Sử dụng giấy tờ giả - đi tù thật

Thời gian qua, nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả đã phải nhận hình phạt tù thích đáng cho hành vi coi thường pháp luật của bản thân. Việc dùng giấy tờ giả - đi tù thật không còn là lời cảnh báo...

Bị cáo Trần Xuân Lực bị Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt 3 năm tù về tội "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Bị cáo Trần Xuân Lực bị Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt 3 năm tù về tội "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Đi tù vì dùng giấy tờ giả

Với hành vi sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả được đặt mua trên mạng xã hội (MXH) về sử dụng, Nguyễn Tiến Đức (SN 1982), trú tại tổ 5, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) bị Tòa án nhân dân (TAND) TP Hòa Bình xử phạt 9 tháng tù về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đáng nói, đây không phải lần đầu Nguyễn Tiến Đức bị cơ quan chức năng xử lý về việc sử dụng các loại giấy tờ giả. Trước đó, năm 2021 Đức đã bị TAND TP Hòa Bình xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Vụ việc xảy ra khoảng đầu năm 2021, Đức lên MXH facebook thấy có người rao bán, làm giả các loại bằng cấp, tài liệu của cơ quan, tổ chức đã nảy sinh ý định làm giả GPLX ô tô để sử dụng. Đức liên hệ với tài khoản MXH của 1 người không rõ nhân thân, lai lịch để đặt làm giả GPLX ô tô hạng B2 với giá 400.000 đồng và sử dụng trong quá trình điều khiển phương tiện. Hành vi này đã bị lực lượng chức năng phát giác, xử lý.

Ngoài trường hợp của Nguyễn Tiến Đức, TAND tỉnh cũng đã đưa bị cáo Trần Xuân Lực (SN 1987), trú tại phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) ra xét xử, tuyên phạt 13 năm tù cho 2 tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trong đó, riêng tội "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” bị cáo này phải nhận mức án 3 năm tù. Theo đó, do cần tiền chi tiêu cá nhân, Trần Xuân Lực đã thuê xe ô tô tải của anh Lưu Đức Q. ở phường Quỳnh Lâm mang đi bán. Để bán được xe, Lực liên hệ với 1 tài khoản MXH zalo thuê làm giả giấy tờ xe. Sau khi có giấy tờ giả chiếc xe ô tô, Lực mang bán xe với giá 400 triệu đồng để lấy tiền tiêu.

Ngoài ra, hiện cơ quan chức năng đang tập trung điều tra, hoàn thiện hồ sơ để xử lý đối tượng Bùi Văn Tuấn (SN 1991), trú tại xã Thanh Hối (Tân Lạc) về hành vi "làm giả tài liệu của tổ chức, sử dụng tài liệu giả của tổ chức”. Ngoài việc làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để thực hiện hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đối tượng này còn có hành vi làm giả giấy đăng ký xe ô tô của mình để sử dụng, bởi giấy đăng ký thật của chiếc xe Tuấn đã dùng để cầm cố lấy tiền tiêu trước đó.

Pháp luật trừng trị nghiêm khắc

Theo Thẩm phán Vũ Văn Túc, Thẩm phán TAND tỉnh, tình trạng làm giả giấy tờ, hồ sơ, con dấu của cơ quan, tổ chức nhà nước ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện với nhiều mục đích khác nhau. Hiện nay, rất dễ tìm mua các loại giấy tờ giả như GPLX, giấy chứng nhận đăng ký xe, GCNQSDĐ, thậm chí là các loại bằng cấp... trên các trang MXH. Tại Hòa Bình, qua các vụ án đã đưa ra xét xử và phát hiện trong thời gian qua, phần lớn các đối tượng làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với hành vi này pháp luật trừng trị rất nghiêm khắc, nhiều trường hợp đã được TAND hai cấp của tỉnh đưa ra xét xử và tuyên những bản án thích đáng.

Thực tế hiện nay, thủ đoạn làm giả giấy tờ của các đối tượng rất tinh vi. Đối tượng sử dụng máy tính làm công cụ và thiết lập các kỹ thuật vi tính, công nghệ cao để làm các giấy tờ giả mà mắt thường, thậm chí máy móc cũng khó có thể phát hiện. Xuất phát từ nhu cầu của nhiều người vì lợi trước mắt mà quên đi những nguy hại có thể xảy ra lâu dài, nên các đối tượng phạm tội thường xuyên mời chào, giới thiệu, lôi kéo người dân làm giấy tờ giả trên các trang MXH. Theo đánh giá của Thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, hành vi làm giả giấy tờ đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này được minh chứng bằng việc cơ quan Công an các địa phương trong tỉnh đã phát hiện nhiều vụ việc đối tượng làm giả GCNQSDĐ để giao dịch mua bán, vay vốn, chuyển nhượng nhằm chiếm đoạt tài sản. Điển hình như việc bà Nguyễn Thị T. và Bùi Thị V., cùng trú tại xã Thanh Cao (Lương Sơn) sử dụng GCNQSDĐ giả làm thủ tục vay vốn ngân hàng.

Từ thực tế trên, thời gian qua lực lượng chức năng đã phát đi nhiều thông báo, cảnh báo về các hành vi "làm giả tài liệu của tổ chức, sử dụng tài liệu giả của tổ chức” để thực hiện các hành vi phạm tội khác. Do vậy, cơ quan Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không được mua, sử dụng giấy tờ giả vì đó là hành vi vi phạm pháp luật, có thể vướng vào vòng lao lý. Trường hợp phát hiện giấy tờ giả phải báo ngay cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/182894/su-dung-giay-to-gia-di-tu-that.htm