Sự hiện diện dày đặc của các chiến hạm làm 'tăng nguy cơ bắn nhầm' ở Biển Đông
Các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng phô diễn sức mạnh trên Biển Đông, trong khi giới cựu quan chức Đông Nam Á cảnh báo về nguy cơ 'bắn nhầm'.
Phát biểu tại một diễn đàn về Biển Đông ở Tam Á, tỉnh Hải Nam bằng hình thức trực tuyến trong hôm 9/11, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đổ lỗi cho một quốc gia mà ông không nêu đích danh là đã phô diễn sức mạnh cơ bắp và sự thống trị trên biển.
“Chúng ta cần giữ vững chủ nghĩa đa phương và cùng nhau duy trì trật tự hàng hải. Đại dương không phải là một trò chơi cạnh tranh có tổng bằng 0, và không ai được sử dụng đại dương như một công cụ để áp đặt sức mạnh đơn phương” – ông Vương Nghị nói – “Chúng tôi phản đối việc một số quốc gia, vì mục đích bảo vệ sự bá quyền trên biển của họ, đã phô diễn sức mạnh và thành lập bè phái, tiếp tục đe dọa quyền hợp pháp và lợi ích của các nước khác.”
Trung Quốc và Mỹ hiện đang tăng cường sự hiện diện quân sự của họ trên các vùng biển tranh chấp, làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ ngoài ý muốn. Nhiều người quan ngại về việc Mỹ phối hợp cùng các đồng minh, bao gồm Anh và Pháp, cử chiến hạm tới Biển Đông, và các nhà quan sát ngoại giao từng cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu xảy ra cuộc đụng độ giữa các tàu ngầm nguyên tử.
Tháng trước, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ và tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã thực hiện hàng loạt nội dung huấn luyện trên Biển Đông. Đây là lần thứ 9 mà tàu USS Carl Vinson tới khu vực này trong năm nay.
Gloria Macapagal Arroyo, cựu Tổng thống Philippines, nói rằng tình hình căng thẳng và những vấn đề ở Biển Đông đang gây ra “những mối đe dọa nghiêm trọng” tới sự ổn định và các quốc gia Đông Nam Á đang hết sức quan ngại.
“Hãy tưởng tượng xem một cuộc đọ súng giữa các chiến hạm của quân đội Trung Quốc và Hạm đội 7 của Mỹ sẽ gây ra tác động như thế nào tới các thị trường cổ phiếu, tiền tệ và hàng hóa trên toàn thế giới?” – bà Arroyo nói tại diễn đàn.
“Thế giới hy vọng rằng một sự kiện không mong muốn như vậy chỉ là tưởng tượng. Nhưng có nhiều lý do để lo ngại. Lần đầu tiên trong nhiều năm liền, các nhóm tàu sân bay của Trung Quốc và Mỹ được triển khai cùng lúc trên Biển Đông; cả các chiến hạm của Pháp và Anh cũng vậy” – bà Arroyo nói thêm.
Bà cho rằng tranh chấp ở Biển Đông trước đây từng được kiểm soát nhờ vào sự tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa các nước có liên quan, và thế cân bằng sức mạnh.
“Nhưng giờ, thế cân bằng sức mạnh đang dần biến mất, do sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng Mỹ và đồng minh ở Biển Đông, và giờ càng trở nên dữ dội hơn khi hiệp ước AUKUS xuất hiện, mà quân đội Trung Quốc sẽ cảm thấy cần phải đáp trả” – bà nói, nhắc tới hiệp ước giữa Mỹ, Anh để giúp Australia có được một hạm đội tàu ngầm nguyên tử.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tuần trước nói rằng Hải quân Trung Quốc hiện đã sở hữu 335 tàu và tàu ngầm, tính đến năm 2020. Báo cáo nói rằng Hải quân Trung Quốc đang đặt ưu tiên vào việc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm, hiện đang sở hữu 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng nguyên tử (SSBN), 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử (SSN) và 46 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel (SS).
Ông Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao), trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc đã tham gia các cuộc thảo luận với các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông về việc thăm dò chung các nguồn tài nguyên và Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
“Chúng ta cần phản đối sự bá quyền trên biển, sự chia rẽ và đối đầu, đồng thời xây dựng vùng biển nơi mà tất cả các bên tăng cường hợp tác thay vì biến nó thành một đấu trường có tổng bằng 0” – ông nói tại diễn đàn – “Trung Quốc kêu gọi Mỹ cân nhắc về việc tham gia Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 và đưa ra những hành động vững chắc để tham gia bảo vệ luật biển quốc tế.”