Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả phục vụ phát triển KT-XH
Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ 55), Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện với những mục tiêu cụ thể, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng; cung cấp năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Trong những năm qua, việc cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 nhà máy thủy điện đã hoàn thành đưa vào sử dụng, với tổng công suất 1.957,25 MW. Trong đó, nhà máy thủy điện Hòa Bình có công suất 1.920 MW; 10 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất 37,25 MW như: thủy điện Suối Nhạp A công suất 4 MW, thủy điện Vạn Mai công suất 600 KW, thủy điện Suối Tráng công suất 2,7 MW, thủy điện So Lo 1 công suất 3,5 MW, thủy điện Định Cư công suất 1,05 MW…, hàng năm cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 10 tỷ kWh. Ngoài ra còn có trên 2.000 thủy điện cực nhỏ, công suất từ 0,3 - 0,5 KW của các hộ gia đình phục vụ sinh hoạt.
Hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ (hiện, tỉnh đang được nhận điện từ hệ thống điện quốc gia qua 8 trạm 110 kV với 13 máy biến áp, tổng công suất 356 MVA. Đồng thời, còn được cung cấp từ mạch vòng 35 kV từ trạm 110 kV X18 Nho Quan - Ninh Bình), tạo điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện. Đến hết năm 2019, hệ thống lưới điện quốc gia đã tới trung tâm các xã, phường, thị trấn, kể cả vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,75%.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ngày càng được quan tâm. Hoạt động thông tin, tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đến các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, hộ gia đình được chú trọng đẩy mạnh. Hàng năm tổ chức có hiệu quả chương trình "Giờ Trái đất”. Triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng bằng pin năng lượng mặt trời kết hợp nối lưới tại các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước; lắp đặt, thay thế đèn LED trong các công sở, trường học; hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trong tỉnh thực hiện kiểm toán năng lượng, giúp các doanh nghiệp xác định được các giải pháp tiết kiệm năng lượng; khuyến cáo các doanh nghiệp hạn chế sử dụng thiết bị tiêu thụ điện lớn trong giờ cao điểm, thực hiện sử dụng điện đảm bảo đúng công suất, biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện… Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2019, trên địa bàn tỉnh đã tiết kiệm được khoảng 48,52 triệu kWh (tương đương khoảng 1,5% tổng mức tiêu thụ năng lượng hàng năm). Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế, yếu kém: Lưới điện hạ áp tại một số xã vùng sâu, vùng xa đã được đầu tư đưa vào sử dụng từ lâu, hiện đã xuống cấp; vẫn còn lưới điện do Nhân dân tự đầu tư xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tình trạng mất điện do sự cố vẫn còn xảy ra gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của một số doanh nghiệp và Nhân dân… Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu, chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao. Cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư phát triển năng lượng...
Để triển khai thực hiện hiệu quả NQ 55, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong phát triển ngành năng lượng. Xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực năng lượng đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH. Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động nâng cấp, từng bước xây dựng hệ thống lưới điện, phân phối điện hiện đại, thông minh. Ưu tiên phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng. Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của tỉnh, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021-2030...