Sự khởi đầu thuận lợi

QĐND - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ngày 19-5 vừa có cuộc hội đàm trực tiếp bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực tại Reykjavik, Iceland. Cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên từ sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ được xem là động thái 'phá băng' cho mối quan hệ 'lạnh giá' giữa Moscow và Washington bấy lâu nay.

Hai Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken và Sergei Lavrov - Ảnh: РИА Новости

Hai Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken và Sergei Lavrov - Ảnh: РИА Новости

Cái bắt tay trực tiếp giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Antony Blinken bên lề cuộc họp Hội đồng Bắc Cực ở Reykjavik là hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Một sự nồng ấm đang làm “tan băng” quan hệ Nga-Mỹ nhưng cũng là lời cảnh báo về nguy cơ tan băng ở Bắc Cực do sự nóng lên toàn cầu. Đặc biệt hơn, Reykjavik từng là địa điểm nổi tiếng, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh năm 1986 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Cuộc gặp cấp ngoại trưởng lần này tuy không có tầm vóc như hội nghị thượng đỉnh năm 1986, nhưng được kỳ vọng là bước đi mở đường cho việc cải thiện mối quan hệ vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa hai cường quốc.
Quan hệ Nga-Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm trong những năm qua, cho dù năm 2009, Ngoại trưởng Lavrov và Ngoại trưởng trong chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó là bà Hillary Clinton đã nhấn nút “reset” (khởi động lại). Tuy nhiên, một loạt các vấn đề, từ khủng hoảng ở Ukraine hay ở Syria, chương trình hạt nhân của Iran hay hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đến việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) áp sát sườn phía Đông nước Nga... đã phủ bóng lên quan hệ Nga-Mỹ. Bên cạnh đó, dù thừa nhận vai trò không thể thiếu của Nga trong các vấn đề “nóng” của thế giới, song Washington không dành sự tin tưởng cho Moscow với những nghi ngờ xung quanh việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 hay tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn... Một loạt các vụ trục xuất ngoại giao “ăn miếng trả miếng” thời gian qua đã đẩy quan hệ Mỹ-Nga quay trở về mức thấp như thời Chiến tranh Lạnh. Thậm chí, Ngoại trưởng Lavrov còn nhận định, quan hệ Nga-Mỹ ở thời điểm hiện tại còn tồi tệ hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh do thiếu sự tôn trọng lẫn nhau.Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden một mặt tiếp tục duy trì chính sách trừng phạt và kiềm chế Nga, mặt khác tìm cách đối thoại với Moscow. Ông Biden cũng là người chủ động đề xuất cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Vladimir Putin, cho thấy nhu cầu tìm kiếm mối quan hệ ổn định với Moscow vẫn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay. Việc hai nhà ngoại giao hàng đầu hai nước ngồi lại bàn đàm phán ở Reykjavik được xem là bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa chính sách này.Trong 2 giờ hội đàm, Ngoại trưởng Lavrov cùng người đồng cấp Blinken đều nhấn mạnh tới việc hai nước còn bất đồng nhưng cần hợp tác về một số vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu và khu vực như: Phòng, chống dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu, đối phó với các chương trình hạt nhân của Iran, Triều Tiên cũng như cuộc chiến tại Afghanistan và Syria. Ai cũng hiểu rằng, Nga và Mỹ là hai cường quốc có tiềm lực quân sự, kinh tế, khoa học-kỹ thuật hàng đầu thế giới, là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có tiếng nói quan trọng và quyết định trong việc giải quyết các vấn đề và thách thức mang tính toàn cầu. Bản thân hai "ông lớn" cũng cần nhau và thậm chí có những ràng buộc nhất định liên quan tới các lợi ích kinh tế cũng như chính trị. Do đó, "bất chấp còn tồn tại những bất đồng sâu sắc, Nga và Mỹ phải quyết định hợp tác trong tương lai cũng như tăng cường hợp tác ở những lĩnh vực mà hai nước cùng có lợi ích chung", Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh. Trong khi đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ thừa nhận dù có bất đồng nhưng Washington luôn nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác với Moscow vì “điều đó tốt cho người dân Mỹ, cho người dân Nga và cho cả thế giới".Tuy chưa đưa ra một cam kết cụ thể hay tiết lộ khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ J.Biden, nhưng cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Lavrov và Ngoại trưởng Blinken được xem là sự khởi đầu thuận lợi, là bước đi “phá băng” trong quan hệ hai nước. Cuộc gặp không chỉ phản ánh quan điểm và vị thế của hai cường quốc Mỹ và Nga trên trường quốc tế, mà còn ít nhiều phát đi thông điệp rằng, tuy có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập lại mối quan hệ song phương, nhưng hai cường quốc này không có ý định “quay lưng lại với nhau” và ý thức được sự cần thiết phải đối thoại. Trong cục diện cạnh tranh chiến lược gay gắt, các cuộc gặp tương tự luôn hữu ích, có thể giúp hai bên kiểm soát được bất đồng, tránh được nguy cơ đẩy quan hệ vượt qua những "lằn ranh đỏ".Bên cạnh đó, cuộc gặp còn là bước dạo đầu cho hội nghị thượng đỉnh rất được mong đợi giữa Tổng thống V.Putin và Tổng thống J.Biden. Việc hai bên duy trì đối thoại sẽ là con đường khả dĩ nhất để tạo ra được những đột phá trong tương lai.

LINH OANH

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=157718&title=su-khoi-dau-thuan-loi