Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng phong trào thể dục, thể thao

Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho việc tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao (TDTT) đã và đang được các ngành, địa phương thực hiện hiệu quả.

Các vận động viên thi đấu môn cầu lông tại Giải thể thao gia đình tỉnh Thanh Hóa năm 2020.

Đến nay, cơ sở vật chất, các công trình, thiết chế phục vụ phát triển TDTT được đầu tư đồng bộ; chất lượng đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài, hướng dẫn viên TDTT cơ sở... ngày càng được nâng lên, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thành công các giải TDTT từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao sức khỏe các tầng lớp Nhân dân.

Bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và của tỉnh về công tác TDTT, các sở, ngành liên quan và địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp về hoạt động TDTT; đồng thời chủ động xây dựng, ban hành chương trình, đề án phát triển TDTT, gắn với phát triển các câu lạc bộ TDTT; đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc; phát triển các môn TDTT giải trí, như: khiêu vũ thể thao, thể dục thể hình, thể thao đường phố, thể thao dưới nước... Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu công tác huấn luyện, tập luyện TDTT cơ sở, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung đào tạo, hướng dẫn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên, trọng tài, hướng dẫn viên TDTT cơ sở. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có trên 1.500 trọng tài các môn thể thao, trên 1.600 hướng dẫn viên, cộng tác viên cơ sở.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, trọng tài, hướng dẫn viên TDTT cơ sở, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT tiếp tục được tỉnh và các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu tập luyện và thi đấu TDTT của các tầng lớp Nhân dân. Trong đó các địa phương đã tích hợp nội dung quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển nông thôn mới và quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16.550 công trình, sân bãi, phòng tập; 36 dự án đầu tư xây dựng các công trình TDTT với diện tích gần 133 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.520,5 tỷ đồng. Đã có 8 huyện đảm bảo các công trình thể thao tối thiểu. Ngoài ra, các tổ chức xã hội TDTT và hội nghề nghiệp cũng tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa phát triển sự nghiệp TDTT. Hàng năm, các liên đoàn, hội, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động TDTT và hàng chục giải thi đấu thể thao phong trào với quy mô cấp tỉnh bằng nguồn kinh phí xã hội hóa với tổng số tiền hàng tỷ đồng. Các tổ chức xã hội về thể thao đã chủ động thu hút nguồn lực và tổ chức nhiều hoạt động với quy mô từ tỉnh đến cơ sở với nguồn kinh phí khoảng 5 tỷ đồng/năm; đồng thời vận động các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ cho các hoạt động thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp khoảng 20-50 tỷ đồng/năm.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động TDTT quần chúng giai đoạn 2011-2020 đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, cải thiện đời sống tinh thần trong quần chúng Nhân dân. Các hoạt động TDTT luôn được gắn với hoạt động văn hóa, lịch sử, nhất là vào các dịp tết, lễ hội truyền thống của tỉnh, của dân tộc. Hoạt động TDTT tại các khu kinh tế, khu công nghiệp đã thu hút hàng ngàn công nhân tham gia tập luyện TDTT. Cùng với đó, Đại hội TDTT toàn tỉnh (4 năm/lần) đã thu hút hàng nghìn vận động viên tham gia thi đấu các môn thể thao; định kỳ (2 năm/lần) hội thi thể thao các dân tộc được tổ chức luân phiên trên địa bàn 11 huyện miền núi trong tỉnh nhằm khuyến khích phong trào tập luyện nâng cao sức khỏe và duy trì phát triển các môn thể thao dân tộc. Ngoài ra, hàng năm còn tổ chức thi đấu từ 10-15 giải cấp tỉnh; 250-280 giải cấp huyện, ngành và từ 1.500-1.800 giải thể thao cơ sở (xã, phường, thị trấn)... Qua việc tổ chức thành công các giải thể thao từ tỉnh đến cơ sở đã thúc đẩy phong trào TDTT ngày càng phát triển. Ước tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 43% dân số tập luyện TDTT thường xuyên; 30% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; 3.400 câu lạc bộ TDTT.

Duy Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao/su-dung-hieu-qua-cac-nguon-luc-nang-cao-chat-luong-phong-trao-the-duc-the-thao/127198.htm