Sự đổi thay từ nghị quyết mang tầm chiến lược
Những ngày này, khi tới các huyện ngoại thành Hà Nội, dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt với những con đường rộng rãi, trải dài, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, nhà cửa khang trang... Đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội sau 15 mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII.
Đến xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) vào những ngày cuối tháng 7, dễ dàng bắt gặp hình ảnh đường liên thôn, liên xã rộng rãi trải bê tông phẳng lỳ, hai bên đường không còn cỏ dại và rác thải tồn đọng, thay vào đó là những đường hoa rực rỡ.
Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân Trương Đại Dương cho biết: Thời điểm trước khi thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh, đời sống người dân Minh Tân còn rất khó khăn, thu nhập lao động thấp, hộ nghèo còn nhiều. Khi đó, giao thông đi lại hạn chế, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa bị xuống cấp chưa được đầu tư thỏa đáng.
Song từ ngày thuộc thành phố Hà Nội đến nay, kết cấu hạ tầng phát triển vượt bâc. Đường giao thông từ xã đến thôn, đường nội đồng được thảm nhựa, bê tông 100%, việc đi lại đã dễ dàng, thuận tiện. Hệ thống điện chiếu sáng cùng 15 trạm biến áp và mạng lưới dây điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đáp ứng nhu cầu sản xuất. Để có được kết quả này chính quyền và nhân dân trong xã phát huy sức mạnh, tinh thần đoàn kết trong thực hiện các tiêu chí để sớm hoàn thành nông thôn mới nâng cao.
Không chỉ đẹp về cảnh quan, xã Minh Tân còn là điểm sáng trong phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn Hà Nội. Toàn xã Minh Tân hiện có 573ha đất nông nghiệp nhưng có đến 250ha là những vùng chuyên canh sản xuất rau theo quy trình VietGAP năng suất cao và 50ha trang trại nuôi trồng thủy sản tại thôn Bái Xuyên, Thành Lập 1, Kim Quy...
Minh Tân hiện có hàng trăm hộ trồng rau cho thu nhập ổn định với mức vài trăm triệu đồng/năm. Từ ngày Hợp tác xã rau an toàn Minh Tân thành lập, người dân được học trồng rau theo quy trình VietGAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh trồng rau, người dân còn phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp giúp nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Cùng với phát triển kinh tế, công tác giáo dục, văn hóa, y tế, vệ sinh môi trường tại địa phương cũng được quan tâm. Hệ thống giáo dục 3 cấp học có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. 8/8 thôn có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng và 8/8 thôn đều được công nhận làng văn hóa. Hàng năm gia đình được công nhận gia đình văn hóa chiếm 90% dân số toàn xã. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Đến nay, các gia đình trong xã sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 100%. Nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả cũng được phát triển, nhân rộng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên mức 69 triệu đồng/người/năm.
Còn tại huyện Quốc Oai, chứng kiến sự đổi thay của địa phương sau 15 sáp nhập địa giới hành chính Thủ đô, ông Nguyễn Văn Hiện (Bí thư chi bộ thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân), một người con của dân tộc Mường chia sẻ: Năm 2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính, từ ngày 1/8, 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, trong đó có xã Đông Xuân sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội trực thuộc huyện Quốc Oai. Lúc bấy giờ, thôn Đồng Rằng có trên dưới 10% hộ nghèo và cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người rất thấp. Giao thông chỉ là đường đất, đi lại rất lầy lội, khó khăn vào mùa mưa. Đa số đồng bào sản xuất tự cung, tự cấp… “Tuy nhiên, sau 15 năm, cuộc sống của gia đình mình và bà con trong thôn đã hoàn toàn đổi khác. Thôn không còn hộ nghèo, chỉ còn 2 hộ cận nghèo do hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật. Đồng Rằng thực sự thay đổi diệu kỳ sau 15 năm về với Thủ đô”, ông Hiện phấn khởi thông tin.
Có chung cảm xúc, anh Nguyễn Văn Dần (người dân tộc Mường thôn Đồng Rằng) tâm sự, thời kỳ đỉnh cao (năm 2016), nhà anh nuôi tới 140 con lợn, hàng trăm con gia cầm cung cấp cho vùng nội thành, thu nhập được chừng hơn 200 triệu đồng/năm. Năm nay, diễn biến thị trường chưa thuận lợi, thu nhập tuy sụt giảm nhưng cũng được khoảng trăm triệu đồng. “80% số hộ ở thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai thuộc nhóm khá, giàu từ phát triển chăn nuôi để cung cấp cho nội thành Thủ đô...”, anh Dần cho hay.
Theo anh Dần, sở dĩ gia đình anh và các hộ khác trong thôn Đồng Rằng những năm qua có điều kiện tập trung phát triển mạnh kinh tế là bởi hệ thống giao thông của thôn, xã đã được Thành phố đầu tư bê tông hoặc nhựa hóa toàn bộ. Các tuyến tỉnh lộ đều có đèn chiếu sáng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế, kênh mương đều được đầu tư mạnh mẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Đông Xuân, địa phương này có 10 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm gần 80%. Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ước đạt 6 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 61,5 triệu đồng/người/năm.
Kinh tế - xã hội của xã Đông Xuân cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn; đã có 2 trường đạt chuẩn quốc gia; 90% diện tích lúa nước được tưới bằng hệ thống thủy lợi; 100% số thôn đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 95% đường liên thôn, đường trục chính của thôn, đường ngõ xóm đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; hệ thống nước sạch Sông Đà được đầu tư đến trung tâm xã... Năm 2016, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Cũng giống với các địa phương thuộc huyện Phú Xuyên và Quốc Oai, tình hình kinh tế - xã hội tại huyện Mỹ Đức những năm gần đây đã có sự thay đổi vượt bậc. Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết: Hiện, hệ thống đường giao thông của huyện có 115,7/ 115,7km đường trục xã, liên xã; có 369,9/369,9km đường trục thôn, liên thôn; 452,1km đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 100%; có 350,94km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt 100%.
100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Hệ thống đê, kè, trạm bơm cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai; đến nay có 21/21 xã trên địa bàn huyện có điện nông thôn 100% tỉ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; có 58/80 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 72,5%; có 125/129 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt 96,89%; số làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa” là 119/129 làng, đạt 92,28%.
Đặc biệt, đời sống của người dân huyện Mỹ Đức từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người là 58 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo còn 0,33%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nông dân...
Những đổi thay trong mỗi gia đình như gia đình anh Nguyễn Văn Dần hoặc trên phạm vi rộng hơn như thôn Đồng Rằng hay xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) và ở huyện Mỹ Đức sau 15 năm là những ví dụ sinh động thể hiện sự phát triển vượt bậc, toàn diện về kinh tế - xã hội sau thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội.
Nhớ lại cách đây 6 năm, trong lần về Ứng Hòa làm việc, khi trò chuyện với chúng tôi, một bác cựu chiến binh cho hay: Từ ngày hợp nhất về Thủ đô, cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm được đầu tư mạnh. Như để minh chứng, bác chỉ xuống con đường bê tông bóng láng chạy ra tận cánh đồng, rồi kết luận “một chủ trương quá đúng đắn”. Mới đó, nay đã tròn 15 năm mở rộng địa giới hành chính, lần này lại có dịp về trò chuyện với những người dân, “chủ thể” của việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và tất cả họ đều có chung là niềm hân hoan với những đổi thay và cuộc sống hiện tại từ quyết định lịch sử mang tầm chiến lược đem lại.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/su-doi-thay-tu-nghi-quyet-mang-tam-chien-luoc-158725.html