Sử dụng mã số định danh thay cho mã số thuế cá nhân tạo thuận lợi cho người nộp thuế
Việc sử dụng mã số định danh thay cho mã số thuế cá nhân sẽ giúp người nộp thuế không phải kê khai nhiều thông tin như trước đây. Người nộp thuế có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế hoặc tài khoản định danh điện tử VneID, thông tin sẽ tự động điền vào phần kê khai của người nộp thuế.
Mã số định danh thay cho mã số thuế
Khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế quy định: “Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư, thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế”. Theo đó, mã số định danh cá nhân chỉ dùng làm mã số thuế của cá nhân, đại diện hộ gia đình, không sử dụng làm mã số thuế của doanh nghiệp, tổ chức.
Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ Liệu quốc gia về tài chính, Cơ sở dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chuyển đổi sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế Lý Thị Hoài Hương cho biết, triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) đồng thời chuẩn bị cho việc chuyển đổi sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Tổng cục Thuế đã chủ động làm việc với Bộ Công an để trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để truy vấn thông tin về mã số định danh tương ứng với các mã số thuế.
Tuy nhiên, theo bà Lý Thị Hoài Hương, hiện nay theo dữ liệu tại ứng dụng quản lý thuế, ngành thuế đang quản lý khoảng hơn 70 triệu mã số thuế cá nhân. Do số lượng mã số thuế cá nhân lớn được cấp và sử dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật có thay đổi qua nhiều năm nên vẫn còn một số lượng mã số thuế cá nhân chưa truy vấn được mã số định danh từ cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.
Đối với nhóm mã số thuế này, cơ quan thuế đã triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) để kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế đảm bảo truy vấn được với Bộ Công an để thu thập thông tin về mã số định danh công dân. Hiện nay, Tổng cục Thuế đã truy vấn được thông tin NNT cá nhân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khoảng 70% tổng số mã số thuế cơ quan thuế đang quản lý.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đang chủ trì dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư hướng dẫn về Đăng ký thuế trình Bộ Tài chính ban hành để hướng dẫn về việc sử dụng mã số định danh thay cho mã số thuế. Dự kiến sau khi Thông tư được ban hành và có hiệu lực, người nộp thuế sẽ sử dụng chính mã số định danh của mình để thực hiện kê khai, nộp thuế hoặc thực hiện các thủ tục hành chính khác với cơ quan thuế.
Sẽ không còn tình trạng một người nhiều mã số thuế cá nhân
Mới đây, tại Công văn 4799/TCT-VP, Tổng cục Thuế cho hay, đối với việc chuyển đổi mã số thuế của người phụ thuộc thành mã số thuế cá nhân, tại Luật Quản lý thuế quy định: “Cá nhân được cấp 1 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho NNT thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước”.
Theo quy định trên, khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ thuế thì mã số thuế của người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân dùng để kê khai, nộp thuế theo quy định.
Như vậy, khi người phụ thuộc phát sinh tờ khai thuế thì mã số thuế của người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế chuyển thành mã số thuế cá nhân mà không yêu cầu NNT phải làm thủ tục chuyển đổi với cơ quan thuế.
Đối với việc chuyển đổi số định danh cá nhân làm mã số thuế khắc phục tình trạng một cá nhân có nhiều mã số thuế, Tổng cục Thuế cho biết, thông qua quá trình rà soát chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân theo Đề án 06, cơ quan thuế phát hiện một số trường hợp một cá nhân (một số định danh) tương ứng với nhiều mã số thuế.
Nguyên nhân do cá nhân không hiểu quy định về đăng ký thuế hoặc do nhầm lẫn, cá nhân đã được cấp mã số thuế, khi thay đổi thông tin từ chứng minh thư nhân dân hoặc giấy khai sinh (đối với người phụ thuộc) sang căn cước công dân dẫn đến việc cá nhân hoặc tổ chức chi trả thu nhập không thực hiện đăng ký thay đổi thông tin mà thực hiện theo thủ tục đăng ký lần đầu. Điều đó dẫn đến cá nhân được cấp thêm mã số thuế khác nếu thông tin số giấy tờ tùy thân khác với số giấy tờ tùy thân đã được cấp mã số thuế trước đó.
Do đó, Tổng cục Thuế đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an chuyển đổi sang sử dụng số định danh cá nhân làm mã số thuế. Sau khi chuyển đổi thì số định danh sẽ hợp nhất nghĩa vụ thuế của cá nhân, khi đó sẽ không còn tình trạng một cá nhân có nhiều mã số thuế.
Bà Lý Thị Hoài Hương cũng thông tin thêm, tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính nội dung xử lý đối với trường hợp NNT có hai mã số thuế trở lên theo hướng: Trường hợp cá nhân đã được cấp nhiều hơn 1 mã số thuế, cơ quan thuế sử dụng số định danh cá nhân để hợp nhất dữ liệu thuế của NNT.
Tổng cục Thuế sẽ triển khai các giải pháp để tuyên truyền, hỗ trợ NNT kê khai thay đổi thông tin đảm bảo thông tin các mã số thuế của NNT là cập nhật, chính xác làm căn cứ khi Thông tư sửa đổi Thông tư 105/2020/TT-BTC được ban hành và có hiệu lực. Lúc đó thông tin mã số định danh của cá nhân được sử dụng làm căn cứ để hợp nhất các mã số thuế của một NNT hiện nay.
Thuận lợi cho người nộp thuế
Theo bà Lý Thị Hoài Hương, nếu như trước đây mỗi người được cấp một số chứng minh thư hoặc căn cước công dân rồi lại được cấp thêm mã số thuế, mã số sổ BHXH, số thẻ BHYT… công dân phải ghi nhớ rất nhiều loại thông tin và kê khai các thông tin này cho các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau.
Khi sử dụng thống nhất mã số định danh công dân làm mã số thuế để giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan thuế và sử dụng mã định danh để giải quyết thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước khác, khi đó người dân chỉ cần kê khai thông tin số định danh của mình.
Bên cạnh đó, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân cũng cho hay, đối với cá nhân có thông tin đăng ký thuế khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư thì NNT sẽ sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin NNT trên các nền tảng của ngành thuế như website, app Etax mobile.
Đồng thời, khi NNT có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế hoặc tài khoản định danh điện tử VNeID và các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự kết nối, chia sẻ thông tin thì NNT không phải kê khai nhiều thông tin cá nhân như trước đây hoặc thông tin đã được tích hợp trong tài khoản định danh cá nhân sẽ được hỗ trợ tự động điền vào phần thông tin kê khai của NNT.
“Trong quản lý thuế, khi cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước đồng bộ sử dụng mã số định danh cá nhân làm thông tin định danh và quản lý cá nhân thì việc chia sẻ, trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và các cơ quan, tổ chức phối hợp trong công tác quản lý thuế (như cơ quan quản lý về đất đai; cơ quan bảo hiểm xã hội; các sàn thương mại điện tử…) sẽ thuận lợi, nhanh chóng và kịp thời khi đã có thông tin chung để trao đổi là mã số định danh cá nhân”, bà Lý Thị Hoài Hương khẳng định.