Sự khác biệt về chính sách kinh tế giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ

Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump có quan điểm khác biệt lớn về các chính sách liên quan đến gần như mọi khía cạnh của nền kinh tế Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc vận động tranh cử ở bang Michigan ngày 1/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc vận động tranh cử ở bang Michigan ngày 1/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Kế hoạch ngân sách do Tổng thống Biden đề xuất ngày 11/3 đã cho thấy một cuộc đấu kinh tế lớn giữa ông với ông Donald Trump – người gần như chắc chắn được đảng Cộng hòa chọn là ứng cử viên tranh cử tổng thống năm 2024. Đề xuất này gợi mở một tầm nhìn quốc gia với định hướng về các chương trình hưu trí, thuế, chính sách thương mại và năng lượng mà việc có triển khai được hay không trên thực tế sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử vào tháng 11 tới.

Trong ba năm qua, ông Biden đã triển khai một số đạo luật then chốt nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tập trung vào phát triển năng lượng xanh, đầu tư cho hạ tầng và củng cố chuỗi cung ứng nội địa. Các khoản trợ cấp cho ngành bán dẫn, công nghệ năng lượng Mặt Trời và xe điện dưới thời của ông Biden là rất dồi dào. Nhưng những ưu tiên này gần như không được ông Trump ủng hộ.

“Điểm lây nhiễm” sẽ xuất hiện khi nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn “hạ cánh mềm” – theo cách gọi của nhiều nhà kinh tế, sau hơn hai năm lạm phát cao. Tuy nhiên, viễn cảnh ông Trump thắng cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai đã làm tăng mức độ bất ổn đối với triển vọng kinh tế Mỹ. Các công ty và giới hoạch định chính sách trên thế giới đang phải chạy đua để chuẩn bị cho một cú chuyển đổi quan hệ kinh tế bước ngoặt với Mỹ có thể xảy ra.

Vậy điểm khác biệt nổi bật liên quan đến chính sách kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden và Donald Trump là gì?

* Bất đồng về vấn đề an sinh xã hội

Mới nhìn, có vẻ cả ông Biden và ông Trump dường như có cùng quan điểm về chương trình an sinh xã hội quốc gia. Năm 2016, ông Trump đã tách mình khỏi hàng ngũ đảng Cộng hòa và từ chối ủng hộ cắt giảm chương trình An sinh Xã hội hay chương trình bảo hiểm y tế Liên bang Medicare. Ông Biden là người lâu nay luôn khẳng định cần phải bảo vệ Medicare, chỉ trích những người Cộng hòa có ý muốn cắt giảm, thu hẹp gói này.

Trong đề xuất ngân sách ngày 11/3, Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết về việc duy trì hệ thống phúc lợi quốc gia. Ông kêu gọi nỗ lực mới nhằm cải thiện tính hiệu quả của chương trình An sinh Xã hội và Medicare, nổi bật là việc buộc người giàu có phải chi trả nhiều hơn cho chương trình y tế. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn thiếu các thông tin chi tiết về cách thức bảo đảm tính ổn định dài hạn của hai chương trình.

Về phần mình, ông Trump ngày 11/3 cũng cho biết sẽ để ngỏ việc cắt giảm gói phúc lợi xã hội. Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC, cựu Tổng thống Mỹ đánh tiếng sẽ cắt giảm chi tiêu cho quỹ An sinh Xã hội và Medicare, cho rằng công tác quản lý hai chương trình này có bất cập. Những người phụ trách chiến dịch tranh cử của ông sau đó giải thích rằng ông Trump muốn đề cập đến cắt giảm các khoản lãng phí.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Des Moines, Iowa, ngày 15/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Des Moines, Iowa, ngày 15/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

* Đánh thuế hay không đánh thuế?

Đối tượng nào cần phải đánh thuế cao hơn nữa cũng là một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa ông Biden và ông Trump. Trong đề xuất ngân sách ngày 11/3, đương kim Tổng thống Mỹ đề cập gói tăng thuế trị giá 5.000 tỷ USD nhằm vào các tập đoàn, giới nhà giàu, trong đó có khoản thuế tối thiểu mới 25% đánh vào nhóm người giàu có nhất nước Mỹ (có tài sản từ 100 triệu USD trở lên), tăng thuế doanh nghiệp từ 21% hiện nay lên 28%.

Cùng với tăng thuế đánh vào người giàu, các tập đoàn, ông Biden cũng đề xuất giảm thuế với tầng lớp trung lưu. Ông kêu gọi mở rộng diện áp dụng của khoản tín dụng thuế trẻ em cho những người có thu nhập thấp và trung bình – điều mà nhiều người Cộng hòa không ủng hộ. Ông đồng thời chủ trương ưu đãi về thuế thu nhập, thuế tín dụng mới giúp người dân có thể tiếp cận giá nhà phù hợp hơn đối với căn nhà đầu tiên.

Năm 2017, trên cương vị Tổng thống, ông Trump đã ký ban hành Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm, với khoản cắt giảm thuế trị giá 2.000 tỷ USD, phần lớn trong số này có lợi cho các công ty, tập đoàn và người giàu. Nhiều đề mục cắt giảm thuế này sẽ hết hiệu lực vào năm 2025, đồng nghĩa với việc ai lên làm Tổng thống sau kỳ bầu cử tới sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc có gia hạn những quy định nói trên hay không.

Đến thời điểm hiện tại ông Trump gần như chưa đưa ra đường hướng cụ thể cho kế hoạch thuế của mình. Nhưng ông ngầm đề cập đến một vòng cắt giảm nữa. “Các bạn sẽ có được mức cắt giảm thuế lớn nhất, bởi lẽ chúng ta sẽ cắt giảm thêm và một nền kinh tế mang thương hiệu Trump sẽ bùng nổ mà các bạn chưa bao giờ thấy”, ông Trump phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử hồi tháng Hai.

Còn trên kênh CNBC ngày 11/3, cựu Tổng thống Mỹ quan ngại cho nền kinh tế Mỹ nếu các khoản cắt giảm thuế dưới thời ông không được gia hạn.

* Xu hướng dịch chuyển thương mại

Trong nhiều năm trở lại đây, nền chính trị Mỹ ngày càng trở nên phân cực, do những bất đồng sâu sắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nhưng chính sách thương mại là một trong số rất ít những lĩnh vực dường như có được sự hội tụ của hai bên.

Bất chấp mọi khác biệt, ông Biden gần như giữ nguyên nghị trình thương mại từ thời ông Trump. Mỹ dưới sự điều hành của Tổng thống Biden vẫn áp thuế với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc. Ông Biden cũng tăng cường kiểm soát đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc và từ Trung Quốc vào Mỹ. Hơn nữa, Washington đã tiếp tục thực thi chính sách công nghiệp theo hướng bảo hộ vốn làm nhiều nước châu Âu bất bình.

Nếu tái cử, ông Biden nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách thiên về hướng làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại với các đồng minh của Mỹ, một chính sách được biết đến với tên gọi friendshoring (dịch chuyển sản xuất sang nước bạn bè) và giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng vào các nước cạnh tranh như Trung Quốc. Chính quyền Biden được dự báo sẽ hoàn tất rà soát chính sách thuế thắt chặt đối với hàng hóa Trung Quốc trong những tháng tới và có thể sẽ giảm thuế đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng, trong khi tăng thuế với nhóm sản phẩm giúp bảo vệ ngành công nghiệp xe điện của Mỹ.

Về phần mình, ông Trump ngầm cho biết sẽ khởi động một cuộc xung đột thương mại mới. Cựu Tổng thống Mỹ, người tự phong mình là “Người thuế” (Tariff Man), đã đề cập đến ý tưởng áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế 60% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông thắng cử nhiệm kỳ hai.

* Bất đồng về năng lượng sạch

Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 (IRA) là một trong những đạo luật được ông Biden ký ban hành. Tương lai của IRA cùng với quỹ đạo trong chính sách khí hậu của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc ai là người thắng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Nhóm cố vấn, phụ tá kinh tế của ông Biden đã gấp rút hoàn thành quy định liên quan đến thuế và luật môi trường để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch và chuỗi cung ứng xe điện trong nền kinh tế. Chính quyền Biden kỳ vọng đạo luật có thể chứng minh tính bền vững bởi nhiều khoản đầu tư này đang được rót vào những bang mà đảng Cộng hòa nắm ưu thế.

Tuy nhiên, ông Trump – người lâu nay luôn chỉ trích xe điện, cho rằng giá xe điện quá cao và đe dọa đến việc làm của người Mỹ, sẽ không hào hứng với luật này nếu như ông thắng cử. “Mỹ là quốc gia mà các nhà lãnh đạo đang yêu cầu phải hướng đến xe điện triệt để, bất chấp việc xe điện không thể di chuyển quãng đường xa, chi phí cao, còn pin thì được sản xuất tại Trung Quốc”, ông Trump phát biểu khi vận động tranh cử ở bang New Hampshire hồi tháng Một vừa qua.

Cựu Tổng thống Mỹ, người từng quyết định rút khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, gần như chắc chắn cũng không ưu tiên cho đầu tư vào năng lượng sạch.

Hoài Thanh (P/v TTXVN tại New York)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/su-khac-biet-ve-chinh-sach-kinh-te-giua-hai-ung-vien-tong-thong-my/326752.html