Sử dụng Facebook ảo kêu gọi từ thiện, lừa tiền hàng nghìn nhà hảo tâm
Thêm một đối tượng sử dụng mạng xã hội, đăng tải những bài viết không có thật về các hoàn cảnh thương tâm sau đó kêu gọi ủng hộ từ thiện rồi chiếm đoạt tài sản vừa bị cơ quan công an bắt giữ.
Đáng chú ý trong thời gian qua, cơ quan công an tại nhiều địa phương đã bắt giữ và khởi tố nhiều đối tượng sử dụng chiêu bài này. Tuy nhiên vẫn có không ít người dân tin tưởng vào những bài viết được các đối tượng "vẽ" ra, chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng cung cấp để ủng hộ từ thiện.
Liên tiếp bắt giữ các đối tượng bịa đặt thông tin, kêu gọi từ thiện rồi chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
Như báo Sức khỏe &Đời sống đã đưa tin, mới đây nhất, đối tượng Phan Văn Tài (SN 1996, trú xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, Nghệ An) vừa bị Công an thị xã Thái Hòa, Nghệ An bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan công an làm việc với Phan Văn Tài - đối tượng bịa đặt thông tin, kêu gọi từ thiện rồi chiếm đoạt tài sản.
Công an thị xã Thái Hòa đã làm rõ đối tượng Phan Văn Tài là người dùng mạng xã hội Facebook đăng tải những bài viết không đúng sự thật về hoàn cảnh của những trẻ em bất hạnh, tàn tật nhằm kêu gọi ủng hộ. Không ít nạn nhân đã tin tưởng những thông tin này, chuyển tiền vào số tài khoản đối tượng cung cấp rồi mới nhận ra mình bị lừa.
Khám xét nơi ở của Phan Văn Tài, cơ quan công an thu giữ hơn 200 triệu đồng, 3 thẻ ngân hàng và các tang vật liên quan. Tại cơ quan công an, Phan Văn Tài đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bước đầu, Phan Văn Tài khai đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook, đăng tải các bài viết sai sự thật trong các hội, nhóm từ thiện. Cụ thể là thông tin một cháu bé tại tỉnh Bắc Giang bị bố đẻ chém trọng thương. Sau đó kêu gọi mọi người ủng hộ từ thiện. Tiến hành xác minh thông tin này, cơ quan công an đã làm rõ đây là nội dung không đúng sự thật.
Bằng thủ đoạn này, từ tháng 6/2021 đến khi bị bắt, Phan Văn Tài đã lừa đảo được hơn 1.600 người trên cả nước, chiếm đoạt số tiền 255 triệu đồng.
Trước đó, cũng với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện của các nhà hảo tâm, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Nam Định đã tống đạt các quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Cao Thị Hoài (23 tuổi, trú tại xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cơ quan công an tống đạt các quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Cao Thị Hoài về hành vi lừa đảo, "ăn chặn" tiền từ thiện.
Cơ quan công an xác định, Hoài chính là người đã lập ra Facebook ảo để kêu gọi từ thiện từ các nhà hảo tâm với nội dung "mua vật tư phục vụ việc mai táng cho trẻ sơ sinh xấu số", tuy nhiên, thực chất là để chiếm đoạt tiền ủng hộ từ thiện.
Đối tượng Hoài thường xuyên vào các trang mạng xã hội của những người đang làm thiện nguyện cho trẻ sơ sinh thương vong, tìm những hình ảnh thương tâm về những thai nhi xấu số. Sau đó, sao chép về Facebook cá nhân có tên "Trần Mai Thu Thảo" (sau đổi tên thành Mai Mai) và sử dụng Facebook này đăng bài kêu gọi từ thiện với lý do được đưa ra là để mua đất, vật tư, phục vụ việc mai táng cho những thai nhi xấu số.
Để tạo niềm tin, Hoài còn đăng tải những hình ảnh đang xây dựng mộ phần cho các bé để tăng mức độ chân thật, lay động lòng trắc ẩn của những nhà hảo tâm. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, sau khi nhận được tiền từ thiện của gần 700 nhà hảo tâm, Hoài không chuyển cho bất cứ cá nhân, gia đình, tổ chức nào mà sử dụng để chi tiêu cá nhân. Tổng số tiền Hoài chiếm đoạt của những nhà hảo tâm là gần 270 triệu đồng.
Cần kiểm chứng kỹ thông tin kêu gọi từ thiện được đăng tải trên các trang mạng xã hội
Qua những vụ việc trên, cơ quan chức năng đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn sử dụng mạng xã hội kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Cùng đó, yêu cầu người đăng tải công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ; liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy-Văn phòng luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật, có thể bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 - BLHS năm 2015 nếu người nào dùng thủ đoạn gian dối: Giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra các thông tin gian dối để có được tài sản của các nhà hảo tâm; chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên.
Nếu người nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, đưa ra những thông tin gian dối là đã trao, tặng, nhưng thực tế họ không thực hiện hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác. Sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt một phần tiền hoặc toàn bộ số tiền là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 - BLHS năm 2015.
Qua những vụ việc trên, các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể; quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu có phát hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hoạt động từ thiện cần báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.
H. Phong