Sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại KBNN Phú Thọ: Khách hàng hài lòng, kho bạc thuận lợi

Tại nhiều địa phương, đại dịch Covid -19 chính là 'cú hích' giúp các đơn vị chưa sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhanh chóng tham gia sử dụng dịch vụ mang lại nhiều tiện ích.

Phòng ghi hình phục vụ học trực tuyến của trường Đại học Hùng Vương. Ảnh: Minh Anh

Phòng ghi hình phục vụ học trực tuyến của trường Đại học Hùng Vương. Ảnh: Minh Anh

Tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) Phú Thọ, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến chính là bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần công khai, minh bạch, giảm chi phí và thời gian cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Những phản hồi tốt từ các đơn vị sử dụng ngân sách

Đại học Hùng Vương là một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng DVCTT của KBNN Phú Thọ. Ông Lê Quang Hưng, kế toán trưởng Đại học Hùng Vương cho biết, đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ, “ăn ý” với KBNN Phú Thọ và đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía KBNN Phú Thọ trong triển khai DVCTT. Ông Hưng nhớ lại thời còn thực hiện theo phương thức thủ công, chưa sử dụng DVCTT, “ôm chứng từ qua KBNN vừa sợ mất, không biết thừa thiếu ra sao, nhưng đến nay sử dụng DVCTT thực sự nhàn”.

Chia sẻ thêm, ông Hưng cho biết: “Là đơn vị sử dụng ngân sách lớn của tỉnh, có những đợt cao điểm, chúng tôi cùng các anh chị bên kho bạc làm việc đến 1 giờ sáng là bình thường. Nhưng đến nay DVCTT đã mang lại thuận lợi cho cả đơn vị sử dụng ngân sách và KBNN”.

Nói về “cái thuở ban đầu bỡ ngỡ ấy”, vị kế toán nhiều năm kinh nghiệm cho biết, khi thử nghiệm phương thức giao dịch mới, bên cạnh tâm lý e ngại, còn gặp nhiều khó khăn như “máy đơ”, mạng chậm, phần mềm kế toán chưa tương thích... Tuy nhiên, đơn vị nhận được sự hỗ trợ, động viên từ phía KBNN Phú Thọ, các cán bộ kho bạc nhiệt tình, không quản giờ giấc, vướng đến đâu, tháo gỡ đến đó. Sau những khó khăn ban đầu, ông Lê Quang Hưng cho biết, đến nay thực sự những tiện ích của DVCTT mang lại rất lớn.

Cùng với trường Đại học Hùng Vương, Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ cũng là đơn vị sớm sử dụng DVCTT trong tỉnh. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, kế toán Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ cho biết, sở là đơn vị luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính. Do đó, khi triển khai DVCTT, Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ sớm phối hợp với KBNN để triển khai sử dụng. Theo chị Vân Anh, lợi ích lớn nhất của DVCTT là thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ nhanh, thông tin minh bạch, rõ ràng.

Chị Vân Anh cho biết, lúc đầu bản thân cũng chưa hình dung được sử dụng DVCTT như thế nào, chứng từ sẽ phải lưu ra sao, giao dịch có thuận lợi hay không. Nhưng khi được các cán bộ của KBNN Phú Thọ hướng dẫn, sau khi thực hiện, mọi việc đã đi vào nền nếp. Đến nay, việc sử dụng DVCTT mang lại nhiều tiện ích và nếu đơn vị nào đã sử dụng dịch vụ này thì không còn muốn làm theo phương thức thủ công.

Công việc trôi chảy nhờ dịch vụ công trực tuyến

Theo KBNN Phú Thọ, hiện số đơn vị tham gia DVCTT là 1.657 trên tổng số 1.696 đơn vị thuộc đối tượng tham gia (đạt tỷ lệ 98%). Trong đó, tỷ lệ chứng từ giao dịch qua DVCTT bình quân đạt 42%. Riêng trong tháng 5/2020, tỷ lệ này của toàn tỉnh đạt tới 70%. Đến thời điểm hiện nay, có 5 huyện đã hoàn thành DVCTT, đạt 100%.

Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc KBNN Phú Thọ cho biết, DVCTT mang lại nhiều lợi ích cho cả kho bạc và đơn vị sử dụng ngân sách. Dịch vụ mới này đã tạo sự công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính; giảm chi phí, thời gian đi lại cho các đơn vị sử dụng ngân sách; hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu nhờ sử dụng chữ ký số; thông tin thanh toán được bảo mật… Đây là bước đột phá giúp các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chuyển, gửi hồ sơ thanh toán và nhận trả kết quả kiểm soát chi thông qua internet nhanh chóng, chính xác, quy trình thao tác đơn giản.

Đến nay, lợi ích của DVCTT là không thể bàn cãi, đặc biệt trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Minh chứng là trong đợt thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ áp dụng DVCTT. Nếu như cuối tháng 2, số chứng từ phát sinh qua DVCTT toàn tỉnh chỉ đạt 23% thì trong tháng 4 tăng vọt lên 70%. Riêng tại văn phòng KBNN tỉnh, tỷ lệ hồ sơ chứng từ qua dịch vụ công trực tuyến tăng từ 30% lên tới hơn 90%.

Đánh giá về kết quả này, Giám đốc KBNN Phú Thọ Trần Mạnh Hùng khẳng định, DVCTT đã phát huy rất tốt, đơn vị vẫn thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, cho cán bộ nghỉ luân phiên nhưng công việc vẫn trôi chảy, an toàn.

Thời gian tới, KBNN Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai DVCTT trên toàn tỉnh theo đúng lộ trình của KBNN, phấn đấu đến 31/12/2020 có thể hoàn thành triển khai DVCTT tại 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, tại nhiều địa phương, đại dịch Covid -19 chính là “cú hích” giúp các đơn vị chưa sử dụng DVCTT nhanh chóng tham gia sử dụng dịch vụ mang lại nhiều tiện ích.

Dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho cả kho bạc và đơn vị sử dụng ngân sách. Dịch vụ mới này đã tạo sự công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính; giảm chi phí, thời gian đi lại cho các đơn vị sử dụng ngân sách; hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu nhờ sử dụng chữ ký số; thông tin thanh toán được bảo mật…

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-07-29/su-dung-dich-vu-cong-truc-tuyen-tai-kbnn-phu-tho-khach-hang-hai-long-kho-bac-thuan-loi-90157.aspx