Sự hồi sinh của dòng phim kinh dị Việt
Trong những tháng tới đây, các rạp chiếu trong nước sẽ đón chào hàng loạt tác phẩm kinh dị của điện ảnh Việt. Điều đó cho thấy, sự quan tâm trở lại của các nhà sản xuất đối với thể loại vốn còn nhiều hạn chế ở Việt Nam. Liệu sự hồi sinh này có đem lại thành công?
Những phim kinh dị đáng được kỳ vọng
Bảy cái tên đã công bố lịch ra mắt bao gồm “Thiên thần hộ mệnh”, “Song song”, “Người lắng nghe”, “Vô diện sát nhân”, “Rừng thế mạng”, “Chuyện ma gần nhà”, “Bóng đè”... trong đó "Song Song" là tác phẩm đầu tiên công chiếu vào đầu tháng 4.
Ngoài ra, phần 2 của bộ phim “Mười” từng gây sốt cách đây 10 năm cũng đang trong quá trình tuyển diễn viên để khởi quay và sẽ ra rạp vào cuối năm nay. Tác phẩm do đạo diễn người Mỹ gốc Việt - Danny Đỗ thực hiện.
"Song song" có sự tham gia của Nhã Phương đã khởi đầu cho loạt phim kinh dị Việt sắp tới.
Đang gây được sự chú ý nhất trong những cái tên kể trên là "Thiên thần hộ mệnh" của Victor Vũ. Bởi anh là cái tên ăn khách nhất với những bộ phim tạo được dấu ấn gần đây như "Mắt Biếc" (2019) hay "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (2015).
Hơn nữa vị đạo diễn Việt kiều cũng có nhiều kinh nghiệm cũng như sở trường trong việc sản xuất phim kinh dị khi từng thành công với “Scandal 1 và 2”, “Người bất tử”, “Giao lộ định mệnh” và “Quả tim máu”...
"Thiên thần hộ mệnh" của Victor Vũ đang được mong đợi nhiều nhất.
Vì vậy, "Thiên thần hộ mệnh" được xem là sự trở lại với dòng phim thế mạnh của Victor Vũ. Chủ đề bùa ngải huyền ảo đan cài trong những bí mật của showbiz hứa hẹn sẽ tạo nên câu chuyện đủ sức lôi cuốn khán giả.
Về phía “Song song”, phim ra mắt vào 2/4 đã đưa được yếu tố giật gân và giữ nguyên tinh thần của tác phẩm gốc ở Tây Ban Nha. Dù vậy, dàn diễn viên vẫn còn nhiều điểm yếu khiến tổng thể của “Song song” không như kỳ vọng.
Phim kinh dị đang chịu nhiều thiệt thòi ở Việt Nam?
Dòng phim mang những yếu tố giật gân và ghê rợn này vốn rất khó thực hiện bởi từ việc tìm đề tài cho đến xây dựng kịch bản và tuyển diễn viên, sau đó là quay, dựng đều đòi hỏi nhiều nỗ lực. Một áp lực nữa của nhà làm phim là phải “dọa” được khán giả sợ.
"Quả tim máu" từng là tác phẩm kinh dị có doanh thu khá ổn của Victor Vũ.
Thế nên, các đạo diễn hiện tại đều tìm tòi trong thủ pháp với các yếu tố kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, hóa trang, kỹ xảo, bối cảnh cũng như kịch bản được đào sâu với những phát triển tâm lí nhân vật... để tạo ra những tình huống “nặng đô” hơn.
Đây là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện trong những năm qua, thậm chí tạo nên một “vũ trụ kinh dị riêng” như “the conjuring”. Các nhà làm phim Việt Nam từ lâu cũng áp dụng cách này và đạt được thành công nhất định.
Năm 2014, “Quả tim máu” (Victor Vũ) thu hơn 80 tỉ đồng, năm 2019 “Lật mặt 4: Nhà có khách” (Lý Hải) đạt 117,5 tỷ đồng, còn “Pháp sư mù” (Huỳnh Lập) thu hơn 65 tỷ đồng, “Thất Sơn tâm linh” đạt hơn 50 tỷ đồng…
Hiện vướng mắc lớn nhất của phim kinh dị Việt là khâu kiểm duyệt cực kỳ gắt gao, khiến nhiều nhà làm phim không dám “mạnh tay” để thực hiện nhiều cảnh phim mới lạ, rùng rợn hơn, hay như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ “kinh dị là thể loại bị oan ức nhất trong thị trường”.
Tuy nhiên, sự kiểm duyệt khắt khe cũng là cần thiết để các nhà làm phim không đi quá giới hạn, tạo nên những tình tiết không hợp với thuần phong, mỹ tục của khán giả Việt. Do đó, sắp tới các đạo diễn nên đầu tư nhiều hơn cho kịch bản, ánh sáng và bối cảnh thay vì trông đợi vào sự thay đổi của việc kiểm duyệt.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/su-hoi-sinh-cua-dong-phim-kinh-di-viet-post127063.html