Sự hài lòng của người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong XDNTM

Trong các tiêu chí để được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, có nội dung lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả XDNTM. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng và tương đối khó thực hiện.

Phóng viên: Thưa đồng chí! Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả XDNTM, đồng chí hãy khái quát về công tác này?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuấn Thanh: Việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng để hoàn chỉnh hồ sơ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Hướng dẫn số 90/HD-MTTW-BTT, ngày 20/9/2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả XDNTM. Đồng thời việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân nhằm đánh giá khách quan, thực chất kết quả XDNTM, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong XDNTM; nâng cao trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác vận động, giám sát XDNTM trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương, UB.MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức chặt chẽ và hiệu quả việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Khi tiếp nhận văn bản đề nghị của UBND tỉnh, MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch, chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên, Ban Công tác Mặt trận, các chi đoàn, chi hội triển khai lấy ý kiến đến từng hộ gia đình, từng người dân theo hình thức lấy ý kiến trực tiếp hoặc tổ chức hội nghị lấy ý kiến có sự tham dự của đại diện các hộ gia đình theo tỷ lệ quy định cụ thể đối với lấy ý kiến cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, từ câu số 01 đến câu số 08 phải đạt trung bình từ 90% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng (trong đó, tỷ lệ hài lòng của người dân từng xã đối với kết quả ở từng nội dung phải đạt từ 85% trở lên); câu số 09 phải đạt từ 95% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng.

Phóng viên: Như vậy sau quá trình lấy ý kiến, kết quả đạt được như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuấn Thanh: Việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về đề nghị công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM được thực hiện đối với 35.651/49.515 hộ gia đình (72%) của 122 ấp thuộc 31 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (không tổ chức lấy ý kiến đối với phường, thị trấn). Kết quả, từ câu 01 đến câu 08 đều đạt từ 99,53% đến 99,95% số người được hỏi trả lời hài lòng; trong đó, tỷ lệ hài lòng từng xã đối với kết quả ở từng nội dung đều đạt trên 85% trở lên. Đối với câu 09, đạt 99,90% số người được hỏi trả lời hài lòng; còn 0,10% số người được trả lời chưa hài lòng.

Việc lấy ý kiến hài lòng của người dân thông qua phiếu đánh giá được thực hiện khách quan, đúng quy trình, đảm bảo thời gian, cơ bản đã phản ánh trung thực nhận xét, đánh giá của người dân về kết quả XDNTM của địa phương. Thông qua việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả XDNTM là một trong những kênh thông tin quan trọng để giúp cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng đối với kết quả XDNTM ở từng địa phương, cơ sở.

Phóng viên: Để đạt được kết quả như đồng chí vừa nêu, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh Trà Vinh đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuấn Thanh: Việc triển khai lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM mặc dù đạt kết quả và đánh giá trung thực, khách quan về ý kiến của người dân trong XDNTM, nhưng vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đó là còn một số ít hộ dân chưa nắm được phong trào XDNTM là một quá trình lâu dài, là trách nhiệm của toàn dân, nên còn thể hiện chưa đồng tình với kết quả XDNTM của tỉnh; một số cán bộ được phân công đi lấy ý kiến sự hài lòng của người dân chưa nắm chắt kết quả đạt được trong quá trình XDNTM của toàn tỉnh dẫn đến khi người dân đặt vấn đề về những nội dung chưa hài lòng hoặc còn băn khoăn, lo lắng thì không phân tích, giải thích được.

Phóng viên: Theo đồng chí, đâu là những bài học cần rút ra từ việc thực hiện nhiệm vụ này?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuấn Thanh: Những bài học kinh nghiệm đó là: (1) Triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình việc tổ chức lấy ý kiến, tăng cường giám sát, thẩm định, kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến của người dân, nhằm đảm bảo khách quan, chính xác, minh bạch trong tổ chức thực hiện. (2) Nâng cao chất lượng hình thức lấy ý kiến phân công cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên phát phiếu và lấy ý kiến trực tiếp tại các hộ gia đình. Thường xuyên rà soát, bổ sung, đánh giá quy trình tổ chức lấy ý kiến, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện và kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. (3) Trên cơ sở kết quả tổng hợp qua việc lấy ý kiến, đối với những nội dung, tiêu chí người dân còn băn khoăn, chưa hài lòng, MTTQ tổng hợp, phân tích, rà soát, kiểm tra, đánh giá và có văn bản kiến nghị với chính quyền và ngành chức năng giải quyết, đồng thời có kế hoạch giám sát việc giải quyết các kiến nghị trên. (4) Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương XDNTM, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đưa nhiệm vụ XDNTM thực sự hiệu quả, đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng; kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong XDNTM...

Phóng viên: Xin cảm đồng chí!

BÁ THI (thực hiện)

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/su-hai-long-cua-nguoi-dan-la-mot-trong-nhung-nhiem-vu-quan-trong-trong-xdntm-45526.html