Sự im lặng... chết người!

Thật đáng trách khi những người nhiễm HIV hoặc thuộc nhóm có nguy cơ cao lại lựa chọn cách sống im lặng, kỳ thị với chính bản thân.

Người xưa có câu “im lặng là vàng”. Nhưng với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, sự im lặng lại rất đáng sợ, nó sẽ nhanh chóng giết chết chính bản thân bệnh nhân, gây nguy hại tới người thân và tác động tiêu cực tới những nỗ lực của cộng đồng trong việc đẩy lùi và tiến tới chấm dứt đại dịch này.

Tôi có quen hai bạn nam ở TP Hải Dương có quan hệ tình dục đồng giới. Cả hai thừa nhận có nguy cơ cao nhiễm HIV vì tỷ lệ lây nhiễm qua quan hệ tình dục đồng giới nam tại Việt Nam những năm gần đây tăng nhanh. Do vậy, họ đã sớm tìm đến bác sĩ nhờ tư vấn và tham gia chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Cặp đôi này còn mạnh dạn đứng lên kết nối với những người cùng hoàn cảnh để chia sẻ, truyền thông phòng chống HIV/AIDS. Tôi cũng biết một số người nhiễm HIV nhưng không hề giấu giếm, vẫn dũng cảm đứng lên góp tiếng nói chung cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, không nhiều người có cùng cảnh ngộ làm được như những trường hợp trên. Một năm trước, người anh bên họ ngoại của tôi qua đời vì AIDS sau nhiều năm chống chọi. Suốt những năm ấy, anh mặc cảm, tự ti, sống khép mình, gần như không giao tiếp với ai bên ngoài và cũng không tham gia bất kỳ chương trình điều trị nào. Cán bộ y tế, cộng tác viên làm công tác phòng chống HIV/AIDS đến tiếp cận, hướng dẫn thì bị anh xua đuổi. Anh ra đi đã đành, còn lây bệnh cho cả vợ.

3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 10.000 bệnh nhân nhiễm HIV. Tại Hải Dương, mỗi năm cũng có vài chục ca nhiễm mới được phát hiện. Toàn bộ 12 huyện, thị xã, thành phố và 99% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã phát hiện người nhiễm HIV/AIDS. Lũy tích các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh đến nay lên tới gần 3.900 người, trong đó hơn 1.700 người đã tử vong do AIDS. Trên thực tế, số ca nhiễm HIV tiềm ẩn trong cộng đồng còn cao hơn. Nhiều người bị nhiễm HIV hoặc thuộc nhóm có nguy cơ cao nhưng giấu giếm ngay cả với người thân chứ chưa nói gì đến việc ngại tìm đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Thật đáng trách khi những người nhiễm HIV hoặc thuộc nhóm có nguy cơ cao lại lựa chọn cách sống im lặng, kỳ thị với chính bản thân. Sự im lặng ấy không những khiến họ nhanh chóng đón nhận cái chết một cách đau khổ mà còn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho bạn tình. Nhưng cũng phần nào thông cảm và hiểu cho họ vì tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trong xã hội vẫn còn khá phổ biến dưới những hình thức và mức độ khác nhau. Vì lẽ đó, người nhiễm HIV/AIDS thường che giấu tình trạng bệnh tật, mặc cảm, sống cô độc, sợ hãi, chán nản, không dám tiếp cận với chương trình phòng chống HIV/AIDS, không được tư vấn về kỹ năng phòng lây truyền HIV cho người khác. Đây cũng là rào cản khiến người nhiễm bệnh không được hưởng đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV.

Hiện nay, ngành y tế đang triển khai nhiều chương trình điều trị lây nhiễm HIV, trong đó có thuốc kháng virus ARV. Thực tế cho thấy, 96% số người đang điều trị có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng phát hiện. Tức là họ gần như không có nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình qua đường tình dục và có thể có con. Những người nằm trong nhóm có nguy cơ cao hãy chủ động tìm đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Chỉ khi người nhiễm HIV không còn im lặng thì họ mới dễ dàng vượt qua khó khăn. Xin đừng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, hãy tiếp sức, động viên, khuyến khích họ tham gia cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/su-im-lang-chet-nguoi-220839