Sự kiện nổi bật ngày 28.4

Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19; Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị lần thứ 141... là những sự kiện nổi bật ngày 28.4.

TRONG NƯỚC

Chiều 28.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tại các vùng có nguy cơ cao được công bố tại cuộc họp trước đều không có ca lây nhiễm mới. Với 270 ca nhiễm COVID-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19. Do đó, cuộc họp hôm nay sẽ tiếp tục bàn về việc tháo gỡ, nới lỏng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Cuộc họp cũng sẽ tập trung thảo luận về một số biện pháp trong trạng thái “bình thường mới”…Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Sáng 28.4, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 44 để cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và hằng năm từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 44 để cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Ngày 28.4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm “Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng mùa xuân năm 1975: Vai trò của mặt trận ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30-4” nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.Dự tọa đàm có nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo đã tham gia trực tiếp vào quá trình đấu tranh ngoại giao để đi đến Hiệp định Paris, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học. Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc tọa đàm. Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì tọa đàm. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020) và 134 năm Ngày Quốc tế lao động (1.5.1886 - 1.5.2020), Ban tổ chức các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh triển lãm ảnh với chủ đề “TP Hồ Chí Minh 45 năm xây dựng và phát triển vì cả nước, cùng cả nước” tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi và khu vực đối diện Công viên Chi Lăng. Triển lãm gồm 200 ảnh màu và đen trắng giới thiệu về truyền thống lịch sử của quân và dân Việt Nam, nhất là giai cấp công nhân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong ảnh: Ảnh triển lãm “Công nhân thành phố phát huy vai trò tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên tuyến đường Đồng Khởi. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Liên Bộ Công thương – Tài Chính vừa công bố quyết định phương án điều hành các mặt hàng xăng dầu áp dụng từ 15 giờ ngày28.4. Đây là lần thứ 8 liên tiếp giá mặt hàng xăng, dầu được điều chỉnh giảm từ đầu năm đến nay.Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 401 đồng/lít, giá bán tối đa 10.942 đồng/lít. Xăng RON95-III giảm 308 đồng/lít, giá tối đa 11.631 đồng/lít.Dầu diesel 0.05S giảm 882 đồng/lít, giá tối đa 9.941 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 674 đồng/lít, giá tối đa 7.965 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 657 đồng/kg, 8.670 đồng/kg. Trong ảnh: Mua bán xăng dầu tại cây xăng ở Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Kể từ ngày 28.4, các khu, điểm du lịch, danh thắng, các điểm du lịch cộng đồng, cơ sở kinh doanh lưu trú, homestay cùng các cơ sở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê, giải khát trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, mọi hoạt động đều phải có kiểm soát, đảm bảo nguyên tắc về giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Hoạt động du lịch chỉ áp dụng đối với khách nội địa, việc đón khách nước ngoài vẫn bị tạm dừng đến khi có thông báo mới. Trong ảnh: Thực hiện đo thân nhiệt tại Khu du lịch sinh thái Tràng An sáng 28.4. Ảnh: Đức Phương – TTXVN

Ngày 28.4, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Hồ Thị Thùy (sinh năm 1997) trú tại khu 1 xã Đan Thượng, Hạ Hòa (Phú Thọ) về "tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với mức án phạt 5 năm tù, áp dụng theo điểm c, khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo cáo trạng Viện kiểm sát, vào khoảng tháng 1.2020 khi dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, nhu cầu về sử dụng khẩu trang y tế của người dân tăng đột biến, Hồ Thị Thùy đã đăng bài bán khẩu trang y tế khẩu trang y tế trên các nhóm của Facebook và đã thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 9 bị hại với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng. Trong ảnh: Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Hồ Thị Thùy. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

TRONG TỈNH

Chiều 28.4, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo dự thảo kế hoạch thực hiện Kết luận số 71-KL/TW ngày 24.3.2020 của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông báo kết luận số 43-TB/TW ngày 28.12.2017 của Bộ Chính trị; tờ trình đề nghị ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh... Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc tự kiểm tra, rà soát, kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc có sai sót, vi phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện trong tháng 6.2020.... Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu kết luận hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Hoàng Biên

Sáng 28.4, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4 để xem xét tờ trình của Sở Giao thông vận tải (GTVT), các báo cáo của Sở Nội vụ, UBND TP Hải Dương và Công ty CP Đầu tư Ecopark Hải Dương. Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp. Kết luận về nội dung mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ do nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn lực có hạn nên Sở Giao thông vận tải cần tính toán, đề xuất thứ tự dự án ưu tiên đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cần thông tin cụ thể về khả năng bố trí vốn, dự kiến nguồn lực, ngân sách nhà nước có thể đầu tư cho lĩnh vực giao thông theo từng giai đoạn. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng tình với nội dung tờ trình của Sở Nội vụ về thành lập Chi cục Giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng... Trong ảnh: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 4 của UBND tỉnh. Ảnh: Lan Nguyễn

QUỐC TẾ

Kết quả cuộc thăm dò được Đại học Baldwin Wallace công bố ngày 27.4 cho thấy, ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump bám sát nhau về tỷ lệ ủng hộ tại tiểu bang Ohio, một trong những tiểu bang chiến địa và nhận được sự quan tâm của dư luận trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Cụ thể, tỷ lệ những người được hỏi ủng hộ ông Biden là 45%, trong khi Tổng thống Trump nhận được 44%. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 28.4, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này trong tháng 3 vừa qua tăng lên 2,5%, mức cao nhất trong một năm qua. Đây được cho là một dấu hiệu nữa cho thấy tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế nước này. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản tăng, sau khi lên mức 2,4% trong tháng 2 vừa qua. Trong ảnh: Cảnh vắng khách tại cửa hàng tạp hóa do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Xung đột và thảm họa đã buộc hơn 33 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ngay trong chính quốc gia của họ trong năm ngoái, khiến họ phải đối mặt với nguy cơ lớn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.Trong báo cáo do Trung tâm giám sát lánh nạn trong nước (IDMC) và Hội đồng người tị nạn Na Uy (NRC) công bố ngày 28.4, con số trên đã nâng tổng số người phải đi lánh nạn ngay trong các nước xảy ra xung đột và thiên tai tăng lên mức kỷ lục 50,8 triệu người, cao hơn nhiều so với khoảng 26 triệu người di tản khỏi quốc gia của họ để xin tị nạn tại những nước khác. Trong ảnh (tư liệu): Trẻ em tại trại tị nạn ở Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/su-kien-qua-anh/su-kien-noi-bat-ngay-284-134999