Sự giận dữ trong thế giới Hồi giáo?

Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước dân chủ phương Tây, đề cao tự do ngôn luận và cho phép xuất bản những ấn phẩm đả kích nhà tiên tri Hồi giáo. Vậy tại sao Pháp lại bị lựa chọn làm nơi tiến hành các cuộc biểu tình và kêu gọi tẩy chay trên khắp thế giới Hồi giáo, và thường xuyên là mục tiêu để những phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra các vụ tấn công bạo lực đẫm máu chết người?.

Trong bối cảnh nước Pháp đang tăng cường các biện pháp an ninh và tưởng nhớ 3 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công bằng dao tại nhà thờ hôm 29-10 – vụ tấn công mới nhất được cho là của những kẻ Hồi giáo cực đoan trong những năm gần đây – có thể rút ra một số nguyên nhân khiến nước Pháp “nằm trong tầm ngắm.”

Lịch sử

Pháp là quốc gia có số dân Hồi giáo lớn nhất ở Tây Âu, chiếm hơn 5 triệu người trong tổng số 67 triệu dân. Đây là một di sản của quá trình thống trị thuộc địa đối với nhiều vùng đất châu Phi và Trung Đông rộng lớn. Tuy nhiên, những nỗ lực của Pháp nhằm hội nhập những người nhập cư Hồi giáo đang mất phương hướng. Học thuyết không phân biệt chủng tộc chính thức của Pháp dự định bỏ qua những nền tảng dân tộc, tôn giáo và để mọi công dân Pháp có quyền bình đẳng. Trên thực tế, ý tưởng này thường thúc đẩy sự phân biệt chủng tộc đối với những người có ngoại hình, ăn mặc hoặc cầu nguyện khác biệt với đa số người Công giáo xa xưa, chứ không hề ngăn chặn nó.

Những người Hồi giáo hiện diện một cách không cân đối tại những khu vực nghèo nhất nước Pháp và ở những vùng hẻo lánh nhất cũng như tại những nhà tù. Điều đó đã khiến những người bị ruồng bỏ tức giận, vốn coi tổ quốc của họ bất kính đối với những truyền thống Hồi giáo, hoặc đơn giản phân biệt chủng tộc đối với thế giới Arab và những người nhập cư khác đến từ những vùng đất từng làm giàu cho đế chế Pháp.

Trong khi các cuộc tấn công Hồi giáo cực đoan gần đây tại Pháp được tiến hành bởi những phần tử được sinh ra ở nước ngoài, thanh niên sinh ra tại Pháp đứng đằng sau nhiều vụ tấn công đẫm máu tồi tệ nhất gần đây, nhiều tên có liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

An ninh đã được tăng cường trên khắp nước Pháp sau vụ tấn công bằng dao hôm 29-10 ở thành phố Nice. Ảnh tư liệu

An ninh đã được tăng cường trên khắp nước Pháp sau vụ tấn công bằng dao hôm 29-10 ở thành phố Nice. Ảnh tư liệu

Hiện diện quân sự

Pháp duy trì nhiều quyền lực hơn so với Anh tại những thuộc địa cũ của nước này, đặc biệt thông qua các mối quan hệ kinh tế và văn hóa – và điều đó cũng có thể thấy rõ trong cách Pháp triển khai lực lượng quân sự tại nước ngoài.

Trong những năm gần đây, lực lượng Pháp đã can thiệp để chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Mali và Syria, cả hai nước đều là thuộc địa cũ của Pháp. Hàng nghìn binh lính Pháp hiện đang đồn trú tại các thuộc địa cũ tại khu vực Sahel của châu Phi với sứ mệnh tương tự. Sự hiện diện của quân đội Pháp đang làm gia tăng nhu cầu tuyển mộ trực tuyến thường niên từ IS, Al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác để trả thù trên đất Pháp, với hy vọng buộc Pháp phải rút quân.

Chủ nghĩa thế tục hà khắc

Phẫn nộ hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ việc tái bản gần đây của tờ tuần báo biếm họa Pháp Charlie Hebdo trong việc miêu tả chân dung nhà tiên tri Muhammad. Tranh biếm họa nhà sáng lập Hồi giáo đã xúc phạm sâu sắc nhiều người Hồi giáo do họ coi đây là sự “báng bổ thần thánh”. Tuy nhiên, những bài báo biểm họa này ban đầu được xuất bản tại Đan Mạch vào năm 2005 và những hình ảnh tương tự đã được xuất bản công khai tại nhiều nước khác.

Trong khi giới chức Pháp thường nói đất nước họ là mục tiêu bởi vì sự nổi tiếng của nước này như cái nôi của nhân quyền và thành lũy của nền dân chủ toàn cầu, nhưng những cái khiến nước Pháp khác biệt nhất là sự gắn kết bất thường với chủ nghĩa thế tục. Sự hiểu nhầm thường xuyên về chủ nghĩa thế tục của Pháp khắc sâu trong hiến pháp của nước này.

Các cuộc thăm dò dư luận cho biết nước Pháp nằm trong những quốc gia có ít tôn giáo nhất trên thế giới, với rất ít người tham gia lễ cầu nguyện thường xuyên. Chủ nghĩa thế tục được ủng hộ rộng rãi bởi cả những người ở cánh tả và cánh hữu. Ngay khi số người Hồi giáo ở Pháp tăng lên, quốc gia này đã áp đặt những quy định cứng rắn đối với thói quen của họ. Một lệnh cấm ban hành năm 2004 về khăn trùm đầu của người Hồi giáo và những biểu tượng tôn giáo đặc trưng khác tại trường học vẫn gây tranh cãi, nếu như không muốn nói là gây bất bình cho nhiều nước bên ngoài nước Pháp. Một dự luật ban hành năm 2011 về việc cấm sử dụng mạng mặt, một lần nữa lại làm người Hồi giáo cảm thấy bị “bôi nhọ.”

Nước Pháp đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công cực đoan trong những thập kỷ gần đây do những lãnh đạo chính trị trên thế giới, song Tổng thống theo đường lối trung dung Emmanuel Macron hiện đang là mục tiêu đặc biệt. Trong làn sóng các cuộc tấn công cực đoan gần đây, chính phủ của ông đã trục xuất người Hồi giáo bị cáo buộc rao giảng về tư tưởng không khoan dung và cấm hoạt động đối với những nhóm được cho là phá hoại luật lệ và quy tắc của nước Pháp.

Những từ ngữ mà tổng thống sử dụng đã kích động sự phẫn nộ. Trong tuần qua, những người biểu tình đã đốt ảnh chân dung hoặc dẫm chân lên ảnh của ông tại các cuộc biểu tình ở nhiều quốc gia. Phần nào là bởi dự luật do ông Macron đề xuất, dự kiến trừng phạt những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mà ông cho là đang hình thành những cộng đồng chống lại Nhà nước và đe dọa những trụ cột trong xã hội Pháp, trong đó có trường học. Trước đó, ông Macron đã miêu tả đạo Hồi như “một tôn giáo đang gây khủng hoảng trên toàn thế giới”. Và khi những lời kêu gọi biểu tình phản đối nước Pháp gia tăng, ông đã tuyên bố trên trang Tweeter: “Chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ.”

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/su-gian-du-trong-the-gioi-hoi-giao-216150.html