Sử dụng điện thoại khi lái xe: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Kinhtedothi – Từ vụ nữ tài xế Mercedes sử dụng điện thoại khi đang lái xe trên đường Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên), luật sư đề xuất, cần thiết xử lý nghiêm minh các hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông...
Gây nguy hiểm cho người tham giao thông
Ngày 10/2 vừa qua, mạng xã hội đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh nữ lái xe ô tô nhãn hiệu Mercedes vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại gây nguy hiểm cho người tham giao thông. Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 đã tiến hành xác minh và mời nữ tài xe tên L.H.N. (sinh năm 1996, trú tại Văn Giang, Hưng Yên) lên làm việc. Tại cơ quan công an, chị L.H.N. thừa nhận mình là người xuất hiện trong clip nói trên.
N. cho biết, vào tối 10/2, N. điều khiển ô tô mang biển số 30H-809.XX đi trên đường Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên). Trong khi di chuyển, N. đã nhờ chị N.T.M.L. ngồi ở ghế phụ quay cảnh N. buông cả hai tay, dùng điện thoại để đăng lên TikTok.
Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 đã ra quyết định xử phạt tài xế L.H.N. với các lỗi: Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe trên đường, dùng tay sử dụng điện thoại khi đang lái xe trên đường. Với các lỗi trên, lái xe N. bị xử phạt 3,4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Trước đó, báo chí đã phản ánh nhiều trường hợp sử dụng điện thoại khi lái xe, gây nguy hiểm cho người đi đường; thậm chí, nhiều trường hợp đã gặp tai nạn. Một vụ việc được ghi lại bằng camera hành trình và đăng tải lên mạng xã hội hồi tháng 1/2022. Thời điểm này, lái xe có gắn camera đã ghi lại được cảnh một xe máy đang đi phía trước cùng chiều. Đáng nói, lái xe chỉ sử dụng một tay để điều khiển xe máy, tay còn lại đang dùng điện thoại khi lái xe.
Do mải dùng điện thoại, lái xe máy đã không phát hiện 1 ô tô đang dừng đỗ ở phía trước. Khi di chuyển đến gần chiếc xe ô tô, nam thanh niên đã giật mình không xử lý kịp nên đâm vào đuôi chiếc xe ô tô trên. Vụ tai nạn khiến lái xe máy ngã văng xuống đường…
Nguy cơ gây tai nạn
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, tình trạng sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông khá phổ biến ở Việt Nam, không ít trường hợp tai nạn giao thông đáng tiếc vì việc sử dụng điện thoại. Nhiều người suy nghĩ rằng, mình có thể kiểm soát được phương tiện, lái xe an toàn, chỉ cần một tay lái xe và có thể tự điều khiển phương tiện được. Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho người lái xe, Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại.
Tác hại của việc vừa điều khiển phương tiện vừa lái xe như:
Thứ nhất, tài xế sẽ không thể làm chủ được tốc độ, phương tiện bảo đảm an toàn giao thông. Người lái xe vừa phải quan sát đường, các tình huống giao thông có thể đột xuất xảy ra, nếu lái xe ở tốc độ cao thì rất nguy hiểm. Chỉ cần mất tập trung, không làm chủ được phương tiện, tốc độ trong một phút cũng có thể xảy ra tai nạn thảm khốc, hậu quả khôn lường.
Thứ hai, khi mắt theo dõi trên màn hình điện thoại, tài xế sẽ khó quan sát một cách bao quát và đầy đủ xung quanh trong khi ở phía trước có thể có rất nhiều người xe đông đúc, rất dễ dẫn đến tai nạn.
Quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường bộ hiện nay như sau: Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với người điều khiển xe dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường”.
Ngoài ra, nếu điều khiển phương tiện mà sử dụng điện thoại gây tai nạn làm thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất của tội này tối đa lên đến 15 năm tù.
Như vậy có thể thấy việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông có nguy cơ gây tai nạn, thiệt hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe, tài sản. Vì thế, khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông cần chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ, không sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe dưới bất kì hình thức nào. Tài xế hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi; tuyệt đối không nhắn tin hay lướt mạng, chat khi tham gia giao thông.
“Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông...” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/su-dung-dien-thoai-khi-lai-xe-can-thiet-xu-ly-nghiem-minh.html