Sự hình thành tư tưởng đoàn kết quốc tế trong quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại, đồng thời là nhà quốc tế chủ nghĩa cao đẹp, hiện thân của tư tưởng về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Cuộc hành trình tìm đường cứu nước qua khắp các nước Á, Âu, Phi, Mỹ đã tạo cho Người một cách nhìn mới về thế giới, về mối liên hệ giữa Việt Nam và thế giới.

Người đã vượt qua tầm nhìn hạn hẹp của các nhà yêu nước tiền bối để hướng ra bên ngoài, gắn kết giữa sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc với công cuộc cách mạng của toàn thể các dân tộc đang bị áp bức.

Đồng cảm với nhân dân lao động và các dân tộc cùng cảnh ngộ

Ra đi từ bến Nhà Rồng tháng 6-1911, 10 năm tiếp theo đó, Nguyễn Tất Thành đã tới nhiều nước thuộc địa cũng như nhiều nước tư bản chủ nghĩa, ở cả châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Qua những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm, chủ nghĩa yêu nước ở Người có những biến chuyển mới. Sự đồng cảm với đồng bào mình đã được nâng lên thành sự đồng cảm với nhân dân lao động, với các dân tộc cùng cảnh ngộ bị áp bức như dân tộc mình. Người đã đưa ra kết luận quan trọng: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản"( 1). Kết luận trên vô cùng quan trọng, là khởi đầu của tư tưởng đoàn kết quốc tế Hồ Chí Minh - đoàn kết với những người lao khổ, cần lao trên thế giới.

Cũng từ quá trình 10 năm trải nghiệm thực tiễn ở nhiều nước, Nguyễn Ái Quốc cũng rút ra kết luận rằng: “Nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự biệt lập... họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau”( 2). Vì vậy, Người chỉ ra sự cần thiết của việc xây dựng khối đoàn kết chiến đấu giữa các dân tộc bị đọa đày, đau khổ. Người kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa Pháp rằng: "Chúng tôi yêu cầu các bạn giúp đỡ chúng tôi trong nhiệm vụ đó, vì các bạn và chúng tôi, chúng ta cùng chung một lợi ích… Mối quan hệ giữa chúng tôi với các bạn sẽ là những mối quan hệ đoàn kết và liên minh"( 3).

Thẻ căn cước của Nguyễn Ái Quốc ở Paris (Pháp) năm 1919. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Sức mạnh đoàn kết của các dân tộc thuộc địa

Là người dân từ một nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc thấy được khả năng tiềm tàng của sức mạnh đoàn kết của các dân tộc thuộc địa và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh của họ. Vì vậy, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, một mặt Người nhấn mạnh tư tưởng phải "lấy sức ta mà giải phóng cho ta", mặt khác Người kêu gọi phải tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ và phối hợp nhịp nhàng cuộc đấu tranh của vô sản ở chính quốc với vô sản ở thuộc địa, như hai cái cánh của một con chim. Trong lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn, Người luôn luôn nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng ở thuộc địa và cách mạng ở chính quốc. Người viết: "Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi"( 4).

Để thực hiện sự đoàn kết giữa nhân dân lao động chính quốc và nhân dân lao động thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu các Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân ở chính quốc phải có hiểu biết đúng về thuộc địa và có sự giúp đỡ thiết thực đối với những người anh em thuộc địa. Trên tinh thần đó, Người đã nghiêm khắc phê phán một số Đảng Cộng sản chưa có chính sách và hành động tích cực giúp đỡ các thuộc địa. Trong thời gian ở nước ngoài, Người đã tham gia tích cực phong trào cách mạng của công nhân Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc... từng bước xây dựng nhiều tổ chức quốc tế như: Hội Liên hiệp thuộc địa (1921), Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông (1925)... là nhà cách mạng hoạt động tích cực trong Đảng Cộng sản Pháp, Quốc tế III, các Quốc tế Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ... thường xuyên mở rộng với nhiều chính khách, các nhà hoạt động xã hội... Tất cả hoạt động nói trên của Người đều hướng vào mục tiêu tăng cường thêm bạn bè, đồng chí cho cách mạng Việt Nam.

Ngày 5-6-1911, từ Bến Nhà Rồng (ảnh), Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. (Nguồn: Tư liệu/TTXVN)

Qua những phân tích trên ta có thể thấy, một trong những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ này là quan điểm về đoàn kết quốc tế, mà trước hết là sự cần thiết phải liên minh các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chung vì sự nghiệp giải phóng của chính dân tộc mình. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã chứng minh hùng hồn sức sống kỳ diệu và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết quốc tế. Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; với nhân dân và các dân tộc Á, Phi, Mỹ La-tinh… Người chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù, “giúp bạn là tự giúp mình”; coi trọng thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân thế giới và các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam; gắn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thế kỷ XXI với những thời cơ và thách thức đan xen nhau đang thường xuyên tác động đến khối đại đoàn kết dân tộc và quá trình hội nhập với thế giới.

Hơn lúc nào hết, thực tiễn đất nước đòi hỏi chúng ta phải quán triệt những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, phải vận dụng sáng tạo và tiếp tục phát triển những quan điểm ấy, phù hợp với những biến đổi của tình hình mới. Tư tưởng ấy vẫn là ngọn nguồn tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam để đi tới thắng lợi hoàn toàn và triệt để của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

VŨ THỊ KIM YẾN (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

-------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.287

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.284

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.484-485

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.130

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc/hanh-trinh-lich-su/su-hinh-thanh-tu-tuong-doan-ket-quoc-te-trong-qua-trinh-tim-duong-cuu-nuoc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-660996