Sự kiện nổi bật ngày 30.7
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch COVID- 19 là sự kiện nổi bật ngày 30.7.
TRONG NƯỚC
Ngày 30.7, tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch COVID- 19 trên địa bàn. Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân cần gửi lời hỏi thăm đến nhân dân TP Hồ Chí Minh và 18 địa phương khác ở phía Nam đang vất vả chống chọi với đại dịch toàn cầu COVID-19. Chủ tịch nước cho rằng với đặc thù quy mô hơn 10 triệu dân như TP Hồ Chí Minh, việc chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Chủ tịch nước nhấn mạnh mục tiêu trước hết, trên hết và quan trọng nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe và an toàn sức khỏe của nhân dân, giảm tối đa số ca tử vong. Theo đó nhiệm vụ cốt tử là phải thực hiện cho được biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 và muốn thực hiện được thì phải lo được đời sống của nhân dân, không được để dân thiếu đói. Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương về công tác phòng chống dịch COVID-19 và thăm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bình Dương. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngày 30.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng chống dịch COVID-19 và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ nhất liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này đã trải qua gần 100 ngày. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình của đồng bào, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã có nhiều nỗ lực để đầy lùi dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh cần nhìn nhận vấn đề một cách thực chất, sát với tình hình thực tế, trên tin thần “bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để có nhận thức, cách tiếp cận, giải pháp mới trong phòng chống dịch. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Để chủ động phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho Thủ đô và sức khỏe của nhân dân, UBND TP Hà Nội vừa có chủ trương trưng dụng 10 dự án nhà tái định cư (bao gồm cả khuôn viên chung quanh các tòa nhà chung cư) để sử dụng làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến. Trong ảnh: Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai quy mô hơn 20.000 m2 với cơ sở vật chất cũng như hạ tầng đồng bộ được TP Hà Nội trưng dụng làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN
Ngày 29.7, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi tổ chức buổi lễ trao tặng 50 nghìn khẩu trang y tế cho đại diện Đại sứ quán Eswatini tại Nam Phi nhằm hỗ trợ người dân vương quốc này phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đây là hoạt động nằm trong chương trình 1 triệu khẩu trang do cộng đồng người Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi ủng hộ người dân Nam Phi và một số nước lân cận tại khu vực miền Nam châu Phi. Cùng ngày, nằm trong chuỗi sự kiện trao tặng khẩu trang y tế cho các trường học tại Nam Phi, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã tổ chức trực tiếp trao tặng 30.000 khẩu trang cho Trường Tiểu học Waterkloof và 25.000 khẩu trang cho Trường Trung học Pro Arte Alphen Park tại địa phương. Trong ảnh: Học sinh Trường Trung học Pro Arte Alphen Park chuyên về năng khiếu nghệ thuật của Pretoria nhận 25.000 khẩu trang do cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi ủng hộ. Ảnh: Hồng Minh -TTXVN
Ngày 30.7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giàng A Của (sinh năm 1979, trú tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La) về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Trước đó, hồi 8 giờ ngày 26.7, Công an thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, phát hiện, bắt quả tang Giàng A Của có hành vi tàng trữ trái phép 1 bánh heroin, 319 viên ma túy tổng hợp, cùng một số vật chứng liên quan khác. Trong ảnh: Đối tượng Giàng A Của cùng tang vật tại cơ quan Công an. Ảnh: TTXVN
Ngày 30.7, Công an xã Đồng Tiến (Đồng Phú, Bình Phước) mời 4 thanh thiếu niên gồm: Nguyễn Anh Tuấn (15 tuổi), Phạm Duy Cương (18 tuổi), Đinh Thanh Hải (17 tuổi) và Trần Nam Tiến (16 tuổi) cùng ngụ xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú lên trụ sở công an, để điều tra hành vi tụ tập đông người trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trước đó, khoảng 14 giờ chiều 29.7, 4 thanh niên tổ chức nhậu sau vườn và livetream trực tiếp lên mạng xã hội Facebook. Trong ảnh: 4 đối tượng tại cơ quan Công an. Ảnh: TTXVN
TRONG TỈNH
Chiều 30.7, phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền quán triệt, tuyên truyền, nghiêm túc thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Điện của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch Covid-19... Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu luôn phải đặt toàn bộ hệ thống chính trị trong trạng thái đang có dịch. Nêu cao vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện tăng cường kiểm tra chống dịch với tinh thần “mỗi thôn, xã là một pháo đài chống dịch”. Nơi nào lơ là, chủ quan phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Kiểm soát chặt chẽ người có yếu tố dịch tễ từ bên ngoài tỉnh vào, lưu ý các tỉnh, thành phố đang phức tạp về dịch bệnh. Tiếp tục triển khai tiêm vaccine theo kế hoạch, quan tâm công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp lớn có đóng góp trong phát triển kinh tế của tỉnh để bảo đảm giữ ổn định sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục vận động ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19... Cũng tại hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về quy hoạch xây dựng vùng huyện Ninh Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí với định hướng mở rộng không gian phát triển thị trấn Ninh Giang về phía bắc; bổ sung định hướng phát triển thành đô thị loại V với các xã Tân Phong, Đông Xuyên ở giai đoạn sau năm 2030; nhất trí đề xuất của huyện về 4 phân khu chức năng, yêu cầu bổ sung thêm việc xem xét, nghiên cứu phát triển đô thị, khu dân cư hiện đại để kết nối trục đông - tây; vùng nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái... Trong ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Trung Thu
Chiều 30.7, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản làm việc với huyện Nam Sách về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định các biện pháp phòng chống dịch tại huyện Nam Sách đang đi đúng hướng. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh đang ở mức báo động, diễn biến rất phức tạp, ca dương tính tiếp tục có chiều hướng tăng, do đó không được chủ quan, lơ là. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện phải cùng vào cuộc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, huy động toàn dân phòng chống dịch với mục tiêu dập dịch nhanh, phòng dịch tốt. Huyện Nam Sách phải tiếp tục nêu gương trách nhiệm người đứng đầu. Muốn nhân dân cùng vào cuộc thì từ Thường trực, Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, lãnh đạo HĐND, UBND các cấp, khu dân cư, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu để người dân noi theo. Cần tiếp tục kiện toàn tổ "Covid cộng đồng", trao cho họ quyền nhất định để nâng cao vị thế, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm các điều kiện cần thiết để các tổ "Covid cộng đồng" phát huy hiệu quả. Từ ngày 27.7 đến nay, tại huyện Nam Sách đã phát hiện tổng số 17 ca bệnh Covid-19. Liên quan đến ổ dịch của huyện, lực lượng chức năng đã điều tra và lấy mẫu cho 16.659 lượt người, trong đó 298 F1, 1.624 F2, còn lại là mẫu lấy trong khu phong tỏa. Trong ảnh: Đồng chí Lưu Văn Bản kiểm tra hoạt động tại chốt phong tỏa ở xã Thái Tân. Ảnh: Thế Anh
QUỐC TẾ
Ngày 29.7, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật tăng cường an ninh cho Quốc hội Mỹ (Đồi Capitol) trị giá 2,1 tỷ USD, gồm việc cung cấp nguồn kinh phí mới cho Cảnh sát Quốc hội. Dự luật trên đã được Thượng viện thông qua với 98 phiếu thuận và 1 phiếu chống, đang được gửi đến Hạ viện để thực hiện các thủ tục tiếp theo. Cuộc bỏ phiếu đối với dự luật trên tại Thượng viện diễn ra vài ngày, sau khi các Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (Đảng Dân chủ, bang Vermont) và Richard Shelby (Đảng Cộng hòa, bang Alabama), các thành viên hàng đầu của Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện tuyên bố ủng hộ dự luật. Trong ảnh: Hàng rào an ninh được lắp đặt tại Đồi Capitol ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 29,7, Chính phủ Italy đã đạt được thỏa thuận về việc cải cách hệ thống tư pháp đang gây tranh cãi, dường như chấm dứt nhiều tuần xích mích trong liên minh đa đảng của Thủ tướng Mario Draghi. Tuyên bố của Chính phủ cho biết theo thỏa thuận trên, những thay đổi do Bộ trưởng Tư pháp Italy Marta Cartabia đề xuất sẽ không áp dụng theo cùng một cách đối với các hành vi phạm tội liên quan đến tội phạm có tổ chức, khủng bố, bạo lực tình dục hoặc buôn bán ma túy và chúng sẽ được loại bỏ dần dần trong thời gian 3 năm. Trong ảnh: Thủ tướng Italy Mario Draghi (giữa) trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Tư pháp Marta Cartabia (trái) tại Rome. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 30.7 cho biết, nước này đã khôi phục hoàn toàn thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ. Đây là thỏa thuận quy định về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines. Quyết định được đưa ra nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Philippines. Mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã gặp không ít trục trặc trong vài năm gần đây dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Năm 2020, ông Duterte thông báo với phía Mỹ rằng ông sẽ hủy bỏ toàn bộ thỏa thuận Lực lượng thăm viếng do Mỹ từ chối cấp thị thực cho một thượng nghị sĩ Philippines. Tuy nhiên, sau đó, Philippines bất ngờ 3 lần trì hoãn quyết định về hủy thỏa thuận này. Trong ảnh (tư liệu): Binh sĩ Mỹ và Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan tháng 5.2018. Ảnh: AP/TTXVN
Hiện nay, 3 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Myanmar đã vượt qua Ấn Độ vào thời kỳ đỉnh dịch về tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân trong làn sóng COVID-19. Indonesia đã và đang liên tiếp chứng kiến "kỷ lục phá kỷ lục". Tuần qua, lần đầu tiên nước này đã ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong do COVID-19 trong ngày. Indonesia cũng đã vượt qua Ấn Độ và Brazil về số ca mắc mới nhiều nhất thế giới. Malaysia đã trải qua tháng thứ 3 của lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, trong tuần qua, nước này vẫn ghi nhận kỷ lục số ca mắc mới COVID-19 và tổng số người nhiễm đã vượt mốc 1 triệu bệnh nhân. Đáng chú ý, theo cảnh báo của đặc phái viên Liên hợp quốc, Myanmar có nguy cơ trở thành quốc gia "siêu lây nhiễm" COVID-19. Tốc độ lây lan COVID-19 tại nước này tăng rất nhanh, tới ngưỡng đáng báo động. Hầu hết các thành phố tại Myanmar đều thiếu oxy, thiết bị y tế và thuốc men. Trong ảnh: Bên trong bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/su-kien-qua-anh/su-kien-noi-bat-ngay-307-174772