Sự dối trá của các KOL thể hình
Các chuyên gia cho rằng nhiều bài đăng về thể hình trên mạng không có độ uy tín, thậm chí còn chứa các hình ảnh phản cảm để quảng cáo phòng tập, bán khóa học.
Nếu tìm kiếm thông tin về cách cải thiện sức khỏe trên mạng, người dùng sẽ dễ dàng bắt gặp vô số bài đăng có tiêu đề như “Tôi ăn gì trong một ngày”, “Các bài tập tốt nhất cho cơ bụng săn chắc”, hình ảnh trước và sau khi áp dụng một chế độ giảm cân nhất định.
Nhưng độ tin cậy của những nội dung như vậy thường không được kiểm chứng, theo The Sydney Morning Herald.
Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học South Australia dựa trên 100 người có ảnh hưởng về thể hình hàng đầu trên Instagram từ khắp nơi trên thế giới, các nhà phân tích nhận thấy 2/3 quảng cáo liên quan đến vóc dáng khá đáng ngờ, trong khi khoảng 1/4 đăng hình ảnh quá gợi dục hoặc chứa giao diện phản cảm.
Ám ảnh cân nặng
Molli Johns (20 tuổi), vũ công, lớn lên trong thời kỳ các phương tiện truyền thông như Instagram và Snapchat bắt đầu phổ biến.
Cô gái đến từ Melbourne từng vật lộn với chứng rối loạn ăn uống từ thời niên thiếu. Johns cho rằng chính mạng xã hội đã góp phần đẩy cô đến căn bệnh này.
“Khi còn là một đứa trẻ 13 tuổi, tôi đã nhận được rất nhiều thông tin về tập thể dục và sức khỏe. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình phải làm theo họ, thực hiện chế độ ăn kiêng như các influencer gợi ý, đến phòng tập gym để có được ngoại hình mơ ước. Nó giống như tiêu chuẩn mà xã hội hướng tới cho tôi”, Johns kể lại.
Cô gái thừa nhận mình chưa bao giờ xem xét kỹ lưỡng nội dung được quảng cáo. “Hồi đó tôi còn nhỏ và ngây thơ, nghĩ rằng bất cứ điều gì họ nói cũng đúng”.
Một nghiên cứu khác từ Đại học Sydney được công bố vào tháng 5/2023 cho thấy nữ giới hay chấp nhận các thông điệp sức khỏe do KOL đưa ra giống như lời khuyên từ chuyên gia y tế.
Các nhà phân tích từ Đại học South Australia đã phát triển một công cụ kiểm tra được sử dụng để đánh giá những thông tin trên mạng xã hội. Các tiêu chí sàng lọc bao gồm số lượng bài viết về thể dục, ảnh khỏa thân, quần áo không phù hợp và mô tả các kiểu cơ thể cực đoan hay phi thực tế.
Tiến sĩ Rachel Curtis, nhà điều hành dự án, cho biết thang chấm điểm được dựa trên các loại hình ảnh đã được xác định trước đó, có nguy cơ tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
Chẳng hạn, một bài báo vào năm 2022 đã chỉ ra rằng những phụ nữ thường xuyên xem nội dung liên quan đến chế độ ăn uống, tập luyện có nhiều khả năng thực hiện điều tương tự.
Curtis hy vọng công cụ này, được cung cấp miễn phí, sẽ mang lại lợi ích cho các cá nhân và tổ chức. Ngoài ra, cô gợi ý nó cũng có thể giúp các KOL hiểu rõ hơn về những gì họ đang đăng.
Chạy theo hình mẫu trên mạng
Thông qua các phát hiện từ quá trình nghiên cứu, Ivanka Prichard, Phó giáo sư tại Đại học Flinders, e ngại nhiều tài khoản đang lạm dụng những chiêu trò tình dục hóa để quảng bá về sức khỏe.
Theo Prichard giải thích, văn hóa đại trà trên các phương tiện truyền thông đã ảnh hưởng đến các loại hình ảnh mà người dùng nhìn thấy về lĩnh vực thể chất.
“Chúng tôi cho rằng tất cả hình dáng cơ thể đều có thể khỏe mạnh. Vấn đề nằm ở hành động của mỗi người để bảo vệ sức khỏe hơn là chỉ chăm chú vào ngoại hình. Chẳng hạn, điều đó có thể thay đổi thông qua tham gia các lớp tập thể dục và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh”, Prichard nói.
Prichard cho biết thêm việc các hình chụp phản cảm xuất hiện ở tần suất dày đặc cũng là vấn đề đáng lo ngại.
“Khi phụ nữ tự so sánh bản thân, họ thường rơi vào trạng thái quá coi trọng ngoại hình của mình. Việc liên tục nhìn thấy chúng trên mạng khiến họ nghĩ rằng đó là quy chuẩn và cần đăng những nội dung tương tự để thu hút lượt thích hoặc người theo dõi”, Prichard bày tỏ.
Lauren Calvin, người sáng lập Học viện Thể hình Phụ nữ Quốc gia, đang cố gắng mở rộng tư duy của mọi người về một cơ thể khỏe mạnh trông như thế nào trong ngành thể hình.
Cô thành lập nơi này sau khi gặp khó khăn trong việc tìm một huấn luyện viên hiểu rõ về thể lực trong thời kỳ mang thai.
“Việc thiếu sự đa dạng về hình dáng cơ thể trên nền tảng trực tuyến khiến tôi cảm thấy mình phải chạy theo số đông để được xem trọng. Điều này đã thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống của tôi”, Calvin chia sẻ.
Calvin mắc chứng cuồng ăn khi còn nhỏ. Trong thời gian chìm đắm vào thế giới thể dục online, hội chứng này của Calvin đã phát triển thành một loại bệnh khác là orthorexia, ám ảnh với việc ăn sạch.
“Các quảng cáo của phòng gym thường xoay quanh một nam huấn luyện viên cá nhân lực lưỡng với những phụ nữ khỏe mạnh. Nó thực sự làm tôi khó chịu khi phải trông như vậy để được coi là người hiểu biết”.
Calvin cho hay những người thừa cân nên được tạo môi trường thoải mái tại phòng tập, không bị phán xét và phân biệt đối xử.
Vào tháng 12/2022, Ủy viên An toàn điện tử của Australia đã kêu gọi các nền tảng mạng xã hội và dịch vụ trực tuyến có biện pháp mạnh mẽ hơn trong khâu quản lý thuật toán đề xuất đến người dùng, đặc biệt là trẻ em.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-doi-tra-cua-cac-kol-the-hinh-post1438036.html