Sử dụng điện thoại khi lái xe: Hại mình, hại người!

Dù ý thức được việc làm của mình có thể gây nguy hiểm, nhưng với tâm lý chủ quan, rất nhiều người vẫn vô tư sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông, nguy cơ tai nạn là rất cao.

Với đặc thù công việc kinh doanh, anh Lê Quý (SN 1990, phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) thường xuyên phải trao đổi thông tin với khách hàng qua điện thoại.

Để tiết kiệm thời gian, anh “tận dụng” luôn cả những lúc đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông để nghe điện thoại. Chỉ tới khi phải “nếm trái đắng”, anh mới bỏ được thói quen nguy hiểm này.

Anh Quý ngậm ngùi cho biết: “Vì chủ quan, sử dụng điện thoại khi lái xe mà cách đây không lâu, tôi đã tông chiếc xe máy của mình vào đuôi xe ô tô phía trước. Chỉ 1 giây mất tập trung thôi đã xảy ra va chạm. Không biết tiết kiệm được bao nhiêu nhưng tiền đền bù sửa xe, tiền thuốc men xây xát đã tốn hàng triệu đồng. Bây giờ rút kinh nghiệm, cứ nghe điện thoại là phải tấp vào lề đường”.

Do tâm lý chủ quan, nhiều người vẫn sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Do tâm lý chủ quan, nhiều người vẫn sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Một tay điều khiển xe, tay còn lại cầm điện thoại, người điều khiển xe mô tôi, xe gắn máy sẽ “đương nhiên” bỏ qua những hành động cần thiết như bật đèn tín hiệu khi rẽ, chú ý quan sát khi qua đường…

Đầu óc mất tập trung cũng khiến người đi xe không thể kịp thời phản ứng trước những tình huống bất ngờ, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Đặc biệt, với những người điều khiển xe ô tô, chỉ một giây lơ là, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Điều khiển xe bằng một tay khó có thể xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ

Điều khiển xe bằng một tay khó có thể xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ

Từng là nạn nhân của hành vi thiếu văn hóa này, anh Đào Đình Tặng (SN 1993, Can Lộc) tỏ ra bức xúc: “Tôi đang điều khiển xe máy đi trên phần đường của mình, thì chiếc ô tô bên cạnh bất ngờ rẽ không báo hiệu. Va chạm xảy ra khiến tôi bị ngã, xây xát mình mẩy, xe máy cũng hư hỏng nhẹ. Chủ nhân chiếc ô tô vội vàng xuống xin lỗi, nói chuyện một lúc mới lộ ra là vừa lái xe vừa nghe điện thoại nên không để ý. Rất may chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng”.

Đây cũng là thói quen khó bỏ của nhiều tài xế ô tô

Đây cũng là thói quen khó bỏ của nhiều tài xế ô tô

Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho bản thân và những người đang lưu thông trên đường. Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi này vẫn còn bị xem nhẹ.

Việc nghe, gọi điện thoại, nhắn tin, lướt web… khi điều khiển phương tiện vẫn diễn ra rất phổ biến. Do tâm lý chủ quan nên nhiều người vẫn cố tình vi phạm, bất chấp nguy cơ gây nguy hiểm tới tính mạng của mình và những người xung quanh.

Thiết nghĩ, hành vi nguy hiểm nói trên cần được mỗi người nghiêm túc nhìn nhận bằng việc nâng cao ý thức, tạo thói quen dừng hẳn xe khi nhận cuộc gọi hoặc cần sử dụng điện thoại để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần xử phạt nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông để tạo sức răn đe đối với người tham gia giao thông.

Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:

Điểm l, Khoản 3, Điều 5: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.

Điểm o, Khoản 3, Điều 6: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

N.Đ

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/ban-doc-viet/su-dung-dien-thoai-khi-lai-xe-hai-minh-hai-nguoi/180320.htm