Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn trên cây có múi và xoài

Triển khai chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, nông dân Đồng Tháp được áp dụng trên cây có múi và xoài, tạo lập mô hình canh tác bền vững.

Xoài được canh tác bền vững để nâng cao chất lượng và tạo đầu ra cho sản phẩm. Ảnh minh họa

Xoài được canh tác bền vững để nâng cao chất lượng và tạo đầu ra cho sản phẩm. Ảnh minh họa

Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam vừa ký kết hợp tác triển khai chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm (chương trình Stewardship) tại Đồng Tháp năm 2024-2025. Đây là năm thứ 3 liên tiếp các bên triển khai những nội dung hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác tại Đồng Tháp kéo dài 5 năm từ năm 2021-2026.

Năm thứ 3 của chương trình sẽ tiếp tục tập huấn và nâng cao kiến thức cho nông dân và đại lý về sử dụng thuốc có trách nhiệm. Một số điểm mới bổ sung như tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về an toàn khi sử dụng drone (thiết bị bay không người lái) trong phun thuốc bảo vệ thực vật và nguyên tắc sử dụng thuốc luân phiên.

Cùng với đó là triển khai 2 mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên cây có múi và xoài, tạo lập mô hình canh tác bền vững. Thu thập dữ liệu và khảo sát để đánh giá tác động của chương trình qua các năm thực hiện.

Chương trình cũng phát động hội thi dành cho nông dân về sử dụng thuốc nhằm khuyến khích nông dân tìm hiểu và áp dụng các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, chương trình hợp tác này là một bước tiến quan trọng trong việc hướng dẫn và hỗ trợ nông dân nói chung và nông dân tại Đồng Tháp nói riêng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả. Với sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ trách nhiệm giữa các bên chính phủ, địa phương và khối tư nhân, chương trình sẽ tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cũng chia sẻ, chương trình đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho nông dân Đồng Tháp, giúp người nông dân nâng cao nhận thức và áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn, bền vững. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Hiệp hội CropLife Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật để nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững; thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chương trình Stewardship tại Đồng Tháp năm thứ 3 được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho nông dân, đại lý và cán bộ địa phương; mở rộng quy mô và hiệu quả của các mô hình sản xuất nông sản an toàn, bền vững và tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc quản lý và sử dụng thuốc tại địa phương.

Ông Đặng Văn Bảo – Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam cho biết, CropLife cam kết hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân Việt Nam trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm. Hiệp hội kỳ vọng năm thứ 3 của chương trình sẽ mang lại những cải tiến vượt bậc và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Qua hai năm đầu triển khai, chương trình đã tổ chức 58 lớp tập huấn cho 2.140 nông dân và 11 lớp cho 727 đại lý, cung cấp gần 2.850 bộ thiết bị bảo hộ cá nhân cho nông dân. Chương trình triển khai thành công các mô hình sản xuất bền vững trên cây lúa, hoa kiểng, sầu riêng và ớt với hơn 300 ha.

Chương trình phát động và tổ chức thu gom và xử lý hơn 20 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Cơ quan chức năng thực hiện 8 đợt thanh kiểm tra tại các cơ sở buôn bán vật tư nông nghiệp giúp phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm, từ đó nâng cao trách nhiệm và đảm bảo sự tuân thủ quy định liên quan đến kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-an-toan-tren-cay-co-mui-va-xoai/342085.html