Sự im lặng kỳ lạ của Al-Qaeda về thủ lĩnh bị tiêu diệt
Năm tháng sau khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri ở Afghanistan, tổ chức này vẫn chưa xác nhận cái chết đó hay công bố lãnh đạo mới.
Vào đầu tháng 8, Tổng thống Joe Biden cho biết lực lượng vũ trang Mỹ đã không kích tiêu diệt al-Zawahiri tại ngôi nhà ở thủ đô Kabul của Afghanistan, AP đưa tin.
Tuy nhiên, đội ngũ tuyên truyền của tổ chức khủng bố này vẫn tiếp tục phát đi những thông điệp không rõ ngày tháng của al-Zawahiri, người đã lãnh đạo Al-Qaeda sau khi lực lượng đặc biệt của Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh sáng lập Osama bin Laden vào năm 2011.
Video không có ngày tháng và nội dung video không chỉ rõ khung thời gian ghi hình, nhóm tình báo SITE cho biết vào ngày 23/12/2022, Reuters đưa tin.
“Điều này thực sự kỳ lạ”, Hans-Jakob Schindler, Giám đốc tổ chức tư vấn dự án chống chủ nghĩa cực đoan, nhận định. "Một mạng lưới chỉ hoạt động với một nhà lãnh đạo".
Theo AFP, gần như tất cả khả năng vẫn đang bỏ ngỏ. “Tất nhiên có thể là Mỹ đã sai về cái chết của ông ta”, nhà nghiên cứu Raffaello Pantucci và Kabir Taneja viết vào tháng 12/2022.
Tuy nhiên, "điều này dường như khó xảy ra với sự tự tin mà Tổng thống Biden đã phát biểu công khai về cuộc không kích này”, họ cho biết thêm.
Một khả năng khác là Al-Qaeda cho đến nay vẫn chưa liên lạc được với người kế nhiệm khả dĩ nhất của al-Zawahiri. Đây là nhân vật quyền lực số 2 của Zawahiri và có biệt danh Saif al-Adl hay "thanh gươm công lý".
Bên cạnh đó, các chuyên gia Pantucci và Taneja nhận định Al-Qaeda cũng có thể giữ im lặng về cái chết của al-Zawahiri dưới áp lực của Taliban.
Sau khi thủ lĩnh Zawahiri bị tiêu diệt, Mỹ cáo buộc Taliban "vi phạm rõ ràng và trắng trợn thỏa thuận Doha" từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, trong đó quy định Taliban sẽ không nuôi dưỡng khủng bố nếu lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Bên cạnh đó, Saif al-Adl cũng có thể đã chết hoặc đang lẩn trốn để tránh chịu chung số phận với người tiền nhiệm hoặc hai thủ lĩnh gần nhất của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS - đối thủ chính của họ.
Barak Mendelsohn, một chuyên gia về Al-Qaeda tại Mỹ, cho biết thật khó để hiểu tại sao tổ chức này lại công bố thủ lĩnh mới chậm như vậy.
IS, kẻ thù không đội trời chung của Al-Qaeda, đã phải đối mặt với những khó khăn tương tự trong việc bổ nhiệm lãnh đạo kể từ khi "caliph" (quốc vương) Abu Bakr al-Baghdadi tự sát trong một cuộc đột kích của Mỹ ở Syria vào năm 2019.
Sau khi hai người kế nhiệm của ông ta bị tiêu diệt vào năm ngoái, IS đã chọn một nhân vật vô danh làm thủ lĩnh mới.
Tore Hamming, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Cực đoan hóa Quốc tế, cho biết Al-Qaeda không nhất thiết phải có một thủ lĩnh mang tính biểu tượng để phát biểu nhân danh tổ chức này.
IS đã bầu ra các caliph mới, nhưng "không ai biết họ là ai và chưa bao giờ nghe tin tức gì từ họ. Tuy nhiên, các chi nhánh vẫn trung thành", ông giải thích. Theo ông, điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với Al-Qaeda.