Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông: Cần sớm chấn chỉnh

Từ lâu, sử dụng điện thoại được xem là một cách tiết kiệm thời gian đối với những người năng động. Tuy nhiên, hành vi sử dụng điện thoại đồng thời với điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn.

Một video khiến cư dân “mạng” thót tim đang được lan truyền gần đây là cô gái vừa lái xe máy vừa dùng điện thoại. Vì thiếu chú ý, xe máy của cô bị va vào thùng hàng của xe chạy phía trước. Cú va chạm khiến cả cô gái và xe máy ngã ra đường, sau đó lao đầu thẳng vào ô tô đang chạy ngược chiều.

May mắn, cô gái chỉ bị xây xát nhẹ mà không gặp chấn thương gì nghiêm trọng sau vụ tai nạn. Dẫn như vậy để thấy rằng, hoạt động này không chỉ gây mất an toàn giao thông cho chính bản thân còn trực tiếp gây nguy hiểm những người xung quanh.

 Hình ảnh cô gái đến lúc ngã trên tay vẫn cầm chiếc điện thoại. Ảnh cắt từ clip

Hình ảnh cô gái đến lúc ngã trên tay vẫn cầm chiếc điện thoại. Ảnh cắt từ clip

Theo khảo sát thực tế trên các trục giao thông chính như: Nguyễn Trãi, (quận Thanh Xuân); đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai); phố Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa)… không khó để chứng kiến cảnh người tham gia giao thông một tay điều khiển phương tiện, tay còn lại mải cầm điện thoại nghe hoặc đọc tin nhắn. Họ qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ “quên” dừng lại… gây bức xúc cho những người điều khiển phương tiện cùng lưu thông.

Cần phải khẳng định, Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ: “Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động”. Người dùng tay sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.

 Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn. Ảnh: Đinh Luyện

Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn. Ảnh: Đinh Luyện

Thiết nghĩ, để góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm, duy trì và đảm bảo trật tự giao thông trên địa bàn, các lực lượng chức năng cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, quan trọng nhất vẫn là xây dựng hành vi ứng xử và thái độ tôn trọng bản thân của chính những người tham gia giao thông, trong đó có việc sử dụng điện thoại di động đúng cách để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/su-dung-dien-thoai-khi-tham-gia-giao-thong-can-som-chan-chinh-92337.html