Sự hài lòng trong cuộc sống

Sống giữa cộng đồng, mỗi người có những mối quan hệ khác nhau với những người, với những cơ quan, với địa phương nơi ở. Và hầu như ai cũng thường mong có được trạng thái hài lòng trong những mối quan hệ ấy.

Nói nôm na, thì hài lòng là cảm thấy vừa ý trước một việc, một người, một số người, hay trước một hoạt động, một tình huống nào đó.

Sự hài lòng nhìn từ việc kinh doanh

Ngày nay, việc mua bán đã được các doanh nhân chú ý rất nhiều đến nét tâm lý: Sự hài lòng của khách khi mua hàng. Thu hút khách tìm đến mua, giữ chân khách trở lại nhiều lần về sau nữa, thì rất cần khách hàng thật sự vừa ý. Điều hài lòng đó, do rất nhiều yếu tố tạo nên, từ chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách, giá cả phù hợp, và sự nhã nhặn của người bán hàng trực tiếp tiếp xúc với khách. Sự khéo léo, nhã nhặn trong lời ăn tiếng nói của nhân viên bán hàng, tùy theo độ tuổi của khách mà có sự giải thích, trả lời phù hợp, biểu lộ sự ân cần, kiên nhẫn trong mua bán, sẽ tạo được sự vừa ý trong lòng khách. Và từ đó, sẽ tạo dấu ấn để khách trở lại cửa hàng ấy nhiều lần. Đạt được sự hài lòng của khách, duy trì việc mua bán dài lâu, có lẽ còn yếu tố: Người bán coi trọng chữ tín trong mua bán, làm ăn.

Sự hài lòng nhìn từ các cơ quan

Cơ quan nhà nước là nơi triển khai các hoạt động mọi mặt đến các tầng lớp nhân dân. Cơ quan nhà nước rất cần nắm bắt sự hài lòng của công dân khi người dân đến liên hệ để giải quyết các công việc. Điều quan trọng là sự nắm bắt ấy phản ánh đúng thực chất sự vừa ý của người dân, khi người dân có việc cần đến các cơ quan, đã được các cơ quan giải quyết nhanh chóng thuận lợi.

Trong phạm vi một cơ quan, người lãnh đạo, quản lý rất cần nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân viên dưới quyền. Người quản lý đánh giá đúng hiệu quả công việc của nhân viên, có sự khen thưởng, biểu dương nhân viên đúng theo sự nỗ lực của họ dễ tạo sự đồng thuận trong cơ quan đơn vị, tạo được sự hài lòng của mọi người. Bởi, nếu người lãnh đạo khen thưởng, biểu dương nhân viên không đúng sẽ tạo nét tâm lý không ổn trong anh em cơ quan. Ngoài ra, còn nhìn từ chiều ngược lại. Nhân viên, cán bộ cấp dưới cũng phải hiểu tâm lý người quản lý, điều hành. Nhân viên trong cơ quan làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, tận tâm trong công việc, để việc cơ quan diễn ra thuận lợi trong mọi khâu, sẽ tạo sự hài lòng trong lòng người lãnh đạo.

Sự hài lòng nhìn từ nhà trường

Mối quan hệ bao trùm trong nhà trường đó chính là mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh. Học sinh kính trọng thầy cô, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình: chăm chỉ học tập, chịu khó suy nghĩ, hăng hái thực hiện những công việc thầy cô đưa ra, học tập hiệu quả, sẽ tạo nét tâm lý hài lòng trong thầy cô. Để có thể làm tròn vai trò giảng dạy, giáo dục học sinh, có lẽ, giáo viên cần phải hiểu rõ học sinh của mình. Hiểu sức khỏe, sức học, tâm lý các em để giáo viên có những biện pháp phù hợp trong giảng dạy, trong công tác chủ nhiệm. Nắm rõ khả năng học tập của từng em để có sự giúp đỡ cần thiết, tránh sự chê bai, đánh giá thấp các em. Bởi, khi gặp những cử chỉ, thái độ, lời lẽ chưa thật tế nhị, hoặc thiếu công bằng của thầy cô đối với mình, thì theo lẽ tự nhiên, học sinh có khi sẽ có phản ứng trở lại, thể hiện sự không hài lòng. Sự không hài lòng được đề cập ở đây được hiểu vẫn trong khuôn khổ của sự trân trọng thầy cô. Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cũng cần coi trọng sự hài lòng. Giáo viên tận tình giảng dạy học sinh sẽ tạo sự hài lòng trong phụ huynh. Phụ huynh quan tâm, tích cực phối hợp với các giáo viên trong công tác giáo dục các em sẽ tạo niềm vui trong lòng thầy cô giáo.

Cùng với biết bao mối quan hệ khác trong xã hội, của những người trong những ngành nghề khác, độ tuổi khác nhau, cũng rất cần sự vừa ý khi gặp gỡ, tiếp xúc.

Giữa vô vàn các mối quan hệ trong xã hội ở ngày nay, tìm được những trạng thái hài lòng tương đối có lẽ cũng là niềm mong mỏi của nhiều người.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/su-hai-long-trong-cuoc-song-108689.html