Sự 'hà tiện' của người Pháp làm khổ VĐV

Carlos Yolo của Philippines làm nức lòng người hâm mộ Đông Nam Á khi đoạt 2 HCV thể dục dụng cụ. Thế nhưng, trên mạng xã hội, fan của châu Âu không hài lòng khi cho rằng chính Olympic không điều hòa khiến các VĐV xứ ôn đới thi đấu dưới sức.

Những nhận xét đó chỉ mang tính chủ quan, nhưng không phải hoàn toàn vô căn cứ. Với các VĐV xứ lạnh vốn là bậc thầy trong bộ môn thể dục dụng cụ, mất ngủ khiến họ khó thi đấu với phong độ cao.

Gần đây, tấm ảnh VĐV đoạt HCV bơi lội Thomas Ceccon phải ngủ trưa trong một công viên ở Paris như một kẻ vô gia cư gây bão mạng. Kình ngư Ceccon giành HCV ở nội dung bơi ngửa 100 mét nam tuần trước chính là người tuyên bố rằng "tôi khó ngủ cả vào ban đêm và buổi chiều tại làng Olympic”.

Nỗi khổ không chỉ của kình ngư Italy

Ceccon lúc đó nói thẳng: "Không có máy điều hòa trong làng Olympic, trời thì nóng, đồ ăn thì tệ. Nhiều VĐV bỏ (làng) vì điều này. Đó không phải là lời biện hộ hay cái cớ, đó chính là thực tế mà có lẽ không phải ai cũng biết. Thông thường, khi ở nhà, tôi luôn ngủ vào buổi chiều. Ở đây, tôi thực sự vật lộn giữa cái nóng và tiếng ồn".

Khi kình ngư Italy nói vậy vào tuần trước, chẳng mấy ai bận tâm vì Olympic lần này có quá nhiều thứ để phàn nàn, "kịch tính" - mà ngay ở Italy thì người ta còn tranh cãi việc nữ võ sĩ Angela Carini bị tay đấm đầy nam tính Imane Khelif của Algeria loại.

Trăm lời than phiền của Ceccon không bằng tấm ảnh mang tính hiện thực xã hội. Nó lan truyền trên mạng xã hội cho thấy kình ngư người Italy đang thực hiện biện pháp cực đoan để được nghỉ ngơi, đó là ra công viên tranh chỗ ngủ của người vô gia cư.

Hình ảnh Ceccon nằm co ro trên chiếc khăn tắm trải ở bãi cỏ nấp sau một chiếc ghế hoàn toàn tương phản với vẻ đẹp nam thần của anh, khi thực hiện xong bài bơi hay đứng trên bục khoe huy chương vàng. Chính sự tương phản đó càng làm hiệu ứng lan tỏa mạnh trên mạng. Lúc này, người ta mới nhớ ra nhiều VĐV khác than phiền về điều kiện ăn ở tại làng Olympic.

 Ceccon phải đi ngủ bụi.

Ceccon phải đi ngủ bụi.

Sau khi giành huy chương vàng Olympic ở nội dung 400 mét tự do, nữ VĐV bơi lội người Australia, Titmus cảm thấy cô có thể phá kỷ lục thế giới nếu được ăn ở tốt hơn.

Titmus nói thẳng: “Sống ở làng Olympic khiến tôi khó có thể thể hiện phong độ tốt. Chắc chắn nơi này không dành cho thể thao thành tích cao, vì vậy vấn đề là ai thực sự có thể giữ được sự tập trung trong tâm trí”.

Tại sao các VĐV thi nhau phàn nàn về điều kiện tồi tệ tại làng Olympic?

Nước Pháp không thiếu nguồn lực để tạo ra một kỳ Olympic tiện nghi. Song, Ban tổ chức lần này đặt tham vọng to lớn về việc tạo ra Thế vận hội xanh nhất từ trước đến giờ.

Trong bối cảnh trái đất ngày càng nóng lên, các kỳ Olympic bị chỉ trích là sự kiện gây ô nhiễm. London 2012 và Rio 2016 là 2 kỳ ô nhiễm cao nhất trong lịch sử khi thải ra lượng khí tương đương hơn 3 triệu tấn CO₂ (Olympic 2020 tại Nhật diễn ra trong thời gian Covid-19 nên không có khách ngoại quốc). Ban tổ chức Paris 2024 đặt mục tiêu thải dưới 1,6 triệu tấn CO₂ nên họ chắt bóp mọi thứ có thể giảm khí thải.

Trong số những thứ bị cắt giảm có cả máy lạnh vì thiết bị này tốn nhiều điện và thải khí nhà kính. Người Pháp đặt niềm tin vào hệ thống làm mát tự nhiên khi xây làng Olympic trên hệ thống đường ống nước ngầm với những dòng nước lạnh tự nhiên. Họ kỳ vọng hệ thống này giúp nhiệt độ trong phòng ở làng Olympic giảm khoảng 6 độ C so với bên ngoài.

 Phòng VĐV chỉ có quạt.

Phòng VĐV chỉ có quạt.

Tuy nhiên, kế hoạch này phá sản ngay khi người Mỹ đặt chân tới. Không tin những lời của người Pháp, đoàn Mỹ tự lắp điều hòa riêng phục vụ riêng cho VĐV của họ. Các đoàn giàu có khác cũng theo gương và tạo ra sự bất công với các nước kém phát triển.

Ban tổ chức Paris phải chữa cháy bằng việc đặt 2.500 máy điều hòa di động phục vụ làng Olympic. Thế nhưng, động thái này chẳng những khiến kế hoạch “nói không với máy lạnh” của họ bị đảo lộn mà cũng không tạo ra không khí mát mẻ bao trùm làng Olympic. Vì thế mới diễn ra cảnh Ceccon đi ngủ bụi làm mất mặt chủ nhà.

Cũng do biến đổi khí hậu mà Paris hè này hứa hẹn sẽ trải qua một kỳ nóng bức vô cùng. Năm ngoái, nước Pháp trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử và người ta dự đoán tháng 8 năm nay, Paris bước vào cao điểm nắng nóng.

Đáng ra ban tổ chức nên lường trước để có những động thái đối phó linh động chứ không phải bằng biện pháp cực đoan. Chẳng hạn, họ có thể cung cấp điều hòa cài đặt chế độ không thể giảm dưới 26 độ C.

Đồng thời, ban tổ chức có thể lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường bằng việc kêu gọi VĐV sau khi đoạt huy chương thì trồng một chậu cây xanh hay hành động tượng trưng tương tự. Suy cho cùng, giúp trái đất không nóng lên thì không thể trông chờ vào biện pháp cực đoan từ một kỳ Olympic mà phải từ sự đồng lòng hưởng ứng của toàn nhân loại.

Có lẽ để tạo ra Olympic xanh hơn sau này thì IOC cần cân nhắc địa điểm tổ chức là nơi có thời tiết mát mẻ như Bắc Âu hay thời điểm tổ chức là những tháng mùa thu - đông thay vì nhồi nhét nhiều người vào một khu rồi không cấp đủ máy lạnh.

Anh Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/vdv-thi-dau-duoi-suc-vi-btc-olympic-qua-ha-tien-post1490072.html