Sự độc hại từ những chiếc camera quay lén

Thời gian gần đây dư luận được dịp 'dậy sóng' bởi liên tiếp xảy ra các vụ đặt camera quay lén phụ nữ. Đây không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Mới đây, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã điều tra, làm rõ một vụ đặt camera quay lén của chủ nhà trọ với những người thuê nhà là nữ giới.

Thông tin cho hay, ngày 22/2/2023, chị Y. (SN 2004, quê Bắc Giang) đến thuê phòng trọ tại địa bàn phường Yên Nghĩa (Hà Đông).Tại phòng trọ, Y. ở cùng 2 người bạn là chị L. (SN 2004, quê Hải Dương) và chị T. (SN 2004, quê Bắc Ninh).

Ngày 18/4/2024, Y. phát hiện tại phòng tắm cá nhân phòng trọ có lắp một camera tại vị trí dưới đèn nhà vệ sinhnên đã đến Công an quận Hà Đông để trình báo.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Hà Đông đã triệu tập chủ nhà trọ là ông N. (58 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) đến làm việc.

Tại cơ quan Công an, ông N. khai nhận: Khoảng tháng 6/2023, vì muốn xem lén người thuê phòng là nữ tắm, ông đã lên mạng xã hội đặt mua 3 bộ camera về lắp trong nhà tắm của các phòng 401, 402 và tầng 5.

Sau khi lắp camera, ông N. thường xem trực tiếp trên điện thoại hoặc lưu lại trên ứng dụng của camera để xem lại. Những hình ảnh, video trên, ông N. không phát tán, chia sẻ cho bất kỳ ai hay đưa lên mạng xã hội. Tại cơ quan công an, ông N. đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an quận Hà Đông xác định ông N. bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi "Thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác".

Ngày 27/5, Công an quận Hà Đông đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND quận Hà Đông ra quyết xử phạt Vi phạm hành chính đối với ông N. về hành vi: "Thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác" theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 84 - Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ. Mức phạt tiền 12.500.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3, Điều 84 - Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân là các video, hình ảnh lưu trong điện thoại di động của ông N.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc đặt camera kín để thu thập trái phép hình ảnh của người khác. Trước đó, Công an quận Cầu Giấy đã bắt một nhóm đối tượng thường xuyên vào các khách sạn rồi lén lắp camera vào vị trí khó phát hiện.

Sau khi thu thập được "cảnh nóng" của các cặp đôi thuê phòng, nhóm người này bám theo rồi liên hệ để tống tiền.

Một loại camera quay lén được giao bán trên mạng (ảnh tư liệu).

Một loại camera quay lén được giao bán trên mạng (ảnh tư liệu).

Hiện nay trên mạng xã hội không khó để tìm kiếm những đối tượng có hành vi mua bán tài khoản camera quay lén. Thông thường những camera này được chính chủ nhà lắp đặt để đảm bảo an ninh cho bản thân. Tuy nhiên, những đối tượng xấu đã đánh cắp mật khẩu, thậm chí chiếm quyền điều hành để thu thập trái phép hình ảnh riêng tư của chủ.

Trên mạng xã hội X hoặc Telegram, nhiều đối tượng công khai mua bán những tài khoản camera dạng này với giá rất rẻ. Sau khi giao dịch, phía "bên kia" sẽ bàn giao các tài khoản kèm mật khẩu để người mua có thể xem "thoái mái" các hình ảnh được hack trên camera với lời hứa "không bị chết" (tức tài khoản không bị khóa).

Cũng tại Telegram từ lâu xuất hiện nhiều nhóm chia sẻ các hình ảnh "quay lén". Thông thường, các đối tượng chỉ cho người tham gia xem vài giây, nếu muốn được xem nhiều thì sẽ phải đóng tiền vào số tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định.

Mỗi hội nhóm như thế này hàng ngày đều đăng tải các đoạn clip mới thu thập từ camera và số lượng thành viên có thể lên tới vài nghìn.

Sự phát triển của công nghệ ngoài lợi ích tuyệt vời phục vụ cuộc sống thì ở một mặt khác, nó đang khiến nhiều người phải "lãnh hậu quả" khi những hình ảnh riêng tư cá nhân bất ngờ "nổi" trên mạng xã hội.

Theo một luật sư, hành vi lắp camera để thu thập trái phép hình ảnh của người khác sẽ bị pháp luật xử lý, tùy vào mức độ nghiêm trọng.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, người có hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000- 60.000.000 đồng.

Nếu người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm nhục người khác", theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự, mức hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.

Nếu người có hành vi quay lén người khác, sau đó tàng trữ, lưu hành, trao đổi, vận chuyển, mua bán nhằm phổ biến hình ảnh, video quay lén với nội dung nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Clip 2 đối tượng lao vào cướp tiệm vàng và dùng hung khí chống trả

T.Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/su-doc-hai-tu-nhung-chiec-camera-quay-len-172240627165942364.htm