Sự kiện giáo dục nổi bật 2020: Tự hào teen Việt vượt qua những thử thách chưa từng có
Ngành giáo dục Việt Nam đã có một năm 2020 'vượt bão' với rất nhiều những sự kiện đáng nhớ.
Học online - Cuộc “đổi mới” chưa từng có về dạy học
Năm 2020 đã bắt đầu với những lần đầu tiên đáng nhớ, khi teen trải qua "kỳ nghỉ tết dài nhất lịch sử" kéo dài tận 3 tháng. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học, trong đó có việc dạy học qua internet, trên truyền hình.
Theo thống kê, khoảng gần 80% học sinh Việt Nam đã học trực tuyến, xếp 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục để ứng phó đại dịch.
Teen “vượt vũ môn” giữa mùa dịch
Năm học 2019 - 2020 kết thúc muộn cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 dẫn tới sự thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia. Cụ thể, kỳ thi được chia làm 2 đợt. Đợt 1 diễn ra từ 9 - 10/8/2020 với hơn 860.000 thí sinh dự thi. Đợt 2 diễn ra từ 3 - 4/9/2020 với hơn 26.000 thí sinh.
Dù vẫn tổ chức thi nhưng tên gọi của kỳ thi năm 2020 được đổi là "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" thay vì kỳ thi THPT Quốc gia như trước đây, phù hợp với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT.
Học sinh chịu hậu quả nặng nề sau "trận lũ lụt lịch sử"
Tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa-Thiên Huế đến Quảng Nam, Quảng Ngãi oằn mình trong mưa lũ.
Bão lũ đã khiến cho hàng nghìn ngôi trường ngập chìm trong biển nước, học sinh phải nghỉ học dài ngày, thậm chí lên tới cả tháng. Thiệt hại của ngành giáo dục 8 tỉnh miền trung lên tới hơn 600 tỷ đồng. Hàng triệu bộ sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học bị hư hỏng nặng.
Tuy vậy, trong những ngày tháng khó khăn, chúng ta vẫn thấy được tình thầy trò ấm áp cùng sự chung tay góp sức của người dân khắp mọi miền tổ quốc hướng về những học sinh vùng lũ.
Đại học Việt Nam thăng hạng trên các bảng xếp hạng thế giới
Trong năm 2020, có nhiều trường đại học Việt Nam góp mặt trong các bảng xếp hạng của thế giới.
Ngày 18/2, bảng xếp hạng uy tín của Times Higher Education (THE) công bố Top 500 trường đại học hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi. Có 3 trường đại học của Việt Nam được xếp hạng. Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 201-250; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 251-300; tiếp theo là ĐH Quốc gia TPHCM thuộc nhóm 401-500.
Cũng theo bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE), trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp Top 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng các đại học có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2020 (THE Impact Rankings).
Ngày 25/11, Tổ chức giáo dục QS (Quacquarelli Symonds - Vương quốc Anh) công bố kết quả xếp hạng các đại học tốt nhất trong khu vực Châu Á 2021 (QS Asia University Rankings 2021) trong đó Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 634 cơ sở giáo dục đại học được tổ chức này đánh giá là tốt nhất trong toàn Châu Á.
Cô giáo dân tộc Mường lọt Top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu
Sáng 11/11, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020.
Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên người dân tộc Mường giảng dạy tại một trường miền núi, nơi hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội thực hành tiếng Anh. Chính vì thế, cô Phượng đã tự học cách sử dụng công nghệ thông tin, mở ra lớp học không biên giới, kết nối học sinh với giáo viên và học sinh các nước khác. Cô cũng sáng tạo nhiều phương pháp dạy học mới qua phim ảnh, dự án, lập kênh Youtobe để dạy tiếng Anh miễn phí.
Áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu từ lớp 1.
Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, tạo hành lang pháp lý để địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện. Ngành giáo dục các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện từ việc tập huấn giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.