Sử dụng công nghệ IoT, Big Data chuyển đổi các ngành nghề truyền thống
Những năm gần đây, huyện Phật Bình ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đã tận dụng các công nghệ IoT, Big Data để chuyển đổi các ngành nghề truyền thống, mang lại sức sống mới cho vùng nông thôn.
Khu nuôi trồng thủy sản Longcaoping đã tận dụng các công nghệ Big Data, IoT để chuyển đổi các ngành nghề truyền thống. Họ đã giới thiệu hệ thống cho cá ăn, máy sục khí và hệ thống giám sát môi trường tự động từ tháng 2.
Cha Guangyuan, quản lý Longcaoping, cho biết việc thu thập dữ liệu tự động đã được thực hiện sau khi sử dụng thiết bị thông minh.
“Chất lượng nước là một yếu tố quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng thủy sản dựa trên công nghệ giảm những rủi ro liên quan đến chất lượng nước, từ đó tăng năng suất và bảo đảm tăng trưởng doanh thu ổn định”, ông Cha nói.
Nền tảng thủy sản thông minh ra đời cũng giúp người lao động theo dõi nhiệt độ ao, chất lượng nước theo thời gian thực, điều khiển máy cho cá ăn và máy sục khí từ xa chỉ với một cú nhấp chuột trên màn hình điện thoại. Trước đây, công việc như vậy cần tới 10 người, nhưng giờ chỉ cần 3 người.
Theo ông Cha, cá nước lạnh tìm được môi trường sống lý tưởng ở khu vực này nhờ điều kiện khí hậu và chất lượng nước thuận lợi. Trang trại chủ yếu nuôi cá tầm và sản lượng năm nay ước đạt 200.000 kg.
Một ngành nghề khác cũng được hưởng lợi từ công nghệ là nuôi ong. Li Fei, Giám đốc chi nhánh China Mobile Phật Bình, cho biết “tổ ong thông minh” giúp theo dõi môi trường nuôi ong theo thời gian thực, giảm đáng kể tổn thất do sâu, bệnh. Khi tổ ong rơi vào tình trạng bất thường, người nuôi ong sẽ được thông báo kịp thời để có biện pháp ứng phó.
Li Ning, quan chức của Phòng Nông nghiệp và Nông thôn Phật Bình, thông tin thêm, tổ ong thông minh dùng tấm năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng cho các cảm biến.
Công nghệ IoT cho phép người nuôi ong kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm và âm thanh theo thời gian thực, đồng thời đánh giá tình trạng sức khỏe của đàn ong, dự đoán chu kỳ tăng trưởng, sản xuất mật ong.
Nhờ có ứng dụng di động, các công việc nuôi ong được làm từ xa. Trong khi đó, nhiều thông tin về tổ ong và trang trại ong được gửi đến điện thoại của người nuôi ong. So với cách làm truyền thống, công nghệ nuôi ong hiện đại tăng sản lượng mật ong và bảo vệ đàn ong khỏi sâu bệnh.
Theo ông Li, 11 hộ dân ở huyện Phật Bình đang làm nghề nuôi ong. Trong nửa đầu năm nay, 7 hộ tham gia dự án thí điểm nuôi ong thông minh với 50 tổ ong thông minh được giới thiệu. Có khoảng 22.000 tổ ong ở huyện với sản lượng hàng năm lên tới 250 tấn mật ong, trị giá 25 triệu NDT.
Nông nghiệp thông minh Phật Bình là một trong 10 sáng kiến nông thôn kỹ thuật số được Tổ chức Phát triển Internet Trung Quốc hỗ trợ để đem lại sức sống mới cho nông thôn.
(Theo Chinadaily)