Sự kiện lịch sử 7/1: Biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế Campuchia - Việt Nam
Trong những ngày đầu năm 2025, phố phường thủ đô Phnom Penh và các địa phương trên đất nước Chùa Tháp được trang hoàng lộng lẫy với quốc kỳ, cùng các cổng chào, áp phích, biểu ngữ chào mừng sự kiện Chiến thắng 7/1 (1979-2025), ngày giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng do Pol Pot đứng đầu cách đây gần 46 năm.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, cùng thời điểm này, nhiều cơ quan báo chí truyền thông sở tại như Thông tấn xã Campuchia (AKP), nhật báo Kampuchea Thmey (Campuchia mới), Trung tâm thông tin Cây Me (DAP News), Domrey News, Khmer Times… đồng loạt đăng tải nhiều chủ đề bài viết về công tác chuẩn bị tổ chức mít tinh trọng thể chào mừng sự kiện, cũng như ca ngợi sự kiện Chiến thắng 7/1 - ngày kết thúc chế độ diệt chủng Pol Pot, mở ra kỷ nguyên của sự hồi sinh và kiến tạo nền hòa bình trọn vẹn trên quê hương Chùa Tháp hôm nay - như một sự thật lịch sử không thể phủ nhận, một biểu tượng của tinh thần đoàn kết và giải phóng dân tộc, cũng như tình đoàn kết hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời giữa hai quốc gia láng giềng, như một chiến thắng lịch sử vĩ đại của tinh thần đoàn kết quốc tế giữa hai dân tộc Campuchia và Việt Nam.
Sự kiện lịch sử của nhân dân Campuchia
Trong số nhiều bài viết liên quan, báo Kampuchea Thmey Daily nêu chủ đề “Vì sao việc tưởng nhớ Ngày 7/1 vẫn quan trọng đối với người dân Campuchia” của tác giả Hun Sirivadh, khẳng định Ngày Chiến thắng 7/1 được tổ chức hàng năm để nhắc lại sự kiện sụp đổ của chế độ Kampuchea Dân chủ tàn bạo ở Campuchia, trong khi giới phân tích cho rằng việc tổ chức kỷ niệm sự kiện lịch sử này là cần thiết để ngăn chặn tái diễn chiến tranh và hành vi diệt chủng, cũng như tưởng nhớ những người đã khuất và hân hoan với sự sống còn của người dân Campuchia.
Kampuchea Thmey dẫn nhận định của Tiến sĩ Yang Peou - Tổng thư ký Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), cho rằng Ngày 7/1 là sự thật lịch sử không thể phủ nhận của đất nước Campuchia. Ông lý giải: “Nếu chúng ta không thừa nhận sự thật lịch sử Ngày 7/1 này, nghĩa là chúng ta xúc phạm hàng triệu người dân Campuchia đã thiệt mạng, cũng như xúc phạm sự sống còn của chính bản mình. Điều đó có nghĩa là không thừa nhận sự giải cứu, không thừa nhận chính cuộc đời mình”.
Theo bài viết, chế độ diệt chủng đã sát hại hơn 2 triệu người dân Campuchia và phá hủy gần như hoàn toàn cơ sở hạ tầng, hệ thống hành chính... Ngày 25/12/1978, theo đề nghị của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia - do các đồng chí Heng Samrin, Chea Sim, Samdech Techo Hun Sen và 11 nhà lãnh đạo khác thành lập tại huyện Snuol (tỉnh Kratie), Quân đội Việt Nam đã mở cuộc tấn công vào lực lượng Khmer Đỏ, tiêu diệt cơ quan hành chính đầu não của chúng vào ngày 7/1/1979. Tổng Thư ký RAC nhận định ở thời điểm lúc bấy giờ, việc Campuchia đề nghị Việt Nam giúp đỡ là việc làm đúng đắn, bởi nếu trì hoãn càng lâu, người dân Campuchia thiệt mạng càng nhiều.
Sau khi chính quyền Khmer Đỏ sụp đổ, chiến tranh vẫn tiếp diễn cho đến ngày 29/12/1998, đất nước Campuchia mới có được nền hòa bình trọn vẹn sau khi bộ máy tổ chức của Khmer Đỏ tan rã. Báo cáo của các chuyên gia Liên hợp quốc (LHQ) trình bày tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) ngày 16/3/1999 kết luận rằng lực lượng Khmer Đỏ vi phạm những tội ác nghiêm trọng theo luật pháp quốc tế và pháp luật Campuchia, đồng thời có đủ bằng chứng và nhân chứng để buộc tội các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ. Đó là lý do Tòa án xét xử Khmer Đỏ được thành lập năm 2006 và hoàn tất công việc của mình vào cuối năm 2022.
Theo Kampuchea Thmey, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen từng cho rằng thành công của Tòa án xét xử Khmer Đỏ cho thấy công cuộc đánh đổ Khmer Đỏ của Mặt trận Đoàn kết cứu quốc Campuchia và Quân đội Việt Nam là việc làm đúng đắn nhất đối với Campuchia và thế giới. Việc tổ chức chào mừng Ngày Chiến thắng 7/1 có ý nghĩa thực sự hết sức quan trọng đối với Campuchia. Bài viết nhấn mạnh “Ngoài việc cứu sống người dân Campuchia thời kỳ đó, Ngày 7/1 còn là niềm vui của mọi người dân Campuchia hôm nay, khi được thừa hưởng nền hòa bình, phát triển, có quyền tự do và được bảo vệ, sử dụng nó mà không phải sống trong sợ hãi”.
Biểu tượng sáng ngời của tinh thần đoàn kết quốc tế Campuchia - Việt Nam
Trong khi đó, trên báo in và phiên bản điện tử tiếng Anh, tờ Khmer Times đăng tải bài bình luận của ông Uch Leang - Chủ tịch Hội cựu Sinh viên Campuchia từng học tập tại Việt Nam (CAVA), Quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia thuộc RAC. Trong đó, tác giả nhận định tình hữu nghị Campuchia - Việt Nam là biểu tượng sáng ngời của tinh thần đoàn kết quốc tế và mối quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia láng giềng. Mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở nền tảng lịch sử lâu đời, cùng với sự đoàn kết trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và tự do của hai nước, là nền tảng cho tình hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc.
Theo bài viết, cách đây 46 năm, vào ngày 7/1/1979, các lực lượng yêu nước dưới sự lãnh đạo của “Mặt trận Đoàn kết cứu quốc Campuchia”, tiền thân của “Mặt trận Đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia” hiện nay, với sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam, đã tiến vào giải phóng Phnom Penh, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Chiến thắng lịch sử Ngày 7/1 đã kịp thời giải cứu hơn 5 triệu người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu, vốn đã sát hại hơn 3 triệu người dân vô tội trong suốt 3 năm, 8 tháng và 20 ngày cầm quyền, từ năm 1975-1979.
Trong bài viết, Chủ tịch CAVA Uch Leang cho rằng sự kiện lịch sử 7/1 thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế to lớn giữa nhân dân và quân đội Campuchia - Việt Nam. Chiến thắng này đã khắc sâu vào tâm khảm của nhân dân Campuchia, chấm dứt thời kỳ đen tối nhất, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chính vì thế, nhân dân Campuchia coi ngày 7/1/1979 là ngày sinh thứ hai của mình.
Chuyên gia Uch Leang nhấn mạnh: “Nếu không có chiến thắng Ngày 7/1, Campuchia sẽ không có ngày hôm nay. Đây là một sự thật lịch sử mà không ai có thể thay đổi hoặc hủy hoại được. Chiến thắng Ngày 7/1/1979 là bài học lịch sử tốt nhất rút ra từ Campuchia, để các thế hệ mai sau ghi nhớ, kế thừa truyền thống đoàn kết và tinh thần anh hùng, giúp đỡ lẫn nhau của quân đội và nhân dân hai nước Campuchia - Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ của mình”.
Trong bài viết, Khmer Times còn dẫn lời ông Sok Eysan, người phát ngôn CPP, cho rằng dưới chế độ diệt chủng Pot Pot, nhân dân Campuchia đã rơi vào tình cảnh khốn cùng. Trong thời điểm bi thảm đó, quân tình nguyện Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia đã trở thành lực lượng có sức mạnh áp đảo, nhanh chóng và kịp thời mở các cuộc tấn công để giải phóng nhân dân và đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.
Đề cập đến quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, chuyên gia Uch Leang cho biết Việt Nam và Campuchia đã cùng nhau xây dựng tương lai, kề vai sát cánh cùng nhau vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam và cuộc đấu tranh chống chế độ Pol Pot ngày 7/1/1979 của nhân dân Campuchia. Sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau của hai nước láng giềng đã đóng góp tích cực vào công cuộc tái thiết Việt Nam và Campuchia, tạo dựng nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước.
Theo nhà nghiên cứu thuộc RAC, ngày nay, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia tiếp tục được củng cố trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục. Hai nước cam kết tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa phong phú, hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển bền vững. Mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng. Các hiệp định thương mại song phương, khuôn khổ hợp tác kinh tế đã góp phần tăng kim ngạch thương mại, thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước. Thông qua tăng trưởng thương mại, đầu tư, dịch vụ, các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo nhiều việc làm cho người dân Campuchia.
Theo học giả Uch Leang, thông qua các chuyến thăm cấp cao, hai bên tái khẳng định phương hướng đã thống nhất nhằm tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, hình thành các cơ chế cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên một giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố với sự tin cậy chiến lược giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và CPP. Trên tinh thần đó, Việt Nam và Campuchia cam kết tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước.
Trong một bài viết ngày 5/1, trang tin dap-news.com của Trung tâm Thông tin Cây Me (DAP News) đăng tải bài viết với tiêu đề “Kỷ niệm 46 năm Ngày chiến thắng 7/1: Tinh thần đoàn kết trong sự kiện giải phóng dân tộc” với nhiều thông điệp ý nghĩa về tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Thông qua bài viết trên, DAP News nhận định trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tinh thần đoàn kết hữu nghị truyền thống ngày 7/1/1979 với sự gắn bó giúp đỡ lẫn nhau giữa Campuchia và Việt Nam, hai nước sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” lên một tầm cao mới. Qua đó, cùng nhau xây dựng tương lai, đấu tranh chống khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi và các hoạt động xuyên tạc, vu khống, chia rẽ mối quan hệ giữa hai nước, nhằm kiến tạo một mối quan hệ trong sáng, ổn định, bền vững của tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì nền hòa bình, phồn vinh của khu vực và trên thế giới.