Theo hãng tin Bloomberg, đồng Ruble đã tăng giá cao hơn bất kỳ đồng tiền nào khác của các nước đang phát triển trong tháng này. Ngoài ra trong bối cảnh cổ phiếu của các thị trường mới nổi khác giảm, chứng khoán Nga lại cho thấy động lực vượt trội
“Giá năng lượng sẽ vẫn ở mức cao và các công ty đến từ những nước xuất khẩu hàng hóa sẽ được hưởng lợi từ việc thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu".
"Thực tế này sẽ tiếp tục nâng cao xếp hạng của các nhà xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô", Giám đốc quỹ đầu tư Carrhae Capital từ London - ông Ali Akay nhận xét.
Theo các nhà phân tích, sự bất ổn trên thị trường năng lượng toàn cầu đã thu hút sự chú ý đến Nga với tư cách là một siêu cường dầu khí hàng đầu thế giới.
“Nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới có hơn 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối, có gánh nặng nợ thấp và tăng tỷ giá chủ chốt để kiềm chế lạm phát. Giá trị xuất khẩu của dầu thô Brent lên tới khoảng 6 nghìn ruble / thùng", Bloomberg nói rõ.
Trên làn sóng thay đổi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tích cực hướng nguồn vốn của họ sang thị trường Nga thay vì các nước châu Á.
Đặc biệt, Carrhae Capital và công ty quản lý tài sản Wells Fargo Asset Management đã gửi những khoản đầu tư của họ sang Nga, JP Morgan Chase & Co cũng đưa ra những dự báo lạc quan đối với thị trường hàng hóa và dầu mỏ của Nga.
“Giá dầu tăng sẽ thúc đẩy lợi suất và cổ tức trên các cổ phiếu năng lượng (chiếm 59% chỉ số). Điều này sẽ củng cố đồng Ruble, từ đó làm tăng trưởng giá của chứng khoán Nga (chiếm 25% chỉ số). Chúng tôi lạc quan về hàng hóa và dầu mỏ”, ông David Silvestrini, giám đốc JP Morgan nhận xét.
Ngoài khí đốt, Nga còn được hưởng lợi khi hàng chục quốc gia châu Âu đang bỏ phiếu cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình trong bối cảnh giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt.
Việc tăng giá nhiên liệu và những rắc rối đi kèm cuối cùng đã khiến Liên minh châu Âu kiệt quệ, và bây giờ Ủy ban châu Âu đang đề xuất trao cho điện hạt nhân cơ hội mới bằng cách đưa nó vào “danh sách xanh” của các ngành công nghiệp.
Hiện tại đề xuất trên đang được được 10 quốc gia châu Âu ủng hộ nhiệt tình, bao gồm Pháp, Romania, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Slovakia, Croatia, Slovenia, Bulgaria, Ba Lan và Hungary.
Cơ hội đang đến với Nga khi thái độ thận trọng của người dân châu Âu về năng lượng hạt nhân liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn Chernobyl đã là dĩ vãng, bởi từ đó đến nay công nghệ đã thay đổi quá nhiều và Nga vẫn giữ an toàn cho các lò phản ứng của mình.
Trước sự quan tâm của châu Âu đối với công nghệ sản xuất năng lượng có lượng khí thải CO2 thấp, Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga - Rosatom có thể thu về những hợp đồng với giá trị cao.
Tất nhiên việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, nhưng về lâu dài không phải lo lắng khi giá nhiên liệu cao như hiện nay và môi trường cũng được đảm bảo hơn nhiều.
Rosatom đã thông báo sẵn sàng đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng về Dự án Baltic NPP thế hệ 3+ - một chương trình đầy hứa hẹn sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của EU về nguồn điện cơ bản không phát thải CO2.
Dự án này có khả năng được triển khai rất cao, bất chấp phản đối từ Ba Lan hay Hungary vì những thành kiến có sẵn, bởi việc hợp tác mang lại lợi ích cho cả Nga lẫn châu Âu, EU sẽ không vì một vài tiếng nói phản đối mà đi ngược xu thế.
Bạch Dương