Sự kiện nổi bật ngày 16.4

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về quy hoạch, phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite... là sự kiện nổi bật ngày 16.4.

TRONG NƯỚC

Ngày 16.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về quy hoạch, phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite giai đoạn từ năm 2007 đến 2015, có xét đến năm 2025. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, 2 dự án thí điểm đầu tư khai thác và chế biến quặng bauxite thành alumin, nguyên liệu chính để luyện nhôm là Tân Rai ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nhân Cơ ở Đắk Nông được khởi công vào năm 2008 và 2010. Sau quá trình hoạt động, từ năm 2017, các nhà máy alumin đã bắt đầu có lãi, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển bền vững ngành công nghiệp alumin và luyện nhôm, phải đặc biệt quan tâm tới bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nhất là bảo vệ môi trường sống của đồng bào Tây Nguyên. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Trước tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn do tác động của dịch bệnh Covid-19, chiều 16.4, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức chương trình đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì buổi đối thoại. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Chiều 16.4, tại Nhà Quốc hội diễn ra phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); nghe báo cáo về đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức và vấn đề lao động, việc làm trong Hiệp địmh Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầ tư Việt Nam – EU (EVIPA). Trong ảnh: Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Ngày 16.4, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phối hợp với Cục quản lý thị trường tỉnh Điện Biên, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang bắt giữ đối tượng vận chuyển số lượng lớn khẩu trang không rõ nguồn gốc. Đối tượng là Vì Văn Thiện, trú tại bản Pá Hẹ, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), điều khiển xe ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 24C-098.95 vận chuyển hơn 50 thùng carton, bên trong có chứa nhiều hộp khẩu trang y tế với nhiều chủng loại, nhãn mác khác nhau, số lượng khoảng 125.000 chiếc. Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Khoảng 22 giờ ngày 15.4, lực lượng cảnh sát đã chốt chặn ở hai đầu trên quốc lộ 1A đoạn qua ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành. Tại đây, có khoảng 100 xe máy và nhiều thanh thiếu niên đang tụ tập đua xe. Khi phát hiện lực lượng công an, nhiều đối tượng bỏ chạy tẩu thoát. Lực lượng chức năng địa phương đã khống chế, bắt giữ 22 xe máy, 23 người có độ tuổi từ 15 - 22 và đưa về cơ quan Công an huyện Châu Thành làm việc. Tại hiện trường, có nhiều xe máy đã qua độ chế, thay đổi hình dáng kết cấu, không biển kiểm soát… Trong ảnh: Số xe máy dùng để đua xe bị lực lượng Công an bắt giữ. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

TRONG TỈNH

Sáng 16.4, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch Covid-19 tỉnh họp để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 15.4. Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND nêu rõ, người dân phải tiếp tục thực hiện việc hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác từ 2 m trở lên. Không tụ tập quá 5 người tại nơi công cộng. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu được phép mở cửa trở lại với điều kiện bảo đảm đầy đủ các quy định phòng chống dịch Covid - 19. Riêng các cửa hàng ăn uống không bán cho khách ăn uống tại chỗ. Cho phép taxi, xe buýt hoạt động trở lại trong phạm vi nội tỉnh và phải bảo đảm các quy định phòng chống dịch Covid - 19. Các phương tiện này chỉ được phép chở tối đa 50% số người so với công suất chở của xe. Riêng taxi 4 chỗ, 5 chỗ chỉ được phép chở 1 khách trên xe... Trong ảnh: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh sáng 16.4. Ảnh: Thế Anh

Sáng 16.4, hệ thống bưu điện bắt đầu tổ chức chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp 2 tháng 4 và 5 cho người thụ hưởng tại nhà. Theo kế hoạch, đợt chi trả này kết thúc trước ngày 10.5. Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tổng số tiền chi trả đợt này khoảng 800 tỷ đồng với hơn 96.000 người thụ hưởng. Hiện ngành bảo hiểm xã hội đã thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thẻ ATM cho 6.906 người với số tiền hơn 72 tỷ đồng. Trong ảnh: Nhân viên bưu điện đến tận nhà chi trả lương hưu cho người dân ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương). Ảnh: Lê Hương

Ngày 16.4, "Siêu thị Hạnh phúc" (hay còn gọi là "Siêu thị 0 đồng") tại 734 Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) mở cửa để giúp đỡ người nghèo. Khoảng 250 suất quà gồm gạo, trứng, dầu ăn, nước mắm, đường, bột canh... đã tới tay các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi khách hàng thuộc diện trên có thể đi siêu thị 2 tuần/lần để mua hàng với giá 0 đồng và được chọn tối đa 5 sản phẩm khác nhau với tổng trị giá không quá 100.000 đồng/lần. Hệ thống "Siêu thị Hạnh phúc" do Tập đoàn Apec triển khai tại Hải Dương và 7 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm cung cấp lương thực thiết yếu, quần áo, sách báo... cho người nghèo, góp phần chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Trong ảnh: Ban tổ chức hướng dẫn người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận quà 2 tuần/lần. Ảnh: Việt Quỳnh

8 giờ sáng 16.4, cây “ATM gạo” miễn phí đầu tiên ở TP Hải Dương đặt tại Nhà thờ Hải Dương bắt đầu hoạt động. Mỗi ngày, “ATM gạo” này sẽ phát 500 suất, mỗi suất 2 kg. Đây là hoạt động phối hợp giữa Giáo xứ Hải Dương với Ủy ban MTTQ phường Trần Hưng Đạo. Nguồn kinh phí được huy động từ người dân trong và ngoài nước. Hiện "ATM gạo" này đã huy động được trên 4 tấn gạo và hơn 37 triệu đồng ủng hộ. Chương trình này sẽ kéo dài đến hết ngày 30.4. Nếu nhận được thêm sự hỗ trợ, chương trình có thể kéo dài hơn. Trong ảnh: Hướng dẫn người dân nhận gạo từ "ATM gạo" miễn phí. Ảnh: Thành Chung

QUỐC TẾ

Ngày 15.4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhận định một loại vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các đại diện của 50 quốc gia châu Phi là thành viên LHQ, ông Guterres kêu gọi thế giới nhanh chóng phát triển một loại vaccine phòng COVID-19 mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, cũng như đem lại “lợi ích chung toàn cầu” và giúp thế giới kiểm soát đại dịch. Trong ảnh: Vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 16.4, một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng nước này Shinzo Abe đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, chính quyền các tỉnh, thành sẽ có quyền yêu cầu các trường học và nhiều doanh nghiệp đóng cửa cho đến hết kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, tức là ngày 6.5 tới. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp toàn quốc về dịch bệnh được ban bố ở Nhật Bản. Trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Asakusa, Tokyo. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến sáng 16.4, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới cả về số ca mắc và tử vong, với con số lần lượt là 636.350 người mắc bệnh (tăng 27.876 ca so với một ngày trước đó) và 28.442 người tử vong (tăng 2.569 ca). Đứng ngay sau Mỹ vẫn là 5 nước châu Âu gồm Tây Ban Nha (177.644 người mắc bệnh, 18.708 ca tử vong); Italy (165.155 ca mắc, 21.645 ca tử vong); Pháp (147.863 ca mắc, 17.167 ca tử vong); Đức (133.456 ca mắc, 3.592 ca tử vong) và Anh (98.476 ca mắc, 12.868 ca tử vong). Trong ảnh: Điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: The New York Times/TTXVN

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 16.4 cảnh báo kinh tế châu Á trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm, do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra những tác động “chưa từng có tiền lệ” đối với lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu. Theo báo cáo của IMF, nền kinh tế châu Á trong năm 2020 có thể sẽ không tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm qua. Nếu các biện pháp khống chế dịch bệnh phát huy hiệu quả, tăng trưởng kinh tế châu Á trong năm 2021 có thể đạt 7,6%. Tuy nhiên, IMF bày tỏ sự không chắc chắn đối với triển vọng này. Trong ảnh (tư liệu): Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Văn phòng Công tố viên Bobigny, tỉnh Seine-Saint-Denis, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp thông báo cảnh sát nước này đã tiêu diệt một nghi phạm tấn công bằng dao tại thành phố La Courneuve. Sự việc xảy ra vào rạng sáng 16.4 (giờ Việt Nam) khi đội cảnh sát tuần tra bằng xe đạp phát hiện một người đàn ông mang trong người một "con dao dài". Đối tượng đã đe dọa và xông vào lực lượng an ninh, buộc cảnh sát phải bắn hạ. Điều tra sơ bộ cho thấy đối tượng tấn công là người gốc Afghanistan.Lực lượng chức năng đang làm rõ động cơ gây án. Trong ảnh: Xe cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công ở thành phố La Courneuve, Pháp ngày 16.4. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/su-kien-qua-anh/su-kien-noi-bat-ngay-164-133898