Sử dụng bằng bác sĩ giả để hành nghề: Quá coi thường pháp luật, tính mạng người dân

Ngày 18-6, trên Báo Đồng Nai online có đăng tin Phát hiện một bác sĩ hành nghề bằng... bằng giả phản ánh Phòng Thanh Tra Sở Y tế phát hiện bà Trần Xuân Ngọc (phụ trách chuyên môn Phòng Chẩn đoán hình ảnh của Phòng Khám đa khoa Đại Phước, H.Nhơn Trạch) sử dụng bằng bác sĩ giả để hành nghề. Qua xác minh của Thanh tra Sở Y tế, bà Ngọc sử dụng bằng tốt nghiệp Y khoa của Trường đại học Y dược TP.HCM không có trong hồ sơ cấp bằng của trường vào năm 2002.

Bằng tốt nghiệp của bà Ngọc không có trong hồ sơ cấp bằng của Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh

Bằng tốt nghiệp của bà Ngọc không có trong hồ sơ cấp bằng của Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh

Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc (BĐ) đã bày tỏ sự bức xúc trước hành vi gian dối của bà Ngọc và cho rằng đây là hành vi coi thường pháp luật và tính mạng, sức khỏe của người dân.Trên fanpage của Báo Đồng Nai, BĐ Thoan Vu viết: “Quá nguy hiểm cho tính mạng con người, chết oan vì những người không có chuyên môn”.

Có BĐ thắc mắc không hiểu vì sao một người sử dụng bằng cấp giả như bà Ngọc lại có thể làm việc ở nhiều cơ quan nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh ở TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện. BĐ Thịnh Nguyen bày tỏ: “Cũng giỏi chứ! Lừa được cả cơ quan nhà nước hết nơi này đến nơi khác trong vòng gần 20 năm, có thể do học và thi hoài không đậu nên làm cái bằng cho xong?”.

Một số BĐ bày tỏ sự lo lắng khi trong những tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 2 trường hợp sử dụng bằng bác sĩ giả để hành nghề. Trước đó vào tháng 4-2020, qua phản ảnh của người dân, Thanh tra Sở Y tế cũng phát hiện bà Đinh Kim Loan (35 tuổi) là bác sĩ thực hành tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sử dụng bằng bác sĩ và dược sĩ giả. BĐ Tống Thị Ngọc Hoa còn đặt vấn đề: “Phát hiện có ít quá không?”.

Nhiều BĐ cho rằng, các cơ quan chức năng, đơn vị tuyển dụng cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong phát hiện và xử lý triệt để tình trạng sử dụng bằng cấp giả làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các cơ sở y tế, nhất là ở các bệnh viện, phòng khám để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong tuyển dụng cũng như đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng của người dân .

BĐ Phạm Thị Thanh Bình nêu ý kiến, bác sĩ mà còn có cả bằng giả là rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Cơ quan chức năng nên kiểm tra kỹ hồ sơ, bằng cấp của các bác sĩ trước khi cấp giấy chứng chỉ hành nghề hoặc cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời tổ chức các đợt rà soát, kiểm tra lại hồ sơ, bằng cấp, chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ, nhân viên y tế trong hệ thống mình quản lý để phát hiện, xử lý nghiêm những sai phạm, loại bỏ những người có hành vi gian dối, coi thường pháp luật ra khỏi ngành.

An An (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202006/su-dung-bang-bac-si-gia-de-hanh-nghe-qua-coi-thuong-phap-luat-tinh-mang-nguoi-dan-3009040/