Sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Hue-S: Nhiều lợi ích
Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, mang lại sự nhanh gọn trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cho người dân và doanh nghiệp, ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp thành công qua nền tảng Hue-S và đã được công bố để người dân, doanh nghiệp sử dụng khi đăng ký dịch vụ công.
Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) và triển khai Chính phủ điện tử. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường, thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn, cung cấp DVCTT chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, so với việc thực hiện dịch vụ hành chính công truyền thống, việc triển khai DVCTT mang đến nhiều tiện ích cho tổ chức, cá nhân. Sử dụng DVCTT nhằm tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.040 thủ tục hành chính trong đó có 863 DVCTT một phần và 1.190 DVCTT toàn trình; 100% cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống phần mềm dùng chung tích hợp từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được liên thông với Trục liên thông văn bản Quốc gia theo mô hình 4 cấp; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã áp dụng chữ ký số trong trong văn bản điện tử.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ: Ứng dụng DVCTT trên Hue-S cung cấp nhiều chức năng giúp người dân, doanh nghiệp có thể tìm kiếm, đăng ký và nộp hồ sơ trực tuyến. Thanh toán các khoản phí, lệ phí trực tuyến, đặc biệt có hỗ trợ thanh toán trực tuyến qua ví điện tử trên Hue-S. Ứng dụng cũng hỗ trợ chức năng ký số hồ sơ cho phép kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hiện nay. Bên cạnh đó, nguời dân có thể gửi “Phản ánh vi phạm” trong trường hợp xác định cán bộ xử lý hồ sơ vi phạm; đánh giá mức độ hài lòng hoặc gửi thắc mắc, góp ý trong quá trình sử dụng dịch vụ để ứng dụng ngày càng hoàn thiện hơn.
Nhằm giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công, thủ tục hành chính được nhanh hơn, thuận tiện hơn, vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia và Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số số tổ chức Chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân.
Việc cấp chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân và triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S giúp đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch DVCTT cũng như các giao dịch khác giữa người dân, doanh nghiệp, từ đó sớm hoàn thiện các điều kiện hình thành công dân số trên địa bàn tỉnh nhà. Sau khi được cấp chữ ký số, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng để đăng ký DVCTT mà không cần mang theo giấy tờ in sẵn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Chỉ cần điền các thông tin theo mẫu có sẵn trên dịch vụ công của Hue-S và thực hiện ký số thì sẽ được cơ quan nhà nước chấp nhận.
“So với đăng ký dịch vụ công truyền thống, việc đăng ký DVCTT trên Hue-S mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Người dân chỉ cần ngồi ở nhà hoặc bất cứ đâu có internet là có thể thực hiện và theo dõi tất cả các bước từ chuẩn bị hồ sơ, đăng ký, hoàn thiện, xử lý cho đến bước nhận kết quả và phản ánh. Giúp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại cũng như góp phần cắt giảm giấy tờ trong thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Sơn nói.
Để tăng tỷ lệ sử dụng DVCTT, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao chỉ tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng DVCTT và tuyên truyền, hướng dẫn người thân sử dụng DVCTT, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp. Mục tiêu đến hết năm 2023, tỷ lệ hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa đạt 50%.