Sứ giả lông vũ của thời gian
Ký ức của Delia Falconer về loài chim vô cùng sống động. Thời còn ở vùng nông thôn nghèo khó, cô bé thường ngồi trước bậc thềm nhà nhìn ngắm lũ chim sẻ từ từ nhặt thóc trên sân.
Con vẹt của ông ngoại nhảy từng bước chậm rãi, kêu lên mấy tiếng kì quặc phá tan bầu không gian tĩnh lặng. Thi thoảng, có con chim ác là bay lại, với cú đột kích từ trên cao, khiến bất cứ ai cũng phải giật mình.
Thế giới của cảm xúc
Delia Falconer nhìn vào những bức ảnh cô chụp trong gần 10 năm qua. Những cánh chim mang dáng vẻ khác nhau, ẩn chứa thứ cảm xúc lẫn lộn của thế giới loài người mà chính Delia Falconer là một phần của nó. Niềm vui buổi chiều tà của anh chàng vô gia cư rải thóc cho bầy chim sẻ trên phố, nụ cười giòn tan của cô bé tóc hai bím trước đôi chim câu đang sải cánh bay vút lên không trung.
Trong tâm trí Delia Falconer thuở nhỏ, mọi loài chim đều có thể hình thành tình bạn lâu dài với con người nếu chúng được đối xử đúng mực. Và tiếng hót của loài chim là một thứ âm thanh trầm bổng của tự nhiên, ẩn chứa nhiều vẻ đẹp khó tả, tựa “Nữ hoàng bóng đêm” - được xem là khúc hát nổi tiếng của “Cây sáo thần”, vở opera cuối cùng của Wolfgang Amadeus Mozart.
Đối với nhiều nền văn hóa, hình ảnh loài chim là biểu tượng quan trọng phản ánh cảm xúc của con người. Chúng ta, với khối óc sở hữu năng lực tưởng tượng vượt xa mọi giống loài khác, biến “đám lông vũ biết bay” trở thành sứ giả mang thông điệp cuộc sống. Người Ireland mường tượng mấy chú hải âu cổ rụt mang trong mình linh hồn của những vị linh mục, còn các tôn giáo độc thần Abrahamic xuất phát từ Tây Á trao cho chim bồ câu năng lực của sự soi sáng và thiên khải.
Tự do bay lượn, loài chim trở thành một phần quan trọng của đời sống con người.
Chắc hẳn, chúng ta đã từng nghe về truyền thuyết kể rằng linh hồn mỗi người đều giống một thứ gì đó, có thể là cánh chim, sẽ bay đi rồi lại trở về với người ở lại, dù chỉ trong chốc lát. Cũng giống như cách người La Mã cổ đại coi đại bàng như loài chim thống trị bầu trời, là biểu trưng cho sức mạnh và uy quyền. Chẳng thế mà khi một hoàng đế La Mã qua đời, họ thả một con đại bàng về trời với đức tin linh hồn người đã khuất sẽ mãi được tự do.
Trong “Thế giới ngầm”, tiểu thuyết gia người Mỹ Don DeLillo từng viết về một nữ tu thế này: “... những thứ bé nhỏ với trái tim quạ đen đầy sắt đá, chẳng thể lay chuyển...”. Loài chim đem tới xúc cảm u buồn, cất lên âm thanh trong đêm tối như tiếng chuông nguyện hồn ai đầy lạnh lẽo, vô vọng. Ấy thế mà một nhiếp ảnh gia người Nhật lại trở nên ám ảnh với chúng, khi ô cửa sổ trên chuyến tàu năm 1975 gợi nhắc lại những khung hình đầu tiên về loài quạ.
Suốt 10 năm, Masahise Fukase cố gắng chụp quạ ở bất kỳ nơi đâu trong cuộc sống của ông, từ đỉnh đồi lúc chạng vạng tối, trên mấy nhành cây trơ trọi, đến những bóng đen in hằn trên mặt đường. Người ta tin rằng, những bức ảnh của Masahise Fukase đã trở thành một di sản của nhiếp ảnh hiện đại, ẩn chứa nỗi cô đơn, cùng sự đau thương đến tột cùng chỉ với hình tượng loài quạ mà ít ai muốn lưu lại.
Kẻ sống sót của lịch sử
Loài chim là những kẻ sống sót của lịch sử tiến hóa, vượt qua cuộc đại tuyệt chủng Phấn Trắng-Cổ cận cách đây 65 triệu năm, để hòa nhập với cuộc sống hiện nay. Từ thế kỷ 19, giới khoa học đã luôn hoài nghi liệu chúng có phải đã tiến hóa từ khủng long, khi phát hiện một số dấu vết hóa thạch niên đại 150 triệu năm của Archaeopteryx tại một mỏ đá ở Đức. Một con vật có cơ thể của khủng long, nhưng lại có dấu tích của lông vũ trên đuôi và dọc chi trước. Do đó, con vật này đã được đặt tên là Archaeopteryx, tức “cánh cổ đại”.
Nhiều nhà sinh vật học tìm kiếm nguồn gốc loài chim từ những hóa thạch còn dấu vết lông vũ, liên quan đến Compsognathus (một chi khủng long chân thú đi đứng bằng hai chân), giả định rằng vết tích kỳ quặc ấy hé lộ một thứ sinh vật “chuyển tiếp” giữa bò sát không biết bay và những loài biết bay. Những tranh cãi gay gắt nổ ra, đa phần bác bỏ hoàn toàn sự tồn tại của khái niệm “chuyển tiếp”. Mãi cho tới cuối thế kỷ 20, sự thừa nhận mới dần phổ biến.
Vết tích xương sọ cổ xưa nhất của tổ tiên loài chim hiện đại, được khoa học gọi tên Wonderchicken, hay “gà kỳ diệu”.
Khoa học hiện đại chỉ ra nhiều điểm giống nhau về cơ chế trao đổi chất và cấu trúc giống loài chim của nhiều hóa thạch khủng long, đi đến sự nhất trí rằng các loài chim có nguồn gốc từ khủng long chân thú. Gần 20 năm sau khi phát hiện một mảnh xương nhỏ chĩa ra từ bên trong một hòn đá ở biên giới Bỉ - Hà Lan, khoa học mới biết đó chính là xương sọ cổ xưa nhất của tổ tiên loài chim hiện đại, và đặt cho nó cái tên mỹ miều Wonderchicken, hay “gà kỳ diệu”.
Delia Falconer đọc lại băn khoăn của Darwin, ngạc nhiên với kết luận: rất có thể, đại tuyệt chủng đã buộc tổ tiên loài chim tiến hóa trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, ăn những miếng vụn còn sót lại sau tàn dư phá hủy để tồn tại, dẫn đến nhiều loài mới tiếp tục sải cánh trên bầu trời như hiện nay. Dấu vết Archaeopteryx và Compsognathus như một loại xúc tác mạnh, đã củng cố lý thuyết “Nguồn gốc các loài” của Darwin, trở thành một phần chìa khóa của khám phá nguồn gốc loài chim, cũng như các hóa thạch “chuyển tiếp” và tiến hóa.
Delia Falconer lật lại những nghiên cứu về sinh vật, miêu tả sống động những cấu trúc giống loài chim hiện đại cả trong lẫn ngoài của vài hóa thạch khủng long cổ đại. Chúng bay được, dù quãng đường ngắn, não biết cách điều hướng và có năng lực ghi nhớ. Chúng thống trị không gian bên ngoài, còn tổ tiên loài người - những loài thú có vú cổ đại nhỏ bé, ăn sâu bọ, sống về đêm - lại ẩn mình trong hang động.
Hai thái cực hoàn toàn đối lập, khi nói về những kẻ cùng phải tìm cách sống sót trong một cuộc chơi sinh tồn, dạng “Trò chơi con mực” đang làm mưa gió trên Netflix chẳng hạn. Con người trải qua thử thách chết người đến trò cuối nhận lấy một khoản tiền đổi đời, cũng chính là cách loài chim đánh đổi giống loài để vượt qua cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 5 trong lịch sử Trái Đất, và hiện diện ở thời nay.
Hình ảnh quạ trở thành di sản về nỗi cô đơn và đau thương trong sự nghiệp nhiếp ảnh của Masahise Fukase.
Người bạn đáng quý
Nói vậy chứ khoa học vẫn phải vật lộn với những phát hiện có phần trái khoáy. Hàng trăm mẫu vật đáng kinh ngạc đến từ Trung Quốc cho thấy rất nhiều loài khủng long cũng có lông vũ. Chưa một ai giải thích lông vũ mang chức năng gì. Một lần nữa, có vẻ Darwin đã chính xác khi dự đoán những con khủng long này có quan hệ rất gần so với các loài chim nguyên thủy trên cây tiến hóa. Tuy nhiên, con người vẫn luôn hoài nghi về khoa học, hình thành thói quen diễn giải hành vi thông qua một lăng kính tiến hóa hạn hẹp. Đến cả dân Anh cũng chỉ có chưa đầy 50% người trưởng thành tin vào học thuyết của Darwin.
Với một giảng viên đại học như Delia Falconer, con đường khoa học chạm tới nhận thức luôn bị cản lại bởi niềm tin bản năng của cô. Delia Falconer không thực sự quan tâm quá nhiều tới nguồn gốc, mà chỉ muốn hỏi rằng con người đang làm gì với những “sứ giả lông vũ” ngoài kia? Thực tế, chúng ta đang tận dụng loài chim để truyền tin tới mọi nơi của thế giới, gắn sinh vật này với hình ảnh tự do bay lượn, làm chủ bầu trời rộng lớn.
Từ hàng nghìn năm qua, bồ câu trở thành loài vật quen thuộc giúp con người đưa thư liên lạc. Kinh Thánh viết rằng, Noah là người đầu tiên sử dụng chim bồ câu thu thập tin tức, xem xét tình hình bên ngoài sau trận đại hồng thủy kinh hoàng. Trở về sau bảy ngày, con chim ngậm cành ô liu tươi trên mỏ, ra tín hiệu rằng mặt đất đã hòa bình vì Chúa đã thôi cơn thịnh nộ. Chưa hết, loài chim còn trở thành gián điệp, phục vụ mục đích quân sự dưới thời Thành Cát Tư Hãn hay Napoleon Bonaparte.
Thậm chí, quân đội nhiều nước còn gắn máy ảnh siêu nhỏ lên chim bồ câu để quan sát địa hình và quân địch. Con người tập trung khai thác trí thông minh, đầu óc sử dụng công cụ và biết suy luận của loài quạ thu thập các vật thể nhỏ tại nhiều nơi không thể tiếp cận. Những loài vật này đã được huấn luyện để áp sát mục tiêu, thậm chí còn được dùng để cài cắm các thiết bị vào mục tiêu cần do thám.
Sống sót sau trò chơi tuyệt chủng, loài chim dần trở thành một phần quan trọng của đời sống con người. Tuy vậy, thực tế đang cho thấy nhiều loài dần biến mất, những chuyến di cư 15.000 km của loài chim biển dẽ lưng nâu biến mất vì khói công nghiệp và bùn lầy độc hại. Chúng ta đốt rừng phá hủy ngôi nhà tự nhiên, thả khói làm ngộ độc hệ hô hấp một chiều của loài chim, nhốt chúng trong lồng để mua vui, rồi lấy đi những tiếng hót vốn thường vang lên trong không gian của tự do rừng núi. Delia Falconer cảnh báo loài chim sẽ trở sớm thành “vật hiến tế” dưới bàn tay loài người, nếu chúng ta không mau chóng thay đổi...
Shakespeare làm gì khi dịch bệnh?
Khi công nghệ “mất tích”
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/su-gia-long-vu-cua-thoi-gian-i631687/