Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển sản xuất
Từ nguồn vốn vay của quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và địa phương, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện miền núi Tri Tôn có thêm nguồn kinh phí để phát triển sản xuất, đầu tư trang thiết bị để xây dựng các mô hình kinh tế. Từ đó giúp việc canh tác nông nghiệp thuận lợi hơn, hiệu quả kinh tế mang lại tăng cao, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện.
Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế gia đình
Hỗ trợ kịp thời
Năm 2019, được sự hỗ trợ vốn từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh và huyện, nhiều nông dân trong Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì) được hỗ trợ 650 triệu đồng để phát triển sản xuất. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Trì Nguyễn Văn Phước cho biết, có 12 hộ được vay vốn từ 50-100 triệu đồng, lãi suất 0,7%/tháng, thời gian hoàn vốn 3 năm. Đến nay, hầu hết các hộ đều sử dụng đúng mục đích và đã mang lại hiệu quả cao.
Anh Bùi Văn Quý, Giám đốc HTX Bến Bà Chi, cũng là hộ được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng cho biết, gia đình anh canh tác các giống xoài: xoài tượng xanh, xoài tượng đỏ, xoài Úc, xoài cát Hòa Lộc… trên diện tích khoảng 4ha. Trong quá trình canh tác, anh Quý gặp nhiều khó khăn trong việc tưới tiêu. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp trong việc giải ngân nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân, anh đầu tư hệ thống tưới tiêu, xây dựng hồ chứa nước phục vụ sản xuất…Nhờ vậy đã giúp gia đình anh giảm đáng kể công chăm sóc, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Anh Quý chia sẻ: “Nguồn vốn hỗ trợ kịp thời đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn. Thời gian tới, sau khi hoàn vốn, chúng tôi sẽ tiếp tục xin hỗ trợ để hoàn thiện hệ thống tưới tiêu cho vườn xoài”.
Trong quá trình cho vay, Hội Nông dân xã đã khảo sát thực tế nhu cầu vay vốn của các hộ, ưu tiên những hộ có tinh thần trách nhiệm cao, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Đồng thời, thường xuyên theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các dự án đều sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả…
Đồng hành cùng nông dân
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Trần Văn Mì cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban điều hành quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã tiếp nhận 150 triệu đồng từ UBND huyện, 30 triệu đồng từ UBND các xã: Cô Tô, Núi Tô và thị trấn Tri Tôn. Nâng tổng số tiền quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện gần 1,127 tỷ đồng. Qua đó, đã phối hợp Ban điều hành quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, tổ chức giải ngân 500 triệu đồng cho 11 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển mô hình trồng sầu riêng tại xã Lương Phi.
Nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân đã và đang phát huy được hiệu quả thiết thực, giúp hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Tri Tôn xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của Hội Nông dân, củng cố niềm tin và tạo sự gắn bó của hội viên, nông dân với tổ chức hội. Từng bước khẳng định vai trò, vị thế của hội trong hệ thống chính trị cũng như nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với Hội Nông dân cơ sở.
Bên cạnh nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội phát vay cho 558 hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên…với tổng số tiền trên 17,57 tỷ đồng. Ngoài ra, đã thu lãi 19.504 hộ, được gần 3,5 tỷ đồng; thu tiết kiệm 10.099 hộ được khoảng 4,57 tỷ đồng và thu nợ 256 hộ được gần 5,2 tỷ đồng...
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tri Tôn sẽ triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, sẽ giải ngân mô hình sản xuất lúa cho hộ nông dân tại xã Châu Lăng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục kiểm tra việc sử dụng vốn của các mô hình đã được hỗ trợ. Song song đó, tiếp tục làm việc với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn về việc chuyển ngân sách cho quỹ Hỗ trợ nông dân. Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục đề nghị Hội Nông dân tỉnh và Trung ương hỗ trợ nguồn quỹ cấp tỉnh, trung ương cho các mô hình còn lại… Đồng thời, tiếp tục phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức lập đề án giải ngân mở rộng sản xuất, ngành nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, thực hiện tốt công tác thu hồi vốn, lãi và xử lý nợ quá hạn.