Sự hy sinh thầm lặng của những người lính cứu hỏa
Dũng cảm, khéo léo băng mình qua 'biển' lửa cứu người bị nạn, cứu tài sản; lặn lội trong mưa gió giúp đỡ người dân trong các đợt bão lũ; ngâm mình dưới đáy hồ sâu buốt lạnh suốt ngày đêm tìm kiếm thi thể nạn nhân là công việc của người lính phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nhiều khi, họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thậm chí là đánh đổi cả mạng sống vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân…
Nặng nhọc, nguy hiểm luôn tiềm ẩn, song những người lính cứu hỏa luôn có mặt ngay từ đầu để cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, dòng nhiệt huyết luôn sôi sục trong huyết quản của mỗi người lính cứu hỏa, cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng hy sinh thân mình.
Mỗi vụ cháy, mỗi vụ tai nạn là một “cuộc chiến” với diễn biến hoàn toàn khác nhau, thách thức sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của người chỉ huy, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH). Họ thường xuyên đối mặt với nhiều vụ tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đuối nước, cứu người từ hỏa hoạn, cứu người muốn quyên sinh... Nhưng dù ở tình huống nào vẫn luôn phải chạy đua với thời gian, bằng mọi cách cứu người, cứu tài sản. Trong trường hợp nạn nhân tử vong, phải tích cực tìm kiếm thi thể nhanh nhất để người thân họ bớt đau lòng. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần hiểm nguy mà chỉ cần sơ suất một chút, cán bộ, chiến sĩ tham gia CNCH có thể là nạn nhân trong chính tình huống mà mình đối mặt.
Đêm Noel lặn tìm xác người
Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, nguyên cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Lạt, hiện đang công tác tại Công an Phường 12 (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), chia sẻ một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất về công tác CNCH của bản thân mình. Đó là, khoảng 22 giờ đêm một ngày cuối năm 2017. Nhận được tin báo của người dân có một nam sinh viên cởi áo ấm nhảy xuống hồ Xuân Hương (khu vực bên Nhà hàng Thủy Tạ) để bơi sang bến Du thuyền, khi nhận lời thách đố của bạn bè. Tuy nhiên, khi mới ra giữa hồ, nam sinh viên này bị chìm dần và đuối nước. Nhận được tin báo, anh cùng các đồng nghiệp lên đường lúc nửa đêm. Bóng tối bao phủ hồ, giữa ánh sáng heo hắt từ những ngọn đèn đường, hồ Xuân Hương, vốn được biết đến là nơi thơ mộng và yên bình giữa lòng thành phố hoa, nay lại trở nên xa lạ, huyền bí đến đáng sợ.
Trung úy Tuấn Anh kể, nghe tiếng khóc than xé lòng của người nhà nạn nhân giữa đêm tối tĩnh mịch, anh cùng các đồng đội nhanh chóng hành động. Họ nổ máy ca nô chạy ra giữa hồ và người nhái nhảy khỏi ca nô, bắt đầu cuộc tìm kiếm theo chỉ dẫn của những người chứng kiến. Sau nhiều tiếng đồng hồ, liên tục trồi lên lặn xuống, trong màn đêm đen kịt, người nhái với ánh đèn pin trên đầu đi dưới đáy hồ vẫn không nhìn thấy gì. Thời tiết giá lạnh (chỉ hơn 11oC) khiến việc tìm kiếm thi thể người bị nạn gặp nhiều khó khăn và kéo dài.
Những tiếng hỏi liên tục “có không?” như sự liên lạc cần thiết đối với đồng đội đang ở bên trong, hỏi để điểm danh. “Mặc dù đã quen với việc tiếp cận xác chết, thế nhưng, lần này tôi đã khựng đứng người khi phát hiện xác chết người đàn ông. Mất vài giây lấy bình tĩnh, tôi ngước lên gọi “có rồi”. Xác nạn nhân dần nổi lên khỏi mặt nước, tôi và 2 người khác đưa xác nạn nhân di chuyển vào bờ...”, trung úy Tuấn Anh nhớ lại.
Thao trường đổ mồ hôi
Nhiệm vụ công tác đặc thù đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ CNCH phải có thể lực tốt, tinh thông nghiệp vụ, triển khai lực lượng, phương tiện nhuần nhuyễn nhằm bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi cho việc cứu người, tài sản và khắc phục những sự cố xảy ra. Muốn làm tốt, điều quan trọng nhất là ý thức, ý chí, sự rèn luyện và luôn xác định rõ “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.
Trong những năm qua, Công an TP Đà Lạt luôn chú trọng công tác kiểm tra nghiệp vụ; mỗi cán bộ, chiến sĩ làm công tác CNCH có sự rèn luyện thường xuyên và chia sẻ, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, các chiến sĩ CNCH đã trải qua quá trình luyện tập thường xuyên, liên tục với áp lực cao. Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Điều quan trọng đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ PCCC&CNCH, việc cứu hộ là sự tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm từ luyện tập cũng như trong thực tế chiến đấu, những động tác cơ bản vận dụng trong chữa cháy và CNCH phải luôn được thực hành thuần thục, bởi vì ở hiện trường các sự cố, tai nạn thường có diễn biến khó lường, đôi khi phải thực hiện chiến đấu trong thời gian dài, có nguy cơ xảy ra nguy hiểm với chính bản thân mình. Do đó, phải có kỹ năng, các chiến thuật được thực hiện nhuần nhuyễn mới có thể kịp thời đáp ứng tùy theo yêu cầu thực tế”.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, các chiến sĩ cảnh sát PCCC&CNCH Đà Lạt hôm nay không ngừng tôi luyện để trưởng thành. Dù gian nan vất vả, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng, song trong tim mỗi người vẫn không ngừng sáng lên ngọn lửa yêu nghề, trong bất cứ trường hợp nào xảy ra, những người lính cứu hỏa luôn dặn lòng “Cứu tính mạng và tài sản của Nhân dân là trên hết”.