào tháng 5-2022, lúc đó cây con cũng đã bén rễ. Nhưng khó khăn tiếp theo là thuyết phục các nhà văn cam kết thực hiện một tác phẩm sẽ không được xuất bản trong đời họ. Paterson và Hovind đã liên hệ với Margaret Atwood, một tác giả từng có nhiều giải thưởng danh giá. Từ năm 2010, nhà văn này đã trăn trở: “Liệu bản thân chúng ta có sớm trở thành một nền văn minh đã mất không? Liệu cuối cùng những cuốn sách và câu chuyện của chúng ta có trở thành công trình nghiên cứu cho các nhà khảo cổ học hoặc nhà thám hiểm không gian trong tương lai không?”. Atwood gần như đồng ý ngay lập tức tham gia vào dự án “Thư viện tương lai”.
Dần dần, ngày càng nhiều tác giả bị thu hút vào dự án. Quỹ ủy thác hiện nay gồm 7 thành viên (bao gồm Anne Beate Hovind, Katie Paterson, các nhà xuất bản từ Na Uy và Vương quốc Anh cùng một giám đốc bảo tàng Mỹ) xem xét lựa chọn các nhà văn dựa trên những đóng góp của họ cho văn học và thơ ca. Quá trình lựa chọn dựa trên sự tình cờ và trực giác. Không giống như giải thưởng sách, không có danh sách rút gọn hoặc mục tiêu ban đầu để chọn ra giải thưởng tốt nhất, họ chú ý đến tiêu chí hướng tới sự đại diện thực sự trên toàn cầu. Dự án cũng nhận được các đề cử tự nguyện từ khắp nơi trên thế giới, dựa vào đó để tìm ra những nhà văn mới, trong đó tác phẩm được đánh giá về khả năng nắm bắt trí tưởng tượng của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Tsitsi Dangarembga - nữ tiểu thuyết gia và nhà làm phim người Zimbabwe (từng đoạt Giải thưởng nhà văn Khối thịnh vượng chung) đã gia nhập “Thư viện tương lai” vào năm 2021 tin rằng, có nhiều người bắt đầu hiểu rằng chúng ta cần phải làm mọi việc khác đi và họ sẽ được truyền cảm hứng từ các dự án như “Thư viện tương lai” để thoát khỏi sự huyên náo xung quanh và tiếp cận một nguồn kiến thức khác. “Bạn có thể tưởng tượng, nếu 100 quốc gia khác quyết định thực hiện một dự án hướng tới tương lai như vậy không? Điều đó có thể thay đổi thế giới” - Tsitsi Dangarembga nói.
Tham gia dự án từ năm 2017 là Elif Shafak - một nhà văn gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sống ở Anh. Shafak từng đoạt giải thưởng với 19 cuốn sách, có bằng tiến sĩ triết học chính trị, nổi tiếng với việc khám phá những chủ đề khó như quấy rối tình dục, bạo lực giới tính, lạm dụng trẻ em, cô dâu trẻ em và sự kỳ thị người đồng tính. Giống như Dangarembga, Shafak chỉ trích xã hội tư bản hiện đại và nhấn mạnh vào nhu cầu cá nhân hơn là tự nhiên. “Đây là một dự án của niềm tin, niềm tin rằng… lời nói của chúng ta hôm nay sẽ có ý nghĩa đối với con người thuộc thế hệ tương lai, rằng sẽ cần đến văn học, sẽ cần đến thơ ca, tiểu thuyết, ý tưởng… cho những kết nối cảm xúc. Tôi thực sự tin rằng sự im lặng khiến chúng ta xa nhau. Sự im lặng tạo ra những bức tường ngăn cách, nhưng những câu chuyện sẽ đưa chúng ta đến với nhau”.
Đối với tất cả những người tham gia, dự án trên hết đại diện cho niềm hy vọng. Rừng từ lâu đã mang một ý nghĩa tinh thần đối với niềm hy vọng của nhân loại về một tương lai tốt đẹp hơn. Trong lịch sử, trước khi thành lập Liên hợp quốc, các đại biểu đã được đưa đến rừng Muir ở ngoại ô San Francisco để chiêm ngưỡng những cây gỗ đỏ cổ thụ khi họ hình dung ra các chiến lược cho một nền hòa bình thế giới lâu dài. Tương tự như vậy, “Thư viện tương lai” được kỳ vọng là nơi nhân loại gửi gắm những hy vọng của mình. Nữ tiểu thuyết gia Dangarembga nhắn nhủ thêm, chúng ta phải hành động để duy trì và gia tăng niềm hy vọng, bởi vì chỉ hy vọng thôi sẽ không giúp ích được gì. Theo quan điểm của cô, “Thư viện tương lai” duy trì động lực này vì nó nuôi hy vọng vào khả năng tồn tại tốt đẹp: “Có lẽ dự án là nơi mọi người được truyền cảm hứng để tưởng tượng và làm những điều cụ thể trong thế giới của họ. Nếu tất mọi người có thể làm điều đó, tôi nghĩ chúng ta có thể thay đổi thế giới tốt đẹp hơn”.
Theo Al Jazeera