Sự hồi phục kì diệu của người được ghép 2 lá phổi
Ngày 22/10, tại hội thảo Chương trình ghép phổi tại Việt Nam do Bệnh viện Phổi T.Ư phối hợp với Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm điều phối tạng Quốc gia tổ chức, bệnh nhân được ghép phổi thành công từ người hiến tặng chết não cách đây 1 năm đã hiện diện, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ.
Bệnh nhân T. (thứ 4 từ phải sang) khỏe mạnh sau 1 năm được ghép 2 lá phổi
Trở lại 80-90% như người bình thường
Bệnh nhân là ông N.X.T, trước khi ghép phổi thường khó thở, mệt mỏi khi vận động, đi khám được chẩn đoán bị xơ phổi, bệnh diễn tiến nhanh, xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp. Bệnh nhân có chỉ định ghép phổi và được đưa vào danh sách chờ ghép. Trước khi ghép phổi ông T. nặng 62kg nhưng sau 1 năm đã tăng lên thành 72kg. Hiện bệnh nhân có thể tự làm mọi công việc cá nhân. Trước đây, mỗi khi leo cầu thang bệnh nhân thường lấy hơi không kịp, nhưng 1 năm sau ca đại phẫu, ông có thể leo 3 tầng cầu thang mà không thấy mệt.
Chia sẻ tại hội thảo, bệnh nhân T. cho biết: “Tôi vô cùng biết ơn các y bác sĩ, những người đã giúp tôi được tái sinh. Nếu không được phẫu thuật ghép phổi 1 năm trước, không biết giờ này thế nào bởi lúc đó, phổi tôi đã hỏng hết”. Hiện nay, lá phổi của người bệnh đã trở lại 80-90% như bình thường, không có tình trạng khó thở, không ho, sốt. Theo các bác sĩ, hiện nồng độ ô xy trong máu (SpO2) của bệnh nhân dao động từ 95-97%, ổn định, sinh hoạt bình thường, không có hạn chế hoạt động thể lực, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.
Hằng năm, tại Bệnh viện Phổi T.Ư có 20-30 bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, nếu không sẽ tử vong chỉ sau vài tháng. Ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất trong ngành ghép tạng, khó ở cả kỹ thuật ghép và điều trị hậu phẫu sau ghép do tỷ lệ thành công của ghép phổi trên thế giới thấp hơn ghép thận, ghép gan, ghép tim.
TS. Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, Giám đốc Trung tâm Ghép phổi cho biết, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân T. chỉ có thể cầm cự được từ 2-3 tháng. Theo các chuyên gia ghép tạng, bệnh nhân T hồi phục như hiện nay là kết quả của sự phối hợp nhuần nhuyễn của các chuyên gia từ Bệnh viện Phổi T.Ư và Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. “Ca phẫu thuật này minh chứng cho việc áp dụng quy trình ghép tạng chuẩn đã đem lại kết quả mỹ mãn, tương đương với kết quả mà người bệnh nhận được tại Mỹ”, TS Lượng nói. Các chuyên gia đánh giá, thành công của ca ghép không chỉ dừng lại ở quá trình phẫu thuật ghép phổi phức tạp được phối hợp thực hiện giữa các bệnh viện mà còn là cả một quá trình hồi sức, theo dõi hậu phẫu, chăm sóc bệnh nhân toàn diện về sau của rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng xuyên suốt một năm qua tại Bệnh viện Phổi T.Ư.
Kỹ thuật khó nhất của ghép tạng
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, ghép phổi là một trong những kĩ thuật khó nhất của ghép tạng. “Thành công của ca ghép phổi này cho thấy Việt Nam đã tiếp cận được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép phổi”, PGS Nhung khẳng định. Đồng thời cho biết thêm, với một bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, thường chức năng phổi đã không còn, nếu không được ghép bệnh nhân có thể qua đời trong từ 2-3 tháng. Nếu điều trị thật tốt, bệnh nhân không chờ được quá 2 năm. Tuy nhiên một vấn đề khó khăn hiện nay là số người chết não hiến tạng rất ít, nhiều bệnh nhân không thể chờ được và đã qua đời.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay: “Đến thời điểm này, chúng ta đã làm chủ được kĩ thuật ghép phổi. Vấn đề chăm sóc bệnh nhân ghép phổi trước và sau phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng và Bệnh viện Phổi T.Ư đã làm rất tốt”. Kết quả có được là nhờ quy trình ghép rất bài bản, mang chuẩn quốc tế, từ chăm sóc trước phẫu thuật, đến hậu phẫu, chăm sóc chống thải ghép. Nhờ đó bệnh nhân ghép phổi sau 2 tuần có thể rời khỏi phòng hồi sức cấp cứu.