Sử dụng giấy đi đường giả, làm lây lan dịch Covid-19 có thể bị phạt đến 12 năm tù
Công an TP. HCM cảnh báo việc người dân mua bán, sử dụng giấy đi đường giả trong thời gian giãn cách phòng chống dịch Covid-19. Người sử dụng giấy tờ giả làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, người dân khi ra đường cần có lí do chính đáng và phải có giấy đi đường để xuất trình tại các chốt kiểm soát dịch.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường.
Vì kiểm soát chặt lưu thông, nên thời gian vừa qua lực lượng chức năng đã phát hiện tình trạng sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích hoặc giấy đi đường giả.
Giấy giả và sử dụng không đúng mục đích
Sáng ngày 26/8, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 khu vực cầu Camettle (Quận 4, TP. HCM), Tổ công tác phát hiện xe khách biển số 51B-049.04 có dấu hiệu nghi vấn nên yêu dừng để kiểm tra hành chính.
Tài xế Nguyễn Duy Khương (sinh năm 1983, thường trú tỉnh Vĩnh Long) xuất trình giấy xác nhận tài xế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 do Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh cấp.
Tuy nhiên, kiểm tra trong hầm xe lực lượng chức năng phát hiện nhiều thùng hàng và một số vật dụng không phải phục vụ cho công tác phòng, chống dịch như trong giấy xác nhận. Do đó, Tổ công tác Công an Quận 4 đã lập biên bản xử phạt tài xế với mức phạt là 2 triệu đồng.
Sáng 1/9, trong quá trình kiểm tra giấy đi đường, khai báo y tế và di chuyển nội địa của người dân lưu thông qua chốt vòng xoay Phú Lâm (Q. 6, TP. HCM), Tổ công tác phát hiện anh D.A.P (32 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) dùng giấy đi đường không phải do Công an TP. HCM cung cấp, mà là scan lại bản chính.
2 giấy đi đường bản scan được anh D.A.P sử dụng.
Hay tại chốt kiểm soát trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), Tổ công tác phát hiện anh L.Đ.V. dùng giấy đi đường scan và không có lý do chính đáng khi ra đường...
Đặc biệt, lực lượng chức năng phát hiện và đang tiếp tục điều tra về một đường dây cung cấp giấy đi đường giả để lưu thông trên đường, vận chuyển hàng hóa.
Cụ thể, khoảng 2 giờ ngày 26/8, trong quá trình kiểm tra tại các chốt giao thông Cách Mạng Tháng Tám-Trường Sơn, (Phường 15, Quận 10), Tổ công tác phát hiện ông P.T.A.T. (35 tuổi, ngụ Quận 10, nhân viên một công ty dược phẩm) dùng giấy tờ giả để qua chốt.
Mở rộng điều tra, Công an phát hiện một đường dây in ấn giấy đi đường và bán 90 ngàn đồng/ 1 giấy.
Dùng máy quyét QR code thay giấy đi đường
Trước tình trạng trên, tại cuộc họp báo vào chiều ngày 3/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu Công an TP. HCM xác nhận, hiện trên địa bàn thành phố có một số đối tượng sử dụng giấy đi đường giả và có hoạt động mua bán giấy đi đường.
Thượng tá Hà cho biết, hiện Công an TP. HCM đang cập nhật danh sách người được cấp giấy đi đường của các ban, ngành, quận, huyện và những người thuộc diện ưu tiên không cần cấp giấy đi đường để đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó kiểm tra đối chiếu khi người dân di chuyển qua các chốt kiểm soát.
Việc quét mã QR tự động bằng camera giúp cán bộ tại chốt và người dân không tiếp xúc nhau, hạn chế lây lan dịch bệnh.
“Đề nghị các đơn vị cung cấp danh sách để công an thành phố kiểm soát chặt chẽ, từ đó đối soát thông tin người ra đường với F0 trong cộng đồng xem xét, theo dõi. Thời gian tới, nếu những người chưa được cung cấp thông tin và không có thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia, chúng tôi có thể buộc phải quay đầu", ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, Giấy đi đường giả rất dễ phát hiện. Công an thành phố đã phổ biến nghiệp vụ đến các tổ công tác trực tại các chốt trạm cách phát hiện giấy đi đường giả theo mẫu của công an.
"Người dân không nên sử dụng giấy đi đường giả. Chúng tôi sẽ xử nghiêm người sử dụng giấy giả và những người ra đường không đúng đối tượng”, Thượng tá Hà nói.
Để ngăn chặn tình trạng, đại diện Công an TP. HCM cho biết, tới đây lực lượng chức năng sẽ kiểm tra bằng máy quét QR code thay cho giấy đi đường.
Ngoài ra, "Việc quét mã QR tự động bằng camera giúp cán bộ tại chốt và người dân không tiếp xúc nhau, hạn chế lây lan dịch bệnh", ông Hà nói.
Luật pháp nghiêm minh
Liên quan đến pháp lý, Luật sư Nguyễn Sa Linh (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Linh) cho biết, việc cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp giấy đi đường không đúng quy định (cấp không đúng đối tượng, cấp sai mục đích) có thể bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo tại khoản 2 điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Mức phạt 5-10 triệu đồng áp dụng với cá nhân, tổ chức bị phạt gấp đôi.
Luật sư Nguyễn Sa Linh.
Về cá nhân làm giả giấy đi đường của cơ quan tổ chức sẽ có dấu hiệu phạm tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo điều 341 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Trường hợp phạm tội từ 2 lần trở lên, làm giả từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu; thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng, khung hình phạt từ 2 đến 5 năm tù.
Trường hợp làm 6 con dấu, tài liệu, giấy tờ giả trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, khung hình phạt từ 3 đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng.
Còn cá nhân cố tình dùng giấy tờ đi đường được cấp khống sẽ bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo khoản 2 điều 14 Nghị định 117/2020, mức phạt 5-10 triệu đồng.
Người có hành vi làm và bán giấy đi đường hoặc bất cứ loại giấy tờ giả nào khác của cơ quan, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
"Đặc biệt, người sử dụng giấy tờ giả làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý trách nhiệm về hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm", Luật sư Linh nói.