Sử dụng chế phẩm sinh học hướng tới nông nghiệp sinh thái bền vững

Với mục tiêu giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu người tiêu dùng, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH) trong sản xuất. Thực tế đã chứng minh, việc sử dụng CPSH cho cây trồng có nhiều ưu điểm vượt trội, đem lại lợi ích cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hợp tác xã Thực phẩm xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất để giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Từ sử dụng hiệu quả chế phẩm sinh học…

CPSH là sản phẩm dinh dưỡng cao cấp, được tạo ra từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, có nguồn gốc từ thực vật, động vật, vi sinh vật, giúp sinh vật tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, trao đổi chất, chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, đồng thời đề kháng tốt các loại sâu bệnh hại cây trồng. Không ít hộ nông dân đã và đang sử dụng CPSH này vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu mang hiệu quả kinh tế cao. Những tính năng vượt trội của loại dinh dưỡng này đã giúp nông dân tiết kiệm được lượng phân hóa học, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tăng năng suất các loại cây trồng, chất lượng nông sản cũng tăng lên đáng kể.

Luôn trăn trở về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Giám đốc HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông đã xây dựng hệ thống nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với quy tắc năm không: Không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không thuốc diệt cỏ, không biến đổi gen và không kích thích tăng trưởng đã giúp chi phí về vật tư, công lao động giảm, năng suất cây trồng cao gấp 1,5 lần, chất lượng đồng đều. Ông Mạnh cho biết: “Trước sự lạm dụng sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đã tác động đến an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, tôi đã trăn trở để tìm ra loại phân bón sinh học thay thế mà vẫn giữ được năng suất, chất lượng cho cây trồng. Đến nay, mô hình của HTX duy trì ổn định sản phẩm nông nghiệp sạch với các loại rau, củ, quả theo mùa. Sản lượng hàng năm của HTX đạt khoảng gần 100 tấn, lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng”.

Cùng với các sản phẩm rau, củ, quả an toàn, là người gắn bó với cây bưởi lâu năm, ông Trần Ngọc Toàn ở thôn Lã Hoàng, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng chia sẻ: Nhận thức được tầm quan trọng của CPSH tới chất lượng quả bưởi, hàng năm gia đình tôi thu gom, ủ gần 20 tấn phân hữu cơ để bón cho khoảng 3ha bưởi, lượng phân hữu cơ này sau khi ủ hoai mục được bón cho cây ngay sau đợt thu hoạch. Theo kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc vườn bưởi, tôi nhận thấy, việc sử dụng CPSH không những giúp tăng lượng dinh dưỡng, giúp cây phát triển tốt hơn mà còn cải thiện chất lượng đất, làm tăng độ xốp, mùn… tạo hệ vi sinh vật có lợi giúp chuyển hóa dinh dưỡng sẵn có trong đất sang dạng dễ hấp thụ cho cây. Nhờ đó, những năm gần đây, sản lượng bưởi của gia đình đã tăng lên đáng kể”.

Ngoài sử dụng CPSH trong chăm sóc bưởi, hiện nay người trồng bưởi ở các vùng chuyên canh đã chuyển dần việc sử dụng thuốc BVTV hóa học sang sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, chế phẩm dẫn dụ để phòng trừ các loại sâu bệnh thường gặp trên cây bưởi. Bà Đỗ Thị Sơn ở xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng thông tin: “Ruồi vàng hại quả là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm cho cây bưởi. Trước đây, sản lượng bưởi của gia đình thường bị giảm tới hơn 30% vì ruồi vàng trong khi vẫn phải chi phí mua, phun thuốc BVTV. Những năm gần đây, tôi cùng nhiều hộ trồng bưởi ở xã đã được cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV huyện hướng dẫn chuyển hướng sang sử dụng chế phẩm dẫn dụ để tiêu diệt ruồi vàng, treo bẫy bả… Nhờ vậy, tình trạng ruồi vàng gần như không còn, cây sinh trưởng và phát triển tốt”.

Phú Thọ là tỉnh miền núi có nền nông nghiệp phát triển, cơ cấu nhiều loại giống cây trồng được phân bố đều trên các vùng sinh thái khác nhau. Qua quá trình sản xuất, người dân trong tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm đa dạng, có chất lượng, bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo thống kê, hàng năm toàn tỉnh có diện tích trồng lúa trên 60.000ha, ngô khoảng 18.000ha, rau trên 15.000ha, chè gần 16.000ha, cây ăn quả gần 15.000ha. Để bảo vệ môi trường và sức khỏe cho con người, yêu cầu đặt ra cho ngành trồng trọt phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình tiêu chuẩn trong sản xuất an toàn và đảm bảo chất lượng cao cho nông sản sau thu hoạch. Thực tế đã chứng minh, việc sử dụng CPSH cho cây trồng có nhiều ưu điểm vượt trội, đem lại lợi ích cho người dân.

Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đoan Hùng hướng dẫn người dân sử dụng bẫy bả để phòng trừ bệnh trên quả baưởi.

…đến phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, trong nhiều năm trở lại đây, việc nghiên cứu, sản xuất CPSH đã và đang được đẩy mạnh để thay thế phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Việc sử dụng CPSH cho cây trồng đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực như: Không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như cây trồng, môi trường sinh thái, giúp cân bằng dinh dưỡng vi sinh vật của hệ sinh thái trong môi trường đất, có tác dụng cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất. Đặc biệt CPSH giúp đồng hóa các chất dinh dưỡng trong đất, giúp cây trồng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức đề kháng và giảm thiểu sâu bệnh. Đặc biệt, việc tiêu diệt côn trùng gây hại bằng CPSH cũng không gây hại đến môi trường như các thuốc BVTV có nguồn gốc từ hóa học. Do vậy CPSH còn có khả năng phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ khó tiêu phế phẩm nông nghiệp, góp phần làm sạch môi trường.

Trên thực tế, việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong một thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp bị mất đi phần lớn lượng hữu cơ vốn có của đất. Đó cũng là nguyên nhân đất sản xuất đã và đang ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Bởi vậy, khi áp dụng chế phẩm bổ sung cho cây trồng có thể chủ động giảm lượng phân bón sử dụng từ 10-15%, tăng sức kháng bệnh cho cây, giảm được chi phí thuốc BVTV, tăng cường sức sống, khả năng chống rét cho cây, tỉ lệ cây sống cao hơn. Nhờ vậy, cây trồng cho năng suất tăng lên từ 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, màu sắc tươi, chi phí đầu vào giảm do chất lượng phân bón, thuốc BVTV giảm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh KHKT vào sản xuất, góp phần tăng chất lượng sản phẩm cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, theo ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục tăng cường phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình IPM trên cây trồng, giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học thay vào đó sử dụng các biện pháp sinh học, có lợi cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Đồng thời, thường xuyên tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng đúng cách các biện pháp sinh học thay thế cho nguồn gốc hóa học và sử dụng CPSH hoặc nguồn gốc sinh học…

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/su-dung-che-pham-sinh-hoc-huong-toi-nong-nghiep-sinh-thai-ben-vung/185913.htm