Sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường

Sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại quỹ bảo vệ môi trường là một trong những quy định quan trọng của Thông tư số 57/2024/TT-BTC ngày 01/8/2024 của Bộ Tài chính mà các tổ chức, cá nhân liên quan cần nắm rõ để thực hiện kể từ ngày 14/9/2024.

Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ phải được thực hiện công khai, minh bạch.

Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ phải được thực hiện công khai, minh bạch.

Theo khoản 3, Điều 3, Thông tư số 57/2024/TT-BTC ngày 01/8/2024, “tiền ký quỹ” là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Về nguyên tắc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ, theo Điều 5, Thông tư số 57/2024/TT-BTC, tiền ký quỹ phải được bên nhận ký quỹ quản lý và sử dụng trên nguyên tắc: Bảo toàn vốn gốc, trả tiền lãi ký quỹ theo đúng quy định tại Thông tư này và pháp luật liên quan; Bên nhận ký quỹ phải tự cân đối bù đắp chi phí quản lý cho hoạt động nhận ký quỹ. Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ phải được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Về sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại quỹ bảo vệ môi trường, kể từ ngày 14/9/2024 được quy định như sau:

Thứ nhất, đối với hoàn trả tiền ký quỹ, bên nhận ký quỹ phải hoàn trả tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ cho bên ký quỹ hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan theo quy định tại khoản 7, khoản 9 Điều 37 và điểm d khoản 4, khoản 5 Điều 76 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (nếu có) và quy chế nội bộ về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ.

Thứ hai, bên nhận ký quỹ không được sử dụng tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ để cho vay và thực hiện các mục đích khác ngoài quy định tại Thông tư này.

Thứ ba, đối với việc sử dụng tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ, theo quy định, toàn bộ tiền lãi phải thu gửi ngân hàng thương mại phát sinh từ gửi tiền ký quỹ theo quy định tại Thông tư này và pháp luật liên quan được hạch toán vào doanh thu hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ. Toàn bộ tiền lãi ký quỹ bên nhận ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ theo quy định tại Thông tư này và pháp luật liên quan được hạch toán vào chi phí hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ.

Các cơ quan quản lý cũng lưu ý, việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ phải được thuyết minh chi tiết tình hình tăng, giảm trong Báo cáo tài chính hằng năm của bên nhận ký quỹ. Bên nhận ký quỹ phải thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính hằng năm theo quy định của pháp luật. Việc kiểm toán, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cũng theo quy định tại Thông tư số 57/2024/TT-BTC ngày 01/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ đối với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, đảm bảo việc giải ngân, sử dụng tiền ký quỹ đúng quy định. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ đối với Quỹ Bảo vệ môi trường cấp tỉnh, thành phố, đảm bảo việc giải ngân, sử dụng tiền ký quỹ đúng quy định.

PV. (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-dung-tien-ky-quy-cai-tao-phuc-hoi-moi-truong.html