Sử dụng rác thải nhựa làm đường giao thông, DEEP C hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng

Dow Việt Nam - một công ty về vật liệu khoa học - và Khu công nghiệp Đình Vũ - Hải Phòng (DEEP C) vừa hoàn tất đoạn đường 200 m đầu tiên của con đường 1.400km trong khu công nghiệp Deep C sử dụng phế liệu nhựa và rác thải nhựa. Theo kế hoạch, 1.200m đường còn lại sẽ được hoàn thành trong tháng 11/2019.

Trải nhựa đường từ rác thải tại DEEP C

Trải nhựa đường từ rác thải tại DEEP C

“Việc triển khai đoạn đường đầu tiên từ rác thải nhựa này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình trở thành khu công nghiệp sinh thái đi đầu tại Việt Nam của DEEP C”, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp DEEP C, nói.

“Những con đường mới, bền hơn và an toàn hơn này không chỉ đem lại lợi ích cho DEEP C và các doanh nghiệp tại khu công nghiệp của chúng tôi mà còn phát đi thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường khi mà quản lý rác thải nhựa đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam”, theo ông Bruno Jaspaert.

DEEP C được thành lập vào năm 1997 bởi các cổ đông Vương quốc Bỉ (Rent-A-Port, Ackermans-Van Haaren) và cổ đông Việt Nam (UBND TP. Hải Phòng), DEEP đã sớm xác định mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn. Tại DEEP, năng lượng được sử dụng kết hợp nhiều nguồn như điện gió, điện mặt trời... nước thải được xử lý để tối ưu hóa nguồn nước, rác thải được thu gom để xử lý tạo thành nguồn năng lượng mới.

Đi trong khu công nghiệp sẽ thấy toàn bộ nóc nhà xưởng là các tấm pin mặt trời, là những cột quạt tạo điện gió... Khu công nghiệp sinh thái rộng 3.000 ha này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng nhưng đã thu hút 100 dự án, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.

Giới thiệu về công nghệ làm dường này, bà Mai Hà Thanh Uyên, Giám đốc phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á, Công ty Dow Việt Nam cho biết: Rác thải nhựa được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ, làm nóng ở 150 - 180 độ C để nóng chảy và hòa với nhựa đường, trộn với vật liệu cốt.

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, các thông số kỹ thuật của mẫu bê tông có trộn phế thải nhựa không những đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật Việt Nam TCVN 8860, mà một số tiêu chí còn có phần tốt hơn.

Để hoàn thành 1.400 m đường sẽ phải chuyển hóa tổng cộng 6,5 tấn rác thải phế thải là bao bì nhựa dẻo tương đương với hơn 1,7 triệu bao bì nhựa dẻo. Như vậy, thay vì thải ra môi trường thì 6,5 tấn rác thải nhựa này đã trở thành nguồn tài nguyên mới.

Theo thống kê, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa hàng đầu, trong đó các khu vực đô thị như Hà Nội và TP.HCM ước tính có khoảng 80 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi ngày. Riêng ở Hải Phòng, lượng rác thải thu gom mỗi ngày của Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng URENCO lên tới 1000 tấn, trong đó 8-12 % là rác thải nhựa.

“Dự án làm đường từ rác thải nhựa ở DEEP C Hải Phòng là một ví dụ tiêu biểu cho sự đồng hành giữa doanh nghiệp và chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững nói chung, và là sự hưởng ứng kịp thời lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa nói riêng. Mô hình này nên được nhân rộng ở nhiều địa phương”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) nói.

Sau khi triển khai thành công dự án 1,4km đường từ rác thải nhựa này, nhiều đoạn đường sử dụng rác thải nhựa tái chế hơn nữa sẽ được xây dựng trong các Khu công nghiệp DEEP C.

“Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, DEEP C thực hiện 4 mục tiêu là Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người; Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người; Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững; Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững”, ông Bruno Jaspaert cho biết.

Linh Đan

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/su-dung-rac-thai-nhua-lam-duong-giao-thong-deep-c-huong-ung-loi-keu-goi-cua-thu-tuong-93227.html