Sứ Hải Dương tìm đường trở lại

Bát đĩa, ấm chén Sứ Hải Dương một thời là những đồ dùng xa xỉ, nhiều người sưu tầm, cất giữ trong tủ như của quý thay vì lấy ra sử dụng hằng ngày. Nhưng khi thị trường thay đổi, nhiều thương hiệu mới ra đời, câu chuyện đã khác.

Dư âm một thời hoàng kim

Thời bao cấp, ấm chén bát đĩa chủ yếu là hàng thủ công, kém thẩm mỹ, dầy, men đục. Ngược lại, đồ sứ Hải Dương được ví như hàng cao cấp, men trắng muốt, bóng loáng nổi hoa văn lung linh đa màu sắc. Nhiều gia đình thời đó cất bát đĩa, ấm chén sứ Hải Dương để dành khi nào có khách quý, ngày lễ, Tết mới mang ra dùng, dùng xong lại cất vào tủ.

Bà Phạm Thị Thế (phải), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương cho biết đang tìm hướng đi mới để sứ Hải Dương phát triển.

Bà Phạm Thị Thế (phải), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương cho biết đang tìm hướng đi mới để sứ Hải Dương phát triển.

Anh Nguyễn Hoàng Huy (TP Hải Dương) kể, anh sinh ra và lớn lên tại Hải Dương trong một gia đình công chức. Trong lần đi họp, bố anh được tặng bộ ấm trà sứ Hải Dương. Ông vừa mang về, cả xóm xúm lại xem. Bên trong hộp bộ ấm chén 14 món (1 ấm, 6 chén, 7 đĩa) đẹp long lanh, hoa văn nổi bật trên nền sứ trắng.

"Mọi người chưa kịp xem, ông đã đóng nắp hộp cẩn thận, nhẹ nhàng cất vào tủ", anh Huy kể.

Sau này, gia đình anh sắm và cất giữ được thêm nhiều đồ sứ Hải Dương như bát, đĩa, một vài bộ ấm chén với nhiều kiểu hoa văn cách điệu khác nhau từ nguyên mẫu hoa sen, hoa hồng, tỉ muội...

Ông cụ thân sinh ra anh đã mất nhiều năm, nhưng những đồ dùng từ sứ Hải Dương vẫn được thế hệ hậu sinh như anh cất giữ cẩn thận, nâng niu.

Bà Vũ Thị Minh Huệ, Chủ tịch Công đoàn sứ Hải Dương cũng chia sẻ, sứ Hải Dương không chỉ là món đồ vật chất đơn thuần mà còn là tấm gương phản chiếu một phần cuộc sống, là những mảnh ghép ký ức bà nâng niu và trân trọng.

Tụt hậu do không theo kịp thị trường

Tuy nhiên, theo bà Huệ, sau thời kỳ bao cấp, sứ Hải Dương không thể bắt nhịp kinh tế thị trường, dần chìm vào khó khăn, sản phẩm gần như biến mất trên thị trường.

Sản phẩm của Sứ Hải Dương.

Sản phẩm của Sứ Hải Dương.

"Giai đoạn 2014 - 2015, sứ Hải Dương đạt doanh thu hơn trăm tỷ đồng. Nhưng từ đó, doanh nghiệp không có lãi. Doanh thu giảm, lao động nghỉ việc, có khi 70 - 80 người nghỉ cùng lúc", bà Huệ cho hay.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam đến các thị trường đạt 317,04 triệu USD, tăng 9,51% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đồ gốm sứ Việt Nam với kim ngạch đạt 81 triệu USD, tăng 55,70% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 25,5% thị phần; riêng trong tháng 6, thị trường Mỹ nhập khẩu 12,94 triệu USD sản phẩm gốm sứ từ Việt Nam, tăng 38,54% so với tháng 5/2024.

Để phục hồi sản xuất, năm 2016, sứ Hải Dương đầu tư dây chuyền sản xuất thành hình công nghệ Nhật Bản giá hơn 15 tỷ đồng với kỳ vọng ra đời các sản phẩm chất lượng cao phù hợp xu hướng mới của thị trường.

Doanh nghiệp tái cơ cấu, giảm quy mô sản xuất từ 3 dây chuyền xuống 1 dây chuyền, từ 1.320 dòng sản phẩm xuống 44 dòng sản phẩm, thu hẹp thị trường phân phối.

Chia sẻ về sản phẩm sứ Hải Dương, bà Phạm Thị Thế, Tổng giám đốc công ty cho biết, đồ sứ Hải Dương sản xuất bền, đanh, nhiều khi rơi nhưng không vỡ bởi được nung ở nhiệt độ cao, giúp khả năng kết khối tốt hơn những dòng sứ nung ở nhiệt độ thấp.

Hoa văn sứ Hải Dương làm theo kỹ thuật dán decal trên men được làm từ các loại màu an toàn nhập khẩu từ Nhật Bản nên màu in không bị phai, không bong, an toàn vệ sinh thực phẩm và dùng được trong lò vi sóng. Sứ Hải Dương được biết đến là sản phẩm "xanh", sứ bền sạch, không chì, không thấm thức ăn.

Thế nhưng cuộc cải cách chưa thể giúp sứ Hải Dương hồi phục. Dây chuyền đầu tư mới chỉ đáp ứng được một công đoạn, chưa đồng bộ được tất cả các khâu, nhiều công đoạn còn làm thủ công hoặc thiết bị lạc hậu.

Sản phẩm làm ra chưa thể cạnh tranh với những tên tuổi mới nổi, được đầu tư công nghệ đồng bộ như Long Hầu (Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu), Long Phương (Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Phương).

Tiếp tục thay đổi để phát triển

Bà Phạm Thị Thế cho biết, nếu như năm 2023, doanh nghiệp vẫn còn khoảng 130 người thì nay chỉ còn 30 người. Trong khi đó, việc đào tạo nhân sự mới mất rất nhiều thời gian và chi phí.

Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương phá dỡ chuyển địa điểm mới, nhường chỗ cho dự án trọng điểm.

Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương phá dỡ chuyển địa điểm mới, nhường chỗ cho dự án trọng điểm.

Sứ Hải Dương được định hướng thay đổi cơ cấu sản phẩm, giảm tỷ trọng hàng truyền thống như bát đĩa, ấm chén, tăng tỷ trọng sản phẩm mỹ nghệ giá trị cao, tinh xảo, vẽ thủ công như bình hoa lam tỳ bà, lục bình, đồ phong thủy, đồ gốm...

"Bát đĩa, ấm chén sản xuất theo đơn đặt hàng, sản phẩm giữ cốt lõi sứ Hải Dương nhưng thay đổi hoa văn để phù hợp với yêu cầu, văn hóa địa phương, nơi đặt hàng, giúp sản phẩm tăng được tính cạnh tranh trên thị trường.

Một cặp hoa lam tỳ bà, bình phong thủy trên thị trường đang bán tiền triệu, bát cơm vẫn bán vài nghìn. Sự thay đổi này sẽ giúp doanh số và hiệu quả kinh doanh tăng lên.

Định hướng này cũng giúp doanh nghiệp thu hẹp quy mô, tập trung sản xuất hàng thủ công, thích ứng với điều kiện ít công nhân. Sản xuất hàng thủ công quý hồ tinh, bất quý hồ đa, cần người lành nghề hơn là số lượng", bà Thế nói.

Cũng theo bà Thế, khi doanh nghiệp đi xuống, khoảng 60 nghệ nhân thành danh đã rời đi, tìm việc ở các làng nghề lân cận. Tới đây, sứ Hải Dương tái cơ cấu, sẽ chiêu mộ lại những nghệ nhân này.

"Chúng tôi tin, những nghệ nhân này sẽ quay trở lại gắn bó, cống hiến cho quê nhà, phục hồi sứ Hải Dương, thương hiệu đã tôi luyện theo dòng lịch sử", bà Thế kỳ vọng.

Nhà máy sứ Hải Dương, nay là Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương thành lập ngày 2/9/1960, là một trong 14 nhà máy đầu tiên của nền công nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ.

Tháng 12/2022, Hội đồng nhân dân TP Hải Dương đã có nghị quyết về việc quyết định chủ trương dự án khu đô thị trung tâm phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương. Khu vực này nằm trọn trong khuôn viên của Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương và một số doanh nghiệp khác.

Ngày 31/8/2023, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định thu hồi 8.458m2 đất của Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương để giao UBND TP Hải Dương triển khai xây dựng dự án. Còn Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương di chuyển sang địa điểm mới tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách.

Nguyễn Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/su-hai-duong-tim-duong-tro-lai-192241010184811632.htm