Sự dung tục khi vẽ Hồ Xuân Hương không chỉ liên quan đến tính dục
Cho rằng một số tác phẩm thuộc triển lãm 'Cõi Hồ Xuân Hương' có tính nghệ thuật không cao, giám tuyển Như Huy chỉ ra ranh giới giữa nghệ thuật và sự dung tục.
Mới đây, triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan đã đóng cửa sau khi dư luận lên tiếng về một số bức tranh bị cho là phản cảm. Sự việc này đặt ra vấn đề về ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật; về vai trò của hội đồng nghệ thuật khi tuyển chọn, thẩm định tác phẩm cho một triển lãm; về nâng cao kiến thức trong thưởng thức tác phẩm…
Dưới con mắt một giám tuyển nghệ thuật, người dịch một số đầu sách nghệ thuật, nghệ sĩ Như Huy nêu quan điểm chuyên môn về những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của công chúng.
Tranh chỉ dừng ở mức độ tô màu, sử dụng chất liệu chưa tinh tế
- Gần đây, một số tác phẩm thuộc triển lãm tranh “Cõi Hồ Xuân Hương” đã bị dư luận chỉ trích. Anh nhận xét thế nào về tranh ở triển lãm này?
- Rất tiếc là tôi chưa được xem trực tiếp triển lãm này. Tuy nhiên, tôi cũng đã được xem gián tiếp trên các phương tiện truyền thông đại chúng một số bức tranh trong triển lãm ấy, đặc biệt là các bức được cho là bị yêu cầu hạ xuống sau khi đã được thẩm định.
Theo tôi ở đây, có 3 chủ đề có thể được xem xét. Chủ đề thứ nhất, đó là chủ đề hình thức nghệ thuật của các bức tranh; chủ đề thứ hai, đó là chủ đề nội dung thông điệp văn hóa, xã hội của các bức tranh; chủ đề thứ ba, đó là chủ đề về việc thẩm định các bức tranh này.
Với chủ đề hình thức nghệ thuật, thì theo đánh giá của riêng tôi, các bức tranh có tính nghệ thuật không cao. Cách sử dụng chất liệu theo tôi là chưa tinh tế, và làm nổi bật được bản tính của chất liệu.
Triết gia Adorno đã nói, đại loại, người nghệ sĩ giỏi là người hiểu rõ chất liệu và khiến nó tự cất lời, tức là anh phải tuân theo đòi hỏi của chất liệu chứ không phải ngược lại, và vì thế, sức mạnh của tác phẩm phải nằm ở tính độc lập của chất liệu chứ không phải ở các thông điệp áp đặt của nghệ sĩ, hiểu theo nghĩa bất chấp hay hủy giải đi bản tính độc lập của chất liệu.
Nói nôm na, trong nghệ thuật, ta phân biệt giữa hai kiểu thực hành, đó là vẽ và tô màu. Vẽ, có nghĩa là ta tiếp cận với bức tranh từ góc độ ta chìm vào đặc tính của chất liệu để khám phá nó, và để nó khám phá ta trong một hành trình sáng tạo có cả tính vô thức lẫn ý thức. Còn tô màu, thì đó là khi ta đứng ra ngoài chất liệu, để chỉ minh họa cho các ý tưởng có sẵn về các màu sắc. Ở đây, chất liệu đã biến mất, chỉ còn màu sắc.
Ở góc độ này, ta thấy Nguyễn Phan Chánh đã làm cho chất liệu lụa lên tiếng, Nguyễn Tư Nghiêm đã làm cho chất liệu bột màu lên tiếng, và Nguyễn Gia Trí đã làm cho chất liệu sơn mài lên tiếng.
Các bức tranh vẽ Hồ Xuân Hương mà tôi được xem trên phương tiện truyền thông đại chúng không cho tôi thấy được cách họa sĩ hiểu về tính đặc thù của chất liệu acrylic mà họ sử dụng.
Thực tế là cách vẽ này thì có thể áp dụng cho mọi chất liệu khác nhau chứ không riêng gì acrylic. Theo thiển ý của tôi, thì các bức tranh đó mới chỉ dừng ở mức độ tô màu, chứ chưa đạt tới mức độ chìm đắm vào chất liệu, như kể trên.
- Ở các triển lãm, trước khi tranh trưng bày, các tác phẩm đã qua hội đồng nghệ thuật thẩm định. Anh có đánh giá gì về khâu thẩm định tranh của triển lãm hiện nay?
- Theo tôi hiểu, ở đây là câu hỏi về chủ đề thẩm định nghệ thuật. Câu hỏi có lẽ cần đặt ra ở đây, đó là thẩm định như thế nào, theo tiêu chuẩn gì, và các tiêu chuẩn có nhất quán hay có rõ ràng minh bạch hay không.
Theo tôi, với triển lãm ta đang bàn, chắc chắn đã có sự thiếu nhất quán và rõ ràng trong các tiêu chuẩn dùng để thẩm định. Hệ quả nằm ở việc đã chấp nhận cho treo rồi, sau đó lại yêu cầu hạ một vài bức, dẫn đến triển lãm đóng cửa trước thời hạn.
Theo tôi, tình trạng lý tưởng nhất chính là nên công khai các tiêu chuẩn thẩm định nghệ thuật hay văn hóa cho mọi người đều hiểu và thấy rõ, để khi họ được trưng bày hay không được trưng bày thì họ hoàn toàn hiểu rõ lý do vì sao.
Khi bản tính của chất liệu bị đè bẹp, sự dung tục sẽ lên ngôi
- Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng được một số họa sĩ như Bùi Xuân Phái, Lê Lam... khắc họa. Theo anh, vì sao tranh của họ được công chúng đón nhận?
- Chúng ta đều biết Hồ Xuân Hương là một nhân vật phức tạp về mặt văn hóa ra sao trong không gian nghệ thuật, xã hội, chính trị và văn hóa Việt Nam.
Nếu như hình tượng Hồ Xuân Hương - có vẻ đã có sự đồng thuận chung trong cả quan niệm xã hội phổ cập lẫn quan niệm nghiên cứu chuyên sâu - là một nhân vật có tính thách thức các tiêu chuẩn văn hóa truyền thống, thậm chí tới mức cách mạng, thì con người thực của Hồ Xuân Hương vẫn còn là một tồn nghi trong giới nghiên cứu lịch sử.
Chính biên độ rộng và mờ này giữa sự thật lịch sử về con người Hồ Xuân Hương và tính chân thật của hình tượng văn hóa của nhân vật Hồ Xuân Hương đã tạo ra nhiều cách tiếp cận theo nhiều tầng sâu về Hồ Xuân Hương khác nhau, mà phải nói là, cách nào cũng đều có lý.
Với Lê Lam hay Bùi Xuân Phái, [...] điều ta thấy còn là các giải pháp thẩm mỹ dựa trên sự am hiểu chất liệu của các họa sĩ bậc thầy, và đây là điều mà theo tôi, triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” chưa có được.
Giám tuyển Như Huy
Ở đây, theo quan điểm của tôi, cách tiếp cận về mặt dục tính là một cách tiếp cận dễ hiểu nhất song cũng là một cách tiếp cận đơn sơ nhất. Bất kỳ ai từng đọc một số bài thơ được cho là của Hồ Xuân Hương đều chắc chắn sẽ dẫn đến ý nghĩa này.
Tuy nhiên, văn bản văn chương không chỉ là sự mô tả nội dung đơn sơ, hiểu theo nghĩa, nếu Hồ Xuân Hương (giả dụ vậy) nói về “đóng cọc”, hay “cờ người” hay “đánh đu” thì ta có thể xác định ngay Hồ Xuân Hương là một con người muốn cách mạng tình dục.
Bề mặt nội dung của văn bản văn chương luôn là tầng đơn sơ nhất trong con đường tiếp cận chân lý văn hóa xã hội. Nói khác đi, chính cái bề mặt “đóng cọc” hay “cờ người” hay “đánh đu” thậm chí còn có thể dẫn ta tới vô số chân lý văn hóa xã hội khác. Chẳng hạn như sự cải biến ngôn ngữ, các yếu tố phân tâm học, hay thậm chí sự đối lập đại tự sự của nền nghệ thuật chính thống với tinh thần “hậu hiện đại” của nền nghệ thuật bên lề...
Nói như thế để thấy rằng có rất nhiều cách tiếp cận hình tượng Hồ Xuân Hương. Rõ ràng ngay cả trong hội họa ta cũng thấy có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn, với Bùi Xuân Phái, nhân vật Hồ Xuân Hương mang tính dân gian và có các sự thô tháp, thậm chí tới mức khiêu khích về hình thể, đối lập lại với không gian thẩm mỹ kiểu cách và có tính chuẩn mực kiểu chính thống. Trong khi với Lê Lam, Hồ Xuân Hương lại hiện ra như một vẻ đẹp theo kiểu phương Tây trong trang phục yếm áo Việt Nam, tạo nên một cách nhìn kiểu hiện đại về nhân vật Hồ Xuân Hương.
Dĩ nhiên, tôi xin nhắc lại, với Lê Lam hay Bùi Xuân Phái, ta không chỉ thấy Hồ Xuân Hương, như một chủ đề văn chương hay cách tân xã hội. Điều ta thấy còn là các giải pháp thẩm mỹ dựa trên sự am hiểu chất liệu của các họa sĩ bậc thầy, và đây là điều mà theo tôi, triển lãm chúng ta đang bàn tới ở đây chưa có được.
- Tại sao hình tượng Hồ Xuân Hương khi trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật lại dễ gây ra những tranh luận? Trong vai trò một nhà thơ, anh đánh giá như thế nào về thơ ca Hồ Xuân Hương?
- Việc hình tượng Hồ Xuân Hương gây tranh luận theo tôi không có gì khó hiểu. Như ta thấy, biên độ rộng giữa tính hư cấu và sự thật lịch sử, biên độ rộng giữa khát vọng tự do của cái văn hóa ngoài lề ngoài luồng của tầng lớp dân lao động và nền văn hóa nghệ thuật tinh hoa hay chính thống thuộc triều đình đã khiến cho nhân vật Hồ Xuân Hương trở thành một trong những nhân vật thú vị và đặc sắc trong không gian văn hóa nghệ thuật Việt Nam, thậm chí theo kiểu như một nhân vật hư cấu hoàn toàn như Trạng Quỳnh.
Ai cũng thấy Hồ Xuân Hương gần gũi ở một điểm nào đó; ai cũng có thể bàn về Hồ Xuân Hương ở một điểm nào đó; ai cũng thuộc một vài câu thơ nào đó (được cho là) của Hồ Xuân Hương; và rồi ai cũng thấy mình trong Hồ Xuân Hương ở nhiều khoảnh khắc và quan niệm.
Hồ Xuân Hương đã trở nên một canon (bộ chuẩn tắc), và chính vì lẽ ấy, bất kỳ khi nào câu chuyện về Hồ Xuân Hương được khơi lên, thì nó đều kéo theo mối quan tâm lớn của xã hội.
Đặc biệt là khi cái tinh thần phóng khoáng, tự do, nôm na, và tất nhiên các khía cạnh tình dục và tính dục trong ngôn ngữ của bộ chuẩn tắc Hồ Xuân Hương được tiếp cận từ góc độ nghệ thuật thị giác, chuyện gây tranh cãi là đương nhiên.
- Theo anh, đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục khi người nghệ sĩ vẽ tranh khỏa thân?
- Như đã nói ở trên, với nghệ thuật, khi chất liệu còn có tiếng nói riêng, khi bản tính chất liệu còn được bộc lộ, thì đó là khi nghệ thuật lên ngôi. Còn khi bản tính của chất liệu, tiếng nói của chất liệu bị đè bẹp, thì đó là khi sự dung tục lên ngôi.
Cần lưu ý rằng, sự dung tục ở đây không chỉ liên quan đến tính dục hay tình dục. Thậm chí một bức tranh vẽ với đề tài trung tính nhất, như một bình hoa chẳng hạn, cũng có thể trở nên dung tục một khi ngôn ngữ của chất liệu bị đè bẹp và làm cho câm lặng.
Ranh giới duy nhất của nghệ thuật theo tôi không phải ở đề tài, mà ở cách nghệ sĩ tiếp cận với đề tài. Bùi Xuân Phái cũng vẽ Hồ Xuân Hương khỏa thân đó, sao ta không thấy “dung tục”?
Thật ra đó là vì Bùi Xuân Phái đã để cho ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ chất liệu lên tiếng. Hay nói đúng hơn, ông có khả năng để cho ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ chất liệu lên tiếng.
Như Huy (Nguyễn Như Huy) sinh tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, là một nghệ sĩ thị giác, giám tuyển nghệ thuật, đồng thời là một nhà thơ, một dịch giả. Anh từng giám tuyển cho nhiều triển lãm trong và ngoài nước, dịch nhiều đầu sách về nghệ thuật.
Ba cuốn sách nghệ sĩ Như Huy dịch:
Thế mà là nghệ thuật ư? (Tên khác, cùng nội dung: Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật; But is it art?, Cynthia Freeland, Như Huy dịch, Nhà xuất bản Tri Thức, 2008). Sách trình bày cách các lý thuyết nghệ thuật từ hiện đại đến đương đại vận hành, và cách diễn giải/hiểu một tác phẩm nghệ thuật từ hiện đại đến đương đại.
7 ngày trong thế giới nghệ thuật (Seven days in the art world, Sarah Thornton, Như Huy dịch, Nhà xuất bản Văn học và công ty Đông A, 2016): Cuốn này giải thích cách thị trường nghệ thuật vận hành và cách để hiểu lối suy nghĩ và hoạt động của mọi thành phần trong thế giới và thị trường nghệ thuật.
Những cách thấy (Ways of seeing, John Berger, Như Huy dịch, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Phuongnam book, 2017). Cuốn sách cho thấy cách một tác phẩm nghệ thuật mang chứa các thông điệp chính trị, xã hội; đồng thời chỉ cho người đọc cách xem/hiểu một tác phẩm nghệ thuật từ khía cạnh các yếu tố hình ảnh trực tiếp chứ không từ góc độ các yếu tố lịch sử nghệ thuật hay phong cách nghệ thuật.