Sự khốc liệt của thị trường công nghệ bất động sản nhìn từ vụ Bds.net bị 'phũ' trên Shark tank
Chương trình Shark tank vừa trở lại, và những người quan tâm đến lĩnh vực nhà đất hẳn sẽ ít nhiều ấn tượng với sự hiện diện của BDS NET - một startup trong lĩnh vực công nghệ bất động sản (proptech), đã cùng lúc nhận... cái lắc đầu của cả 4 'cá mập'.
Việc một doanh nghiệp proptech từng mất 5 năm để hoàn thiện và đã “ngốn” hơn 30 tỷ đồng sau nhiều lần “đập đi xây lại” bị các Shark “phũ phàng” theo đúng nghĩa đen, cho thấy lĩnh vực công nghệ bất động sản dù có nhiều tiềm năng để phát triển, song đang tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt.
Cạnh tranh khốc liệt
Anh Trịnh Thành Công - Sáng lập kiêm Giám đốc BDS NET, cho hay giải pháp lõi của Bds.net (sản phẩm chính của BDS NET) là bản đồ bất động sản, có thể giải quyết bài toán cho thị trường thứ cấp, mua bán, thuê cho thuê, hay thị trường sơ cấp, dự án và quy hoạch...
Hiện, Bds.net đã có 500 user (người dùng), dự kiến hết năm 2023 sẽ đạt lưu lượng truy cập tối thiểu 250.000 lượt/tháng và đến hết năm 2024 sẽ đạt tối thiểu 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Để đạt được mục tiêu đó, BDS NET sẽ xây dựng cộng đồng nhằm phát triển thương hiệu và website.
Tuy nhiên, khi nghe về những hoạt động của Bds.net, các Shark Hùng Anh, Erik và Tuệ Lâm đều không thực sự ấn tượng và đánh giá dự án khó thành công, bởi đang có quá nhiều sản phẩm tương tự trên thị trường. Thậm chí, Shark Hưng còn buông lời cay đắng: “mô hình em đang đi này là chết”.
Để minh chứng, vị lãnh đạo Cen Group lấy ví dụ về một proptech khác đã hoạt động 10 năm, có nền tảng tương tự BDS NET. Hiện, họ đã có trên dưới 1 triệu listing (danh sách), nhưng như nhiều website khác, họ vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề trở thành công cụ thao túng giá.
Thực tế, không phải đợi đến bây giờ, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường công nghệ bất động sản mới được thể hiện. Trong một bài viết phân tích về vấn đề này cách đây không lâu, VnBusiness từng lấy dẫn chứng trường hợp của PropertyGuru – proptech đang sở hữu Batdongsan.com.vn.
Cần phải nhấn mạnh, Batdongsan.com.vn là nền tảng mà hiếm người nào quan tâm đến lĩnh vực nhà đất lại không biết tới. Nhưng ngay cả với một tên tuổi đình đám như vậy cũng đang gặp không ít thách thức trong quá trình cạnh tranh trên thị trường bất động sản Việt Nam.
Cụ thể, tại Việt Nam, doanh thu quý I/2023 của PropertyGuru chỉ thu về khoảng 2,4 triệu USD, giảm mạnh hơn 1/3 so với cùng kỳ năm 2022 (đạt trên 3,7 triệu USD). Các con số trên Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, số lượng nhà đất niêm yết đã giảm 32% so với cùng kỳ, xuống còn 1,1 triệu lượt.
Khó khăn là "lửa thử vàng"?
Khó khăn của PropertyGuru khiến nhiều người nhớ lại tình cảnh bi thảm của một proptech khác tại Việt Nam là Propzy - startup bất động sản từng gọi vốn thành công 30 triệu USD, quy mô nhân sự hơn 800 người. Kỳ lân lĩnh vực nhà đất này đã tuyên bố rút khỏi Việt Nam vào cuối quý III/2022.
Trong “tâm thư” gửi tới nhân viên, ông John Le - CEO Propzy, thừa nhận việc không gọi được vốn giữa môi trường toàn cầu có xu hướng bất định, tín dụng trong nước bị siết chặt, thị trường rơi vào ảm đạm là "lưỡi dao kết liễu" đối với công ty.
Khó khăn của những tên tuổi đình đám như Batdongsan.com.vn, Propzy cho thấy sức ép cạnh tranh trên thị trường công nghệ bất động sản là vô cùng khốc liệt.
Ông Hari V Krishnan - CEO của PropertyGuru nhấn mạnh: “Thị trường Việt Nam vẫn là thách thức chính trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng những áp lực này sẽ chỉ bắt đầu giảm bớt từ cuối năm 2023 hoặc thậm chí kéo dài sang năm 2024, tùy thuộc vào sự hồi phục của ngành địa ốc".
Thừa nhận những khó khăn và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường công nghệ bất động sản, tuy nhiên, đội ngũ phân tích của PropertyGuru cho rằng những thách thức hiện tại giống như “lửa thử vàng”, doanh nghiệp nào có thể vượt qua giai đoạn này sẽ là bên thắng cuộc.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra lĩnh vực nhà đất tại Việt Nam còn dư địa khổng lồ cho các doanh nghiệp công nghệ. Đơn cử, theo VnREA, quy mô thị trường bất động sản trong nước sẽ đạt 1.232 tỷ USD, chiếm 22% tổng tài sản nền kinh tế vào năm 2030.
Thực tế cũng cho thấy những năm gần đây, các giải pháp, mô hình công nghệ liên quan đến bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Nhiều công ty công nghệ liên tục mở rộng thị phần cho thấy cuộc đua công nghệ bất động sản đang được đẩy mạnh.
Điển hình như thương vụ Houze Group công bố nhận đầu tư thêm 2 triệu USD dưới sự dẫn dắt của DKRA, giúp công ty công nghệ này có nguồn lực để tiếp tục mở rộng dịch vụ và phát triển công nghệ.
Một trong những cái tên quen thuộc khác là Chợ Tốt Nhà cũng đang cho thấy những tham vọng lớn hơn vào công nghệ bất động sản, phát triển hệ thống môi giới. Hiện, đơn vị này đã triển khai dịch vụ đăng tin trực tuyến (marketplace), dịch vụ tài chính cho bất động sản (fintech) và môi giới (brokerage).
Rõ ràng, với những tiềm năng khổng lồ, khả năng phát triển lớn mạnh của các proptech vẫn là hiện hữu. Ngay cả với BDS NET, dù vẫn còn non trẻ nhưng nếu có chiến lược tốt, hút được người dùng và có thể đi đường dài, công ty hoàn toàn có thể khẳng định mình, đồng thời chứng minh các Shark đã sai.
Để làm được điều đó, BDS NET nói riêng và các proptech nói chung cần chuẩn bị nền tảng vững chắc về vốn đầu tư và công nghệ. Bên cạnh đó, proptech cần tham gia sâu hơn vào quá trình giao dịch cũng như cung cấp giải pháp hiệu quả cho cộng đồng dịch vụ, môi giới...