Sử dụng ứng dụng i-Speed để nâng cao chất lượng dịch vụ di động 4G
Công cụ i-Speed cho phép người sử dụng tự đo tốc độ, đánh giá chất lượng dịch vụ truy nhập internet băng rộng mọi thời điểm, trên cơ sở dữ liệu thu thập được các doanh nghiệp sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng để cung cấp chất lượng dịch vụ phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 36/QĐ-TTg, ngày 11/01/2024, trong đó yêu cầu phát triển đến năm 2025 mạng băng rộng di động đáp ứng quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ với mục tiêu tốc độ tài xuống trung bình tối thiểu 40 Mbps cho mạng 4G.
Để đánh giá hiện trạng hạ tầng và dịch vụ viễn thông, đặc biệt là dịch vụ truy nhập internet băng rộng, ngày 30/5/2024, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã công bố thông tin về tốc độ dịch vụ truy nhập internet theo từng tỉnh/thành phố trong 12 tháng (đến tháng 4/2024) từ hệ thống đo tốc độ truy cập internet bằng công cụ (app) i-Speed do Trung tâm internet Việt Nam phát triển;
Công cụ i-Speed cho phép người sử dụng (người dân/tổ chức/doanh nghiệp) tự đo tốc độ, đánh giá chất lượng dịch vụ truy nhập internet băng rộng mọi thời điểm, trên cơ sở dữ liệu thu thập được các doanh nghiệp sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng để cung cấp chất lượng dịch vụ phù hợp với nhu cầu đáp ứng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số của địa phương và trên toàn quốc;
Qua số liệu thống kê tính đến tháng 4/2024 (băng rộng cố định: https://speedtest.vn/thong-ke-co-dinh; băng rộng di động: https://speedtest.vn/thong-ke-di-)tốc độ tải dữ liệu đường xuống trung bình của dịch vụ truy nhập internet băng rộng di động 4G tại nhiều địa phương đang ở mức thấp (ví dụ: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng,...) đều dưới 40 Mbps, thậm chí có địa phương dưới 25 Mbps, không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số và định hướng quy hoạch Ngành tại Quyết định số 36/QĐ-TTg, ngày 11/01/2024. Tuy nhiên đây mới chỉ là đánh giá sơ bộ, để đánh giá chính xác chất lượng dịch vụ thì phải tăng số lượng đánh giá của người sử dụng ở mọi thời điểm và mọi vị trí, phân bố đều trên toàn quốc.
Để có dữ liệu về hiện trạng chất lượng dịch vụ truy nhập internet băng rộng (đặc biệt là dịch vụ truy nhập onternet băng rộng di động 4G), Bộ TT-TT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan báo chí địa phương vận động công chức, viên chức, đoàn thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng chủ động cài đặt và sử dụng công cụ i-Speed, đồng thời tham gia hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng công cụ i-Speed để đo lường, đánh giá chất lượng dịch vụ internet di động 4G;
Các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở,... tổ chức tuyên truyền, vận động người dân cài đặt và sử dụng công cụ i-Speed để đo lường, đánh giá chất lượng dịch vụ truy nhập internet băng rộng di động 4G.
Sở TT-TT tổng hợp kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về việc cài đặt và sử dụng công cụ i-Speed. Định kỳ ngày 15 hàng tháng báo cáo Bộ TT-TT (Cục Viễn thông) để Bộ TT-TT có số liệu chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ truy nhập internet di động 4G, đảm bảo tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mbps ở mọi khu vực trên địa bàn tỉnh/thành phố.
Hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) chi tiết trên website https://speedtest.vn/gioi-thieu
Hệ thống đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam (VNNIC Internet Speed) là sản phẩm được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, phát triển dùng để đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam thông qua trải nghiệm người dùng.
Người dùng có thể đo tốc độ truy cập Internet của mình qua Ứng dụng i-Speed by VNNIC (i-Speed) trên các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android, iOS hoặc trên Website https://speedtest.vn, https://i-speed.vn.
Là hệ thống đo trung lập, VNNIC Internet Speed phản ánh trung thực kết quả đo tốc độ truy cập Internet của người dùng. Người dùng Internet tại Việt Nam được chủ động lựa chọn điểm đo, thực hiện đo, và tự đánh giá tốc độ truy cập Internet của mình với các thông số: tốc độ tải xuống (Download), tốc độ tải lên (Upload), thời gian trễ (Ping, Jitter: đo qua giao thức http).
Dữ liệu đo từ người dùng sẽ đóng góp xây dựng cơ sở dữ liệu về tốc độ, chất lượng truy cập Internet, trải nghiệm của người dùng; hỗ trợ tốt công tác quản lý nhà nước, phát triển mạng Internet Việt Nam, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ Internet của doanh nghiệp cung cấp cho người sử dụng.