Sử dụng gia sư ảo trong môi trường giáo dục trực tuyến
Gia sư ảo (Virtual Tutor) ngày càng trở nên phổ biến khi nhu cầu học tập trực tuyến (e-learning) không ngừng gia tăng.
Học tập trực tuyến cùng gia sư ảo
Gia sư ảo như một công cụ công nghệ hỗ trợ trên môi trường học tập từ xa nhằm hỗ trợ giáo dục trực tuyến. Theo nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học FUMEC (Brazil), gia sư ảo được chấp nhận sử dụng như một phương tiện hỗ trợ hiệu quả trong các nội dung giảng dạy và hoạt động được đề xuất trong lớp học. Bên cạnh hoạt động giảng dạy kiến thức, gia sư ảo này còn đóng vai trò là người bạn đồng hành học tập thích ứng, được cá nhân hóa, mở rộng hỗ trợ giáo dục ra ngoài lớp học.
Không ít trường đại học trên thế giới đã sử dụng gia sư ảo trong hoạt động đào tạo trực tuyến. Gia sư ảo là một trong những dự án phát triển lâu dài của Trường đại học Alberta (Canada) theo mô hình học tập trực tuyến. Mô hình kết hợp giữa hình thức dạy và học linh hoạt (cả không gian và thời gian) thông qua quá trình tương tác trực tuyến, giúp xóa mờ các rào cản về không gian địa lý và góp phần nâng cao tính hòa nhập kỹ thuật số đối với người học. Việc sử dụng công nghệ trong giáo dục đã tạo điều kiện cho việc giảng dạy theo ngữ cảnh.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là, gia sư ảo phải đảm bảo “năng lực” như người thật, có khả năng chủ động hiểu, giải quyết và can thiệp vào các tình huống học tập khác nhau của người học. Điều này đòi hỏi các nhà cung cấp và phát triển phần mềm học tập trực tuyến phải tạo ra các avatar hoạt hình cho gia sư ảo, có thể thể hiện hành vi thông minh khi tương tác với người học.
Đơn cử, Moodle được xem là phần mềm gia sư ảo được nhiều tổ chức giáo dục lựa chọn. Moodle là hệ thống quản lý học tập (LMS) được thiết kế để cung cấp cho các nhà giáo dục, quản trị viên và người học một nền tảng duy nhất mạnh mẽ, an toàn với khoảng 262 triệu người dùng trên toàn thế giới.
Về mặt hình thức, gia sư ảo là một hình đại diện (chỉ đầu và vai) được tạo dựng dựa trên ảnh của người thật. Cửa sổ gia sư ảo được đặt chồng lên trang web môn học của Moodle, bố trí màn hình cửa sổ gia sư ảo chiếm một vị trí cố định ở góc dưới bên phải của trang web, cho phép người học chủ động cuộn lên xuống trên trang. Hình đại diện có khả năng truyền tải lời nói (văn bản, chuyển động của môi, nhưng chưa có âm thanh) và thể hiện nét mặt.
Theo thông tin từ Moodle, cả lời nói và cách diễn đạt có thể thay đổi, phụ thuộc vào 2 yếu tố: kết quả của người học trong các thành phần đánh giá liên tục và mức độ tham dự của người học đó trong trang Moodle đó. Đồng thời, ngay sau mỗi buổi học, gia sư ảo sẽ nhận được những thông tin phản hồi để cải thiện nội dung giáo án và khắc phục các hành vi giảng dạy cụ thể.
Gia sư ảo được hỗ trợ bởi AI
Cùng sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), việc tích hợp công nghệ AI trong giáo dục đang có một bước tiến vượt bậc, với sự ra đời của các gia sư ảo được hỗ trợ bởi AI. Người học sẽ thuận tiện trong việc sắp xếp và lựa chọn thời gian học tập phù hợp với lịch trình công việc, có thể tương tác với gia sư ảo mọi lúc, mọi nơi, thoát khỏi những ràng buộc của phương pháp học tập truyền thống.
Gia sư ảo được hỗ trợ bởi AI không chỉ truyền tải nội dung giảng dạy, mà còn cung cấp khả năng đánh giá và phản hồi theo thời gian thực. Một nghiên cứu gần đây của nhóm tác giả đến từ Trường Công nghệ và Kỹ thuật Đổi mới (SITE), Đại học Công nghệ Mauritius (UTM) nhận thấy, khi áp dụng công nghệ học máy (Machine Learning) vào phân tích, gia sư ảo thông minh có khả năng nhận dạng cảm xúc trên khuôn mặt người học trực tuyến. Kết quả chứng minh cho thấy, độ chính xác của các thử nghiệm đạt khoảng 87% đối với phát hiện truy vấn và khoảng 62% đối với phát hiện cảm xúc.
Thông qua phân tích dữ liệu về kết quả học tập và liên tục đánh giá phản ứng của người học, những gia sư này đưa ra phản hồi thích ứng, xác định điểm mạnh và điểm yếu của từng người học trực tuyến.
Khi công nghệ tiếp tục phát triển, sức mạnh tổng hợp giữa AI và giáo dục hứa hẹn sẽ giúp người học phát huy hết tiềm năng, mở ra những chân trời mới cho việc học tập bên ngoài lớp học.