Sử dụng công cụ thuế để kiểm soát sự biến động giá trong sản xuất nông nghiệp
Chiều 7-6, trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã giải trình về giải pháp kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Chu Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) và các đại biểu khác về vấn đề giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào tăng trong những năm qua, làm cho người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn.
“Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành Nông nghiệp, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu… Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, không dễ mà áp đặt mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định để bình ổn giá cả.
Bộ trưởng thông tin thêm: "Tại một số vùng sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã có nhiều kinh nghiệm trong tuần hoàn phế phẩm nông nghiệp để thay thế một phần phân bón, thức ăn, chế phẩm hóa học... Về lâu dài, đây là giải pháp để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp, tạo ra thương hiệu nông sản".
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) về việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản và mục tiêu hiện đại hóa tàu cá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong triển khai thực hiện nghị định này, các cấp, ngành còn một số bất cập, chưa lường trước được hết các tình huống xảy ra, chưa chú ý tới cách vận hành hệ thống để thực thi chương trình lớn và có ý nghĩa.
Bộ trưởng cho rằng, cần đánh giá nhiều chiều, tổ chức lại ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản ở các địa phương, nâng cao hiệu quả khâu thẩm định bình xét đối tượng ngư dân được tham gia, hưởng lợi ích từ chương trình…
Bộ trưởng cũng nêu rõ, ngành thủy sản có số lượng ngư dân lớn nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Suy giảm tài nguyên thủy sản là câu chuyện toàn cầu do trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng. Bộ cũng đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này.
Phát biểu làm rõ một số chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã sử dụng nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tiền điện, giảm lãi suất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm; đồng thời, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu, không xuất khẩu những nguyên liệu trong nước cần.
“Thời gian tới, ngoài tiếp tục áp dụng các biện pháp nêu trên, Bộ sẽ tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh lại thuế, trong trường hợp đặc biệt, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sẽ sử dụng các công cụ chính sách an sinh xã hội để giúp nông dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Về chính sách bình ổn giá xăng dầu, hỗ trợ cho ngư dân bám biển, khai thác kinh tế biển được đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đã đến lúc sử dụng công cụ thuế, quỹ bình ổn để kiểm soát, kiềm chế tốc độ tăng giá nhiên liệu; đồng thời có chính sách an sinh hỗ trợ người dân gặp khó khăn.