Sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong tổ chức dạy học

Trên cơ sở truyền thống lịch sử và văn hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nam đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và toàn xã hội hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương; xây dựng kế hoạch giáo dục di sản văn hóa và tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với giáo dục di sản văn hóa. Vì vậy, việc sử dụng di sản văn hóa trong tổ chức dạy học ở trường phổ thông trên địa bàn tỉnh tương đối có chất lượng.

Trên cơ sở truyền thống lịch sử và văn hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nam đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và toàn xã hội hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương; xây dựng kế hoạch giáo dục di sản văn hóa và tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với giáo dục di sản văn hóa. Vì vậy, việc sử dụng di sản văn hóa trong tổ chức dạy học ở trường phổ thông trên địa bàn tỉnh tương đối có chất lượng.

Hà Nam là vùng đất cổ, có cội nguồn văn minh lúa nước lâu đời và nền văn hóa dân gian đặc sắc. Ở Hà Nam hiện nay có gần 1.800 di tích là các ngôi đình, ngôi chùa, ngôi đền và hệ thống miếu, phủ, văn chỉ, từ đường thờ anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước trong chống ngoại xâm, truyền nghề, dạy nghề. Trong đó, có trên 160 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, có 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thuộc các lĩnh vực: nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống. Đây cũng là nơi sản sinh những làn điệu dân gian vừa mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, vừa là nét đặc sắc riêng có của địa phương như: hát Dậm, hát Lải Lèn, hát Trống quân, hát Chèo...

Bộ tài liệu Giáo dục địa phương (GDĐP) của tỉnh được biên soạn với hệ thống tư liệu chính xác, đầy đủ về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội và lịch sử đã giúp các nhà trường lấy đó làm hệ thống tư liệu chủ yếu và hữu ích để triển khai, tổ chức dạy học các môn học và nội dung có liên quan.

Học sinh các khối lớp của Trường THCS Nguyễn Úy (Kim Bảng) được giáo dục tốt về văn hóa, lịch sử địa phương thông qua việc học tập, nghiên cứu di sản văn hóa và tài liệu GDĐP.

Học sinh các khối lớp của Trường THCS Nguyễn Úy (Kim Bảng) được giáo dục tốt về văn hóa, lịch sử địa phương thông qua việc học tập, nghiên cứu di sản văn hóa và tài liệu GDĐP.

Các nội dung dạy học theo di sản văn hóa của địa phương đã giúp các di sản văn hóa được tìm hiểu, chăm sóc, góp phần bảo tồn qua các hình thức tổ chức dạy học phong phú như: lồng ghép, tích hợp nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học, hoạt động giáo dục - chủ yếu qua các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc; tổ chức hoạt động ngoại khóa, chương trình ngoài giờ lên lớp, các tiết chào cờ, sinh hoạt tập thể… để học sinh tìm hiểu, tham quan học tập và trải nghiệm, tọa đàm về giá trị các di sản văn hóa tại địa phương.

Ngoài ra, các nhà trường còn thành lập được mô hình các câu lạc bộ (CLB) để tuyên truyền, lưu giữ và bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hóa của các di sản văn hóa; đưa di sản văn hóa trở thành đề tài đạt kết quả cao trong các cuộc thi "Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn", "Dạy học tích hợp", "Thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học" cấp tỉnh và quốc gia…

Trong chương trình giáo dục phổ thông, việc dạy học theo di sản văn hóa, theo Bộ tài liệu GDĐP được đánh giá có ý nghĩa và quan trọng đối với mục tiêu nâng cao hiểu biết về lịch sử, giáo dục những giá trị sống tốt đẹp của quê hương, đất nước cho học sinh và tăng cường khả năng lồng ghép, tích hợp kiến thức của giáo viên. Từ những tài liệu được cung cấp, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo giáo viên thực hiện dạy lồng ghép có hiệu quả trong các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Đến năm học này, việc thực hiện dạy học theo di sản văn hóa và tài liệu GDĐP tiếp tục được Trường THCS Nguyễn Úy (Kim Bảng) triển khai có nền nếp.

Theo Kế hoạch tổ chức giảng dạy được nhà trường xây dựng từ đầu mỗi năm học có xác định rõ mục tiêu đối với từng môn học, từng khối lớp. Thầy giáo Nguyễn Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với những mục đích, ý nghĩa của việc dạy học theo di sản văn hóa, nhà trường hướng tới việc cung cấp các kiến thức nền về văn hóa, lịch sử của địa phương để qua đó bồi đắp cho học sinh niềm tự hào quê hương, nâng cao ý thức học tập, rèn luyện tốt. Theo sự phân bố chương trình của từng khối, nhà trường phân phối số tiết dạy theo di sản văn hóa và tài liệu GDĐP phù hợp; yêu cầu giáo viên chủ động xây dựng bài giảng các tiết dạy, bài học có sự lồng ghép nội dung dạy học theo di sản văn hóa và tài liệu GDĐP hợp lý, phát huy tốt giá trị của tài liệu trong quá trình giảng dạy…

Qua tìm hiểu nhận thấy, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các nhà trường đã nhận thức tích cực về vai trò, vị trí của việc thực hiện dạy học theo di sản văn hóa và tài liệu GDĐP trong nhà trường. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi việc dạy học tài liệu GDĐP là nội dung bắt buộc, có vị trí tương đương như các môn học khác trong Chương trình GDPT 2018. Tuy gặp một số khó khăn trong quá trình soạn giảng nội dung địa phương, học sinh phải tiếp cận với khối lượng kiến thức rộng hơn nhưng với yêu cầu đẩy mạnh dạy học tích hợp, gắn các kiến thức lý thuyết với kiến thức thực tiễn, việc dạy học theo di sản văn hóa và tài liệu GDĐP là một trong những phương tiện hữu ích giúp cả giáo viên và học sinh nâng cao chất lượng dạy và học, trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.

Là giáo viên dạy môn Lịch sử, cô giáo Lê Thị Lan (Trường THPT Lý Nhân) cho biết: Hệ thống thông tin về di sản văn hóa và tài liệu GDĐP đã cung cấp đầy đủ các thông tin về di sản văn hóa và những sự kiện liên quan tới lịch sử Hà Nam theo tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Bản thân tôi thường xuyên sử dụng tài liệu này để soạn bài và làm tài liệu giảng dạy. Thông thường, chúng tôi tự cân đối để tích hợp, giới thiệu các nội dung có liên quan để học sinh không chỉ được cung cấp thêm các tư liệu ngoài sách giáo khoa mà còn tăng cường khả năng tự vận dụng, liên hệ thực tế khi gặp những câu hỏi, đề thi, kiểm tra có phần kiến thức phân hóa.

Trên thực tế, di sản văn hóa là nguồn cung cấp chất liệu để xây dựng nội dung dạy học tại một số môn học trong nhà trường giúp quá trình học tập trở nên hấp dẫn, hứng thú hơn với người học, đồng thời là sợi dây gắn kết trách nhiệm, tình cảm của nhà trường, gia đình và xã hội. Giáo dục di sản trở thành một trong những phương pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương. Sự phong phú, đa dạng của các hình thức tổ chức dạy học theo di sản văn hóa, tài liệu GDĐP góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng pháp triển năng lực học sinh. Học sinh được phát triển năng lực tự học, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác... qua việc học tập theo dự án, tham gia và hoạt động trong các CLB bảo tồn các giá trị văn hóa, hội thảo, tọa đàm, sưu tầm, biên soạn tư liệu. Giáo viên được tiếp cận và có điều kiện tốt nhất để sử dụng các phương pháp dạy học tích cực.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học theo di sản văn hóa và tài liệu GDĐP, ngành giáo dục xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông; có sự quan tâm đúng mức tới việc tăng cường biên soạn và bổ sung các tài liệu, các băng đĩa, các tiết dạy minh họa để giáo viên, học sinh tham khảo trong giảng dạy học tập; tổ chức tập huấn chuyên môn về phương pháp, hình thức sử dụng di sản trong dạy học. Đối với các nhà trường, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên vận dụng một cách sáng tạo việc sử dụng di sản trong dạy học và căn cứ điều kiện cụ thể để xây dựng chương trình giáo dục nhà trường có nội dung và thời lượng phù hợp bảo đảm thực hiện hiệu quả việc giáo dục, tích hợp, lồng ghép các nội dung môn học có liên quan đến di sản văn hóa địa phương.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/su-dung-hieu-qua-di-san-van-hoa-trong-to-chuc-day-hoc-97427.html