Sử dụng thiết bị bếp đúng cách để tiết kiệm điện

Tiết kiệm năng lượng khi sử dụng các thiết bị điện trong nhà bếp để nấu ăn là vấn đề tuy đơn giản nhưng nhiều chị em phụ nữ dễ 'bỏ quên'. Dưới đây là một số bí quyết đơn giản nhưng rất hiệu quả, giúp các chị em nội trợ vừa tiết kiệm tối đa năng lượng khi sử dụng thiết bị điện nhà bếp, vừa có bữa cơm gia đình đầm ấm.

Nếu có điều kiện về tài chính, người tiêu dùng nên chọn loại tủ lạnh có nhiều buồng (cánh) để bảo quản tốt thực phẩm, tiết kiệm điện năng

Nếu có điều kiện về tài chính, người tiêu dùng nên chọn loại tủ lạnh có nhiều buồng (cánh) để bảo quản tốt thực phẩm, tiết kiệm điện năng

Lựa chọn và sử dụng tủ lạnh - tủ đông đúng cách

Tủ lạnh - tủ đông là thiết bị điện máy không thể thiếu trong các gia đình. Do thiết bị hoạt động liên tục nên tủ lạnh tiêu hao điện năng nhiều hơn so với máy giặt, tivi, máy sấy... Chi phí tiền điện cho thiết bị này chiếm từ 16 - 22% tổng tiền điện cả năm của gia đình. Do vậy, việc lựa chọn và sử dụng tủ lạnh - tủ đông đúng cách góp phần giảm lượng năng lượng tiêu thụ, vừa giúp tiết kiệm chi phí.

Theo đó, để tiết kiệm điện, khi lựa chọn tủ lạnh - tủ đông, người tiêu dùng cần chọn thiết bị có dán nhãn năng lượng (từ 1 - 5 sao). Trong đó, nhãn 5 sao được xem là có cấp độ tiêu thụ và sử dụng điện năng tiết kiệm nhất. Nếu có điều kiện về tài chính nên chọn loại tủ lạnh có nhiều buồng (nhiều cánh) để bảo quản thực phẩm, vừa đảm bảo chất lượng thực phẩm, vừa giảm tổn thất lạnh khi mở tủ lấy thực phẩm. Bên cạnh đó, nên chọn loại tủ lạnh sử dụng công nghệ biến tần để điều khiển máy nén làm lạnh và sử dụng môi chất lạnh R600a giúp tiết kiệm điện khoảng 25 - 30% và bảo vệ môi trường.

Trong sử dụng thiết bị cần kiểm tra gioăng ở các cánh cửa tủ lạnh. Trong trường hợp gioăng bị hở, độ lạnh tủ kém thì máy làm lạnh phải làm việc nhiều hơn, gây tốn điện. Việc mở, đóng tủ lạnh phải hợp lý, không để cửa tủ lạnh mở quá lâu, không khí bên ngoài lọt vào tủ sẽ khiến thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Bên cạnh đó, vệ sinh dàn ngưng 1-2 lần/năm bằng cách dùng bàn chải mềm, khăn lau khô để loại bỏ bụi bẩn; cài đặt nhiệt độ các ngăn vừa đủ độ lạnh (đặt ở nấc 3 - 4 là vừa), tránh đặt ở mức độ lạnh nhất; không để thức ăn nóng vào tủ để tránh nhiệt độ và độ ẩm trong tủ tăng lên khiến tiêu thụ năng lượng nhiều hơn...

Lựa chọn nồi cơm điện có dán nhãn năng lượng nhiều sao để tiết kiệm điện

Lựa chọn nồi cơm điện có dán nhãn năng lượng nhiều sao để tiết kiệm điện

Tránh lãng phí điện năng khi sử dụng nồi cơm điện

Nồi cơm điện là một trong những thiết bị được sử dụng hằng ngày trong mỗi gia đình. Vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn một chiếc nồi có chất lượng tốt thì cần còn phải phù hợp với nhu cầu sử dụng trong gia đình nhằm tránh việc lãng phí điện năng khi sử dụng.

Dưới đây là một số mẹo nhỏ sẽ giúp tiết kiệm điện năng rất hiệu quả khi dùng nồi cơm điện như: nên nấu cơm trước giờ ăn khoảng 30 - 45 phút, không nấu cơm trước giờ ăn quá lâu; thường xuyên vệ sinh các bộ phận của nồi cơm điện như: lòng nồi, thân nồi, mâm nhiệt, van thoát hơi nhằm tăng hiệu suất truyền nhiệt, giúp giảm điện năng tiêu thụ; ngâm gạo trước khi nấu với nước ấm hoặc nóng thì sẽ giúp tiết kiệm đến 30% điện năng tiêu thụ; tránh sử dụng chế độ hâm nóng cơm trong thời gian dài; không dùng chung ổ cắm với những đồ điện tiêu thụ công suất cao để chống phát nhiệt trên dây dẫn và trên ổ cắm điện.

Tiết kiệm điện với ấm siêu tốc

Tiết kiệm thời gian, an toàn với tính năng tự ngắt khi nước sôi, ấm đun nước siêu tốc là thiết bị không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, ấm siêu tốc lại tiêu hao khá nhiều điện năng bởi công suất lớn từ 600 - 1.500W. Một ấm đun nước bằng điện có dung tích 3,6 lít thường tiêu tốn khoảng 9,78kWh điện/tháng để đun sôi nước với tần suất 1 lần/ngày.

Trong quá trình sử dụng, để tăng khả năng làm nóng đối với ấm siêu tốc hãy chăm chỉ lau sạch những cặn, rỉ sét sau một thời gian sử dụng. Khi sử dụng ấm siêu tốc cũng nên chú ý: khi đun nước, đậy nắp ấm thật kín để nước nhanh sôi và điện tự ngắt khi đủ nhiệt 100oC; không đun nước liên tục với ấm siêu tốc sẽ làm mâm nhiệt bị quá nhiệt, có thể gây ra cháy nổ, nguy hiểm cho người dùng; tránh đun nước ở luồng gió của quạt; đun đủ lượng dùng để tiết kiệm điện...

Đối với bếp điện từ, khi nấu nên chọn những loại nồi có tính từ cao để hạn chế tình trạng hao phí điện năng

Đối với bếp điện từ, khi nấu nên chọn những loại nồi có tính từ cao để hạn chế tình trạng hao phí điện năng

Tiết kiệm điện năng khi sử dụng bếp điện từ

Bếp điện từ là thiết bị tiêu tốn gần 11% tổng lượng điện bình quân hàng tháng trong các gia đình. So với bếp gas, bếp điện từ có khả năng đốt nóng xoong, chảo và đồ ăn nhanh hơn rất nhiều. Đây là loại bếp được nhiều gia đình chọn để sử dụng hiện nay bởi những tiện ích mà thiết bị mang lại.

Để có thể tiết kiệm điện năng hiệu quả khi sử dụng bếp điện từ cần lưu ý một số cách sử dụng như: sử dụng dây dẫn điện phải chịu được tải của công suất bếp từ, phải dùng phích cắm và ổ cắm riêng. Trong quá trình đun nấu nên hạn chế tối đa trào nước hay thức ăn ra mặt bếp; cài đặt bếp điện từ ở chế độ nhiệt vừa phải để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện; không nên dùng bếp điện từ ở chế độ nhiệt cao, hạn chế tăng giảm nhiệt đột ngột. Đối với các bếp từ lưu động sau khi đun nấu trên bếp từ xong không nên rút ngay ổ điện ra vì khi tắt bếp, quạt tản nhiệt vẫn còn hoạt động; sau khi đun nấu, nên đợi cho bếp nguội hẳn rồi mới vệ sinh.

Tiết kiệm điện khi sử dụng lò nướng đúng cách

Lò nướng trở thành vật dụng quen thuộc trong nhà bếp của người nội trợ với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã và phong phú về tính năng. Thông thường một lò nướng điện hoạt động 1 giờ/ngày và 15 ngày/tháng, lò nướng điện sẽ tiêu thụ 22,5kWh điện 1 tháng.

Để tiết kiệm điện năng, ngoài chọn mua lò có dung tích, công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình thì trong cách sử dụng lò nướng cần lưu ý một số vấn đề, Trong đó, luôn làm nóng lò trước khi cho thực phẩm vào để giúp thực phẩm chín được đều và nhanh hơn; nên nướng bằng khuôn sứ và thủy tinh bởi đây là 2 chất liệu dẫn nhiệt rất tốt, nhiệt độ tiếp xúc vào thức ăn sẽ nhanh hơn, giảm thời gian nấu nướng; kiểm tra lớp gioăng ở cửa lò để đảm bảo cửa lò cách nhiệt tốt; hạn chế đóng chặt, mở cửa lò nhiều lần; vệ sinh lò nướng thường xuyên để thiết bị hoạt động tốt, tránh cặn cháy của thức ăn gây ảnh hưởng đến khả năng tỏa nhiệt của sản phẩm.

Bảo đảm các chu trình sử dụng máy rửa bát

Máy rửa bát là một trong những thiết bị gia dụng được chị em nội trợ thành thị quan tâm lựa chọn và cũng dần phổ biến tại Việt Nam. Hiện, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu máy rửa bát. Đối với máy rửa bát thông thường, trung bình một lần rửa sẽ tốn 1,4 - 1,6kWh điện và từ 15 - 17 lít nước. Ở những máy có chức năng rửa tiết kiệm năng lượng, trung bình một lần rửa tốn khoảng 1.039kWh điện và 11 lít nước.

Khi lựa chọn máy rửa bát, người tiêu dùng cần chọn máy có dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng gia đình; chú ý đến các chức năng tiện ích của thiết bị như: rửa nhanh, rửa diệt khuẩn, chức năng sấy, hẹn giờ, chức năng tự làm mềm nước.

Bên cạnh đó, luôn rửa bát với đầy đủ chu trình, hạn chế rửa các chu trình bán tải, rửa lẻ tẻ nhiều lần trong ngày để tiết kiệm điện và nước; chỉ sử dụng muối rửa và nước tẩy rửa chuyên dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; điều chỉnh nhiệt độ rửa về khoảng 50oC (nhiệt độ nóng trung bình) để làm sạch bát đĩa mà tiêu hao ít năng lượng nhất; thường xuyên vệ sinh máy rửa để hoạt động hiệu quả...

MN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/su-dung-thiet-bi-bep-dung-cach-de-tiet-kiem-dien-116341.aspx